Vai diễn để đời: Diệp Lang - ông Hội đồng thất tình

03/07/2006 22:48 GMT+7

Mấy chục năm nay, NSND Diệp Lang đi đâu cũng nghe dân chúng kêu là "ông Hội đồng". Hình ảnh Hội đồng Dư và Hội đồng Thăng đã choán hết tâm trí khán giả, dù Diệp Lang còn có nhiều vai diễn rất hay khác nữa. Ông đã khắc họa nên những nhân vật tiêu biểu cho giai cấp địa chủ thời thực dân nửa phong kiến, mà nếu các em học sinh được "tham khảo", sẽ sinh động và đầy thuyết phục đối với môn sử các em đang học.

Thật sự thì khắp miền Tây Nam Bộ, người ta ấn tượng vai Hội đồng Dư nhiều hơn. Bởi vở Tiếng hò sông Hậu thấm đẫm không gian u buồn, man mác của Nam Bộ, qua những câu vọng cổ tuyệt hay mà bà Tư Hậu mù thả vào những buổi hoàng hôn. "Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi! Buôn bán không lời mà chèo chống mỏi mê...". Và thân phận con người cũng chìm nổi như đám lục bình hay tan tác như những nắm bông bần rụng trắng dòng sông... Trong bối cảnh đó, người ta mới càng thấy rõ hơn sự tàn ác của ông Hội đồng Dư, như một sự tương phản rõ rệt, như một nguyên nhân rõ rệt gây ra thảm cảnh đen tối. Hội đồng Dư ác độc một cách thẳng thừng, không che giấu, không sợ dư luận. Những câu như: "Con ngồi xuống đây ba chỉ cách cho làm ăn", hoặc "Nếu ở nhân đức thì đời ông nội con làm gì có mấy ngàn mẫu ruộng, thằng tòa Sang đi du học...", rồi ông ta chỉ dẫn cho thằng rể cách thử lúa, thảy vô thau nước, cách giê lúa, cách vét nồi giũ ống... Quả thật là đáng sợ! Diệp Lang nói: "Soạn giả Điêu Huyền có nhiều năm sống lăn lộn cùng với miền quê nên mới viết nổi kịch bản ấy, rất am hiểu đời sống và cái chất Nam Bộ. Kịch bản hay đến từng câu, từng chữ, khán giả nghiền ngẫm, thấm thía. Riêng tôi, nhờ hồi nhỏ thường được nghe chú bác kể về mấy ông hội đồng, nên có ấn tượng trong đầu, sau này diễn mới ra nhân vật. Tôi nhớ, có người kể một ông hội đồng ăn cơm phải có hai người đứng hầu hai bên để chuyên một việc là bới cơm. Ông ăn xong, đưa chén lên, người hầu nào lơ đãng không kịp cầm ngay cái chén là ông chửi. Dễ sợ lắm! Thật ra, cũng có những ông hội đồng tốt bụng, nhưng số đó không nhiều, và không có chuyện kể ấn tượng bằng những ông ác độc. Thành ra, đóng vai ác người ta lại nhớ kỹ hơn".

Nhưng đến vai Hội đồng Thăng trong vở Đời cô Lựu thì NSND Diệp Lang mới bộc lộ hết cái tuyệt kỹ của mình, và sáng tạo rất nhiều trên cái nền nhân vật cũ. Ông nhớ lúc ông mười mấy tuổi, lon ton theo cha là nhạc sĩ Ba Diệp đi đờn cho gánh Phụng Hảo, ông ngồi trong cánh gà nhìn ra mê mẩn xem nghệ sĩ Hai Tiền đóng vai Hội đồng Thăng, còn nghệ sĩ Phùng Há đóng vai cô Lựu. Đâu có ngờ, mấy chục năm sau, ông trở thành một Hội đồng Thăng nức tiếng. Nhưng Hội đồng Thăng của Diệp Lang có thể nói là tinh tế hơn với những chi tiết rất nhỏ mà khắc họa thêm cái tính cách nham hiểm và nhỏ mọn, có vậy mới là kẻ từng ném đá giấu tay cho chồng người ta đi tù, ở nhà cướp vợ, giết con. "Bà đi chợ còn ba cắc đâu sao không đưa cho tôi? Sáng mua gì, chiều mua gì tôi ghi sổ hết". Khán giả bàng hoàng. Đến câu "Bà còn tiếc gì nữa, giờ này xương cha nó cũng mục chớ đừng nói tới xương con" thì khán giả nghe rợn cả sống lưng. Tuy nhiên, vai Hội đồng Thăng của Diệp Lang lại hay nhất ở chỗ nó sâu thẳm bi kịch tình yêu của chính ông với cô Lựu, một sự thất bại não nề trong lúc mình là kẻ chiến thắng. Hội đồng Thăng cũng ôm nỗi đau suốt mấy chục năm mà không ai biết, cho nên ông ta thường mượn rượu giải sầu, nhưng rượu vào thì lại bộc lộ rõ hơn, sầu lại nhiều hơn. Ông ta nói trong men rượu, nói rất thật, rất đau: "Tôi cũng là con người mà. Vợ chồng gì ngủ xây mặt vô vách, không ai nói với ai tiếng nào. Từ ngày tôi cưới bà về, tôi chưa bao giờ thấy bà nở với tôi nụ cười. Gương mặt lúc nào cũng trầm tư, u uất, nặng nề, âm trì, địa ngục". Những từ cuối, Diệp Lang nhấn từng chữ, như dội vào trái tim khán giả. Và những tràng pháo tay vang dậy. Hội đồng Thăng trong một phút giây đã để lộ sự yếu đuối của mình. Và chính vì vậy mà ông ta "đời" hơn. Nếu như Hội đồng Dư chỉ một chiều ác độc, thì Hội đồng Thăng còn biết yêu, còn biết ngọt ngào với đàn bà con gái, còn một cái gót A-sin nào đó. Chợt nghĩ, giả sử cô Lựu sống tử tế với ông ta thì chắc ông ta cũng cưng chiều lắm. Nhưng sự lạnh nhạt của cô Lựu đã làm trái tim kiêu hãnh của ông ta bị tổn thương rất lớn, và ông đã trả thù bằng cách hành hạ từ những chuyện nhỏ nhặt nhất. Cuối cùng là sự tỉnh táo để trở lại với đúng bản chất uy quyền, ông ta đã dộng cây ba-toong xuống đất thật mạnh, khẳng định lại vị trí tuyệt đối của mình, và cô Lựu chỉ còn biết òa lên rồi ngã quỵ.

Đây là lớp diễn cực kỳ hay của hai nghệ sĩ tài ba. Diệp Lang nói: "Tất cả lời thoại và diễn xuất ấy tôi đều ngẫu hứng sáng tạo trên sàn tập, và Bạch Tuyết đã quăng bắt rất lẹ làng. Có thể nói, trong đời tôi, có hai bạn diễn nữ ăn ý nhất là Bạch Tuyết và Hồng Nga, có khi không cần trao đổi, sửa chữa gì hết mà cứ tập là ra tuồng luôn". Nhưng thật ra, đó là kết quả của sự nghiền ngẫm kịch bản, nghiền ngẫm nhân vật đến mức thấm vào máu, vào tim, khi lên sàn tập mới có thể sáng tạo đầy đặn, linh hoạt như thế. Giọt nước chỉ làm đầy ly nước mà thôi. Còn bây giờ, nghệ sĩ trẻ tập tuồng mà không thuộc thoại, tập lẹ lẹ để còn chạy sô... thì làm sao nhân vật ấy để đời!

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.