Tại các bệnh viện: bệnh viện Nhi trung ương, bệnh viện E, bệnh viện K, Việt Đức… ở Hà Nội mặc dù đã có hệ thống quạt trần cộng thêm lắp bổ sung nhiều quạt công nghiệp nhưng bệnh nhân và người nhà thăm nuôi vẫn không tránh được một ngày vạ vật chống chọi nắng nóng.
Trời nóng, mọi sinh hoạt với người khỏe mạnh bình thường đã bị đảo lộn. Còn với những người đang mắc bệnh thì sự khổ cực dường như tăng lên gấp đôi.
Buổi trưa ở viện Nhi (Q. Đống Đa, Hà Nội), hành lang bệnh viện la liệt bệnh nhân và người nhà ra tránh nóng. Ghế ít người đông, nhiều người trải nilon, giấy báo, bìa các tông ra hành lang bệnh viện làm nơi cho trẻ nghỉ trưa.
Còn tại bệnh viện K (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội), khung cảnh không khác… một "trại tị nạn". Hành lang, lối đi, gốc cây… nơi nào có bóng mát là có la liệt người nằm người ngồi “trốn” nóng. Ai nấy tay quạt phành phạch mong xua đi cái nóng bức bao vây quanh.
Khu vực trả kết quả xét nghiệm của bệnh viện K không còn một ghế trống, người chật như nêm. Khu vực chờ lấy kết quả phim X quang, phòng làm thủ tục chờ khám… cũng đông người không kém.
Đây là những hình ảnh PV Thanh Niên Online ghi lại được tại một số bệnh viện ở Hà Nội trưa nay 9.6:
|
Theo bác sỹ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, những ngày nắng nóng, mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận hơn 2.000 ca. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết thay đổi, số trẻ phải nhập viện còn tăng lên rất nhiều. Theo bác sỹ Nhuận, môi trường ô nhiễm là nguyên nhân chính dẫn tới tỉ lệ trẻ mắc bệnh ngoài da ngày càng cao. Ngoài các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa thường gặp, sốt cao. Năm nay, số ca bị mắc các bệnh ngoài ra như sởi, rubella…chiếm tỉ lệ cao. Chính vì thế, ngoài chống nóng, phụ huynh cần chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, phòng tránh các bệnh ngoài da. Ngoài ra, trong những ngày nắng nóng dù là trẻ con hay người lớn cũng không nên dùng quạt thốc mạnh vào người, nhất là vào mặt. Tránh ra vào phòng có nhiệt độ chênh lệch nhiều với bên ngoài. Khi ra vào cần có một khoảng cân bằng để cơ thể thích nghi với môi trường. Người lớn và trẻ nhỏ khi đi nắng cần đội mũ rộng vành, tránh không cho nắng chiếu thẳng gáy. Không tắm biển, ao, hồ, sông, suối khi còn nắng gắt để tránh bị cảm nắng, say nắng. Ăn chín uống sôi, tránh ăn phải thức ăn ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh và không nên uống nhiều nước đá lạnh, không dùng nước đá không đảm bảo vệ sinh. Cả người lớn và trẻ nhỏ cần giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt để tránh mắc các bệnh ngoài da, bệnh về mắt. |
Phan Hậu- Lê Quân
(Thực hiện)
Bình luận (0)