Ở bên trong Philippines, ông Duterte nổi lên như một người hùng trong mắt kha khá dân chúng với những lời lẽ rất "bình dân" và "bắt mắt" về những chính sách có vẻ triệt để chống tội phạm và tham nhũng, những thứ đã làm cho người dân quá mệt mỏi. Nhưng những lời lẽ đó e rằng khó xài trong thế giới ngoại giao - một thế giới mà ông Duterte có rất ít kinh nghiệm sau 2 thập niên liên tục làm thị trưởng của thành phố 1,6 triệu dân, chủ yếu tập trung chống tội phạm.
Ấy vậy mà chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Duterte đến Lào lại vô cùng hoành tráng: ngoài các lãnh đạo ASEAN, ông còn gặp các chính khách quan trọng nhất của Nga, Trung Quốc, Nhật và người ông vừa mạt sát bằng những từ ngữ khó nghe nhất: Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Đó cũng là nơi đang mà những vấn đề hóc búa nhất đang bao trùm, chẳng hạn tranh chấp Biển Đông. Quả là một thử thách rất lớn cho một người thiếu kinh nghiệm như ông Duterte.
|
Nói về tranh chấp Biển Đông, ngoài việc tỏ ra "mềm" hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm Benigno Aquino trong hành xử với Trung Quốc, ông Duterte liên tục khiến dư luận cứ phải đoán về chính sách của ông. Có khi ông nói sẽ để ngỏ khả năng cùng thăm dò tài nguyên Biển Đông với Trung Quốc, khi khác lại cảnh báo về một cuộc chiến "đẫm máu" với nước này.
Với Mỹ, Tổng thống Duterte đặt lại vấn đề Mỹ cam kết bảo vệ lợi ích của Philippines và làm Mỹ nổi giận khi tuyên bố để ngỏ khả năng đối thoại trực tiếp với Trung Quốc về Biển Đông.
"Nước sẽ theo dõi ông Duterte sát sao nhất có lẽ là Mỹ", ông Christian Lewis - chuyên gia phân tích rủi ro Đông Nam Á tại tổ chức Eurasia Group nhận định. Ông này cho rằng từ góc nhìn của Trung Quốc thì Duterte là cơ hội tích cực nhất kể từ thời ông Aquino; trái lại từ góc nhìn của Mỹ, ông là cơ hội xấu nhất từ thời Tổng thống Aquino.
tin liên quan
Tổng thống Duterte và những sự cố ngoại giao 'khó đỡ'Từ Tổng thống Mỹ Barack Obama, quan chức Liên Hiệp Quốc đến Giáo hoàng Francis... tất cả đều là “nạn nhân” từ tính khí cũng như lời lẽ của Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte.
|
Ngoại trưởng Philipines, ông Perfecto Yasay cũng từ chối nói về quãng thời gian ở Lào của "sếp": "Tôi không muốn phỏng đoán về điều đó ngoài việc cam đoan rằng ông ấy sẽ làm điều cần thiết và quan trọng cho lợi ích quốc gia".
Dẫu thế, ông Yasay cam đoan chẳng có lý do gì để cho rằng Tổng thống Duterte sẽ thay đổi tính cách trước mặt các lãnh đạo thế giới: "Tôi cầm chắc rằng tổng thống sẽ vẫn là một lãnh đạo thân thiện, dễ mến và duyên dáng như xưa nay vẫn thế. Ông ấy sẽ tiếp tục là chính con người khiêm tốn của mình".
Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Manila, ông Benito Lim cũng có cùng quan điểm là Tổng thống Duterte sẽ không thay đổi: "Ông Duterte vẫn luôn luôn sẵn sàng chỉ trích. Ông ấy sẽ quay lưng với các lãnh đạo ASEAN chỉ trích ông ấy".
Bình luận (0)