Va vào đuôi xe ben đang đậu, người đi xe máy tử vong tại chỗ

07/10/2019 19:35 GMT+7

Ngày 7.10, Đội CSGT trật tự Công an Q.2, TP.HCM cho biết đã bàn giao cơ quan cảnh sát điều tra xử lý vụ va chạm vào đuôi xe ben đang đậu, người đi xe máy tử vong trên đường Lương Định Của (Q.2).

Theo thông tin ban đầu, khuya 6.10, anh Tiêu Ngọc Lâm (sinh năm 1983, quê Cà Mau) điều khiển xe máy biển số 71C2-338.28 lưu thông trên đường Lương Định Của hướng về đại lộ Mai Chí Thọ.
Vừa ra khỏi ngã tư đường Trần Não vài trăm mét (đoạn thuộc P.Bình Khánh, Q.2) thì anh Lâm va chạm vào đuôi xe ben biển số 51C1-373.40 đang đậu bên đường.
Vụ va chạm khiến chiếc xe máy văng ngược trở lại, biến dạng. Anh Lâm nằm bất động và tử vong sau đó.
Nơi xảy ra tai nạn là đoạn đường hẹp, đang có công trình thi công và khuất tầm nhìn. Hiện vụ việc đã được CSGT trật tự Công an Q.2 chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý.

CSGT lập biên bản hiện trường

Diệu Mi

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, lãnh đạo Đội CSGT trật tự Q.2 cho biết, theo quy định khi đậu xe ô tô, tài xế phải có cảnh báo để người đi xe khác biết. Tuy nhiên, trong vụ việc này, đây chưa chắc là nguyên nhân chính gây tai nạn, mà còn phải xác định nhiều yếu tố khác… Sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra mới đưa ra kết luận.

Đậu xe thế nào cho đúng luật?

Theo khoản 3 điều 18 Luật Giao thông đường bộ, người dừng, đỗ xe trên đường bộ phải tuân thủ các quy định sau:
- Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.
- Chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm phía trước và phía sau để người điều khiển phương tiện khác biết.
- Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.
- Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng/đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng/đỗ xe thì phải dừng/đỗ xe tại các vị trí đó.
- Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết.
- Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.
- Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái.
- Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
Khoản 4 điều 18 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định không được dừng, đỗ xe tại các vị trí sau:
- Bên trái đường một chiều.
- Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất.
- Trên cầu, gầm cầu vượt.
- Song song với một xe khác đang dừng, đỗ.
- Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường.
- Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau.
- Nơi dừng xe buýt.
- Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức.
- Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe.
- Trong phạm vi an toàn của đường sắt.
- Che khuất biển báo hiệu đường bộ.
Theo điều 19: Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải cách xa không quá 0,25m. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng, đỗ xe ở vị trí cách ôtô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 m.
Không được dừng, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước.
Không được được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.
Về mức phạt, theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng với hành vi dừng xe, đỗ xe vi phạm quy định tại khoản 3, điều 18.
Phạt tiền từ 300.000 - 800.000 đồng nếu dừng xe, đỗ xe vi quy định tại khoản 4 điều 18 và điều 19.
Theo đó, người lái ô tô đỗ xe nơi có biển ”Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe” bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.