Vắc xin cúm 'made in Việt Nam' được WHO đặt hàng chống dịch

29/08/2018 10:38 GMT+7

Bộ Y tế cho biết 'chương trình triển vọng nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh cho người ở VN' với tổng kinh phí 135,73 tỉ đồng từ ngân sách do 5 đơn vị nghiên cứu, sản xuất và kiểm định vắc xin thực hiện.

Làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin thế hệ mới
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế), Chánh văn phòng chương trình cho hay hiện có 9/11 dự án khoa học công nghệ thuộc chương trình đang triển khai, trong đó đã có các vắc xin phòng bệnh thế hệ mới đã hoàn thành nghiên cứu và sản xuất quy mô phòng thí nghiệm sẽ sớm có các sản phẩm vắc xin sản xuất quy mô công nghiêp. Đặc biệt công trình hoàn thiện quy trình sản xuất vắc xin cúm mùa do (Viện vắc xin và sinh phẩm y tế thực hiện) trong chương trình mới đây đã được nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc.
-	Nhiều vắc xin thế hệ mới đã được các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, sản xuất thành công
Nhiều vắc xin thế hệ mới đã được các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, sản xuất thành công VABIOTEC
Ông Quang cho biết thời gian tới sẽ sớm có thêm các công trình nghiên cứu sản xuất vắc xin được nghiệm thu, đó là: sản xuất vắc xin viêm não trên tế bào vero; vắc xin phòng bại liệt tiêm IPV… Trước đó, trong nước đã sản xuất thành công vắc xin phối hợp sởi - rubella. Các vắc xin này được sản xuất theo công nghệ mới nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ cao và an toàn hơn.

Chúng ta mong muốn mọi trẻ em và người dân được bảo vệ chủ động bằng vắc xin, đến 2020 sẽ có 12 loại bệnh được bảo vệ bằng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và sẽ tăng lên 14 loại bệnh vào năm 2030. Chủ động nguồn vắc xin chúng ta đảm bảo được các mục tiêu này.

VN đã làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin cúm mùa và là một trong 14 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn cung cấp vắc xin toàn cầu trong tình huống xảy ra đại dịch cúm

GS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế

Chia sẻ về thành quả cho ra đời vắc xin bại liệt bất hoạt IPV, đại diện Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), Bộ Y tế - đơn vị nghiên cứu cho ra đời IPV cho hay đây là vắc xin an toàn cao được sử dụng đường tiêm cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi.
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin an toàn. Với 3 mũi tiêm trên các trẻ tham gia thử nghiệm lâm sàng mỗi mũi tiêm cách nhau 1 tháng, không có phản ứng nặng sau tiêm; kết quả xét nghiệm cho thấy tính sinh miễn dịch đạt hơn 90 - gần 100%.
Vắc xin bại liệt thế hệ cũ OPV là vắc xin bất hoạt, vi rút trong vắc xin có thể đột biến gây bệnh trở lại và thực tế trên thế giới đã ghi nhân các ca bại liệt có nguyên nhân do vi rút của vắc xin gây nên. Vắc xin bại liệt mới IPV sẽ loại bỏ được nguy cơ này.
Tại Công ty VABIOTEC, nghiên cứu và hoàn thiện quy trình vắc xin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero đã hoàn tất cho ra đời vắc xin sản xuất theo công nghệ mới an toàn và hiệu quả cao.
Cơ hội cung cấp vắc xin ra thế giới
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các nhà khoa học trong nước đang nghiên cứu vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bạch hầu ho gà uốn ván viêm gan B và bệnh do phế cầu khuẩn (Hib). Phế cầu khuẩn Hib gây tử vong cao với các trẻ dưới 5 tuổi đã được chúng ta sản xuất thành công. Việc phối trộn vắc xin phối hợp 5 trong 1 đang được đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu giúp các trẻ được bảo vệ 5 loại bệnh trong một mũi tiêm. Ngoài ra, các nhà khoa học trong nước cũng đang trong quá trình vào nghiên cứu sản xuất vắc xin HPV phòng ung thư cổ tử cung.
TS Nguyễn Ngô Quang chia sẻ: “Nghiên cứu sản xuất vắc xin đòi hỏi đầu tư rất nhiều công sức, kinh phí và thời gian, trung bình cần 8 - 12 năm để cho ra đời một sản phẩm. Sau khi hoàn thành nghiên cứu sản xuất vắc xin quy mô phòng thí nghiệm, việc đầu tư sản xuất quy mô công nghiệp cũng đòi hỏi kinh phí rất lớn, do đó để sản phẩm sản xuất trên quy mô lớn thì kinh phí đầu tư cũng là một vấn đề mà các đơn vị cần được hỗ trợ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.