Đáp: Trước và trong khi có thai, nhất là 3 tháng đầu của thai kỳ, bạn cần đi kiểm tra sức khỏe xem có mắc các bệnh mạn tính gì không, như: tiểu đường, suyễn, động kinh, bệnh tim mạch, bệnh thận,… để bác sĩ có thể chăm sóc, theo dõi thai nhi một cách có hiệu quả hơn. Khi mang thai 3 tháng đầu, bạn cần tránh để mắc các bệnh nhiễm virus như cúm, sởi vì có thể gây những bất thường cho thai nhi. Ngoài ra cũng lưu ý khi phải dùng các thuốc để điều trị bệnh phải báo cho bác sĩ biết mình đang có thai để tránh những tác dụng phụ của thuốc gây ảnh hưởng đến thai.
Một số người khi mang thai có các dấu hiệu mệt mỏi, ho, thậm chí sốt, buồn nôn, sợ một số đồ ăn hay thức uống hoặc các mùi lạ... - trong dân gian thường gọi là ốm nghén. Các triệu chứng này nếu nhẹ thì thường tự mất đi sau 3 tháng đầu mà không cần can thiệp bằng thuốc, trừ một số trường hợp ói mửa nhiều gây mất nước nặng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe của 2 mẹ con thì cần nhập viện để theo dõi và bù lại lượng nước điện giải đã mất. Nếu bạn bị ho và sốt mà chưa xác định được nguyên nhân gì thì bạn có thể năng đi kiểm tra thai theo định kỳ và hàng tháng để theo dõi sự phát triển của thai nhi, không đáng lo ngại.
Vấn đề vaccin: thời gian mang thai tuy không phải là thời điểm tốt để tiêm chủng nhưng cũng có một số vaccin phải dùng khi cần thiết mà chắc chắn không gây ảnh hưởng đến thai nhi như: vaccin phòng uốn ván, phòng viêm gan B, phòng cúm, phòng bại liệt Salk-Lepine, là các vaccin virus bất hoạt. Lưu ý không dùng vaccin bại liệt uống và các loại vaccin virus sống. Nói chung khi tiêm vaccin hay uống bất kỳ một thứ thuốc gì bạn nên thông báo tình trạng thai nghén của mình cho bác sĩ biết.
BS Bạch Long
Bình luận (0)