Vắc xin dịch vụ và thuốc kê đơn phải công bố giá

16/12/2024 09:21 GMT+7

Thuốc kê đơn, bao gồm vắc xin dịch vụ phải thực hiện công bố giá bán buôn dự kiến, nhằm hạn chế phân phối qua tầng nấc trung gian.

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trong năm 2025, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện quy định: công bố giá bán buôn thuốc dự kiến, áp dụng đối với nhóm thuốc kê đơn. Nhóm thuốc này bao gồm vắc xin dịch vụ, là các dược phẩm người bệnh sử dụng theo đơn của bác sĩ, chiếm 82,5% tổng số lượng thuốc được lưu hành.

Vắc xin dịch vụ và thuốc kê đơn phải công bố giá- Ảnh 1.

Các thuốc kê đơn bao gồm vắc xin phải công bố giá bán buôn dự kiến, hạn chế phân phối qua các tầng nấc trung gian

ẢNH: TUẤN MINH

Quy định công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc áp dụng đối với thuốc kê đơn nhằm hạn chế tối đa phân phối qua tầng nấc trung gian đẩy giá cao bất hợp lý đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua.

Trước một số ý kiến lo ngại, công bố giá thuốc hiện chỉ áp dụng với thuốc kê đơn, các thuốc khác có dễ dàng bị giá cao bất hợp lý, ảnh hưởng tới khả năng chi trả; tăng gánh nặng tài chính do chi phí thuốc, đại diện Cục Quản lý dược cho biết: "Với các nhóm thuốc không kê đơn (chiếm 17,5% tổng số thuốc), dù các doanh nghiệp không phải công bố giá bán buôn nhưng vẫn được quản lý chặt chẽ bởi các biện pháp khác".

Cụ thể, nếu các thuốc này bán tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh, thì phải theo thặng số bán lẻ (từ 2 - 15%, tùy theo trị giá của thuốc). Nếu được sử dụng tại cơ sở khám chữa bệnh thì được kiểm soát thông qua đấu thầu.

Trường hợp các thuốc không kê đơn được bán lẻ trên thị trường thì được kiểm soát thông qua các biện pháp: niêm yết giá bán tại nơi giao dịch và bán giá không cao hơn giá niêm yết và đặc biệt, các thuốc không kê đơn là các thuốc phổ biến, có nhiều số đăng ký lưu hành của nhiều nhà sản xuất khác nhau, do đó với việc cả nước có hơn 60.000 cơ sở bán lẻ, giá thuốc được kiểm soát thông qua tính cạnh tranh trên thị trường.

Trong bệnh viện công, thông qua đấu thầu thuốc (kiểm soát việc xây dựng giá kế hoạch), giá thuốc được bình ổn. Trong những năm qua, thị trường dược phẩm không có hiện tượng găm hàng, đẩy giá cao.

Cũng theo Cục Quản lý dược, qua theo dõi tình hình thị trường, một số mặt hàng thuốc có hiện tượng tăng giá và tăng cục bộ tại một số nơi, nguyên nhân do xung đột vũ trang tại một số quốc gia, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông, vận tải quốc tế và nguồn cung ứng nguyên liệu, làm tăng chi phí đầu vào cấu thành nên giá thuốc; do tỷ giá giữa USD và Việt Nam đồng thay đổi.

Ngoài ra, trên thế giới, một số thuốc có nguồn cung khan hiếm (thuốc albumin, chế phẩm máu,...) nên giá thuốc bị tăng cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.