Chàng trai trẻ Huỳnh Tấn Đạt (20 tuổi) là chủ một trang trại chăn nuôi hỗn hợp tại ấp 5, tổ 7, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Anh vừa được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương là gương thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi năm 2012, với lợi nhuận thu về mỗi năm gần 200 triệu đồng.
|
Nhớ lại khoảng thời gian trước đây, Đạt tâm sự: “4 năm về trước, mặc dù gia đình có diện tích đất đầm lầy rất rộng nhưng do không biết tận dụng để chăn nuôi, cứ để cỏ mọc um tùm nên kinh tế gia đình luôn gặp khó khăn. Lúc đó, mình đang còn học THPT nên chẳng tham gia phụ giúp được cho gia đình nhưng trong đầu đã có ý tưởng là phải biến vùng đất này để phát triển kinh tế và sẽ làm giàu từ đây. Năm 2011, được sự hướng dẫn từ mấy anh chị của Hội LHTN huyện Bình Chánh nên mình đã thuyết phục gia đình vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để đào ao nuôi cá và lập trại nuôi heo”.
Thấy được nguồn phân heo thải ra mỗi ngày trở thành nguồn thức ăn dồi dào để nuôi cá tra mà không cần phải xử lý, vừa đảm bảo môi trường vừa đỡ tốn tiền mua thức ăn cho cá. Chính vì vậy, Đạt đã mạnh dạn đầu tư vốn nuôi 5.000 con cá tra con để xử lý phân heo. “Mình không có nhiều vốn nên phải chọn con gì thật phù hợp để nuôi mà ít tốn kém chi phí nhất. Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu thì thấy mô hình nuôi heo kết hợp với nuôi cá tra là hợp lý nhất”, Đạt chia sẻ về những quyết định đúng đắn của mình.
Sau thời gian 6 tháng, trừ mọi chi phí, lợi nhuận thu về trên 40 triệu đồng từ việc nuôi cá tra. Số tiền trên không những tạo điều kiện cho gia đình có cuộc sống ổn định hơn mà còn trả được phần vốn vay để khởi nghiệp ban đầu.
Thừa thắng xong lên, sau vụ nuôi cá tra đó, Đạt đã mạnh dạn vay thêm vốn từ người thân, bạn bè để mở rộng diện tích ao hồ, chuồng trại nuôi thêm nhiều loại cá khác và nuôi heo.
Hiện trang trại của Đạt có tổng diện tích 1.000 m2, trong đó anh đang nuôi 30 con heo thịt, 2 con heo nái, 10.000 con cá tra, 6.000 con cá trê, 5.000 con cá chim. Và lợi nhuận từ việc chăn nuôi mỗi năm Đạt thu về gần 200 triệu đồng.
Không chỉ biết lo làm giàu cho bản thân mà chàng trai trẻ này luôn đau đáu trong lòng là làm sao phải tạo ra được việc làm giúp thanh niên địa phương cũng như chia sẻ những mô hình làm ăn hiệu quả để giúp họ thoát nghèo ngay trên mảnh đất, thửa ruộng của mình.
Đạt mong muốn: “Trên địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh còn rất nhiều diện tích đất đầm lầy của gia đình hoặc đất dự án quy hoạch treo bị bỏ hoang rất uổng phí. Nếu được trợ vốn, mình sẽ mạnh dạn mở rộng diện tích ao hồ để chăn nuôi, qua đó tạo thêm việc làm cho thanh niên nông thôn. Từ những việc làm hiệu quả đó, giúp thanh niên địa phương có thể thay đổi nhận thức và tự khởi nghiệp, làm giàu cho chính bản thân mình”.
Lê Thanh
Bình luận (0)