Vải Lục Ngạn vào mùa

26/06/2010 13:58 GMT+7

(TNO) Những ngày cuối tháng 6, về Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đâu đâu cũng thấy những đồi vải, vườn vải chín đỏ. Dọc hai bên đường, vải chất cao ăm ắp trong những gian nhà kho. Xe máy, xe ôtô… ùn ùn vận chuyển hàng nghìn tấn vải đến các nơi tiêu thụ.

Chúng tôi tìm về thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Đây là một thị trấn buôn bán sầm uất và cũng là đầu mối của dân buôn bán vải quả. Mới sáng sớm đã thấy đường vào thị trấn đông nghẹt vì phiên chợ vải. Hai bên đường xuất hiện rất nhiều những kho sơ chế vải tươi để mang đi tiêu thụ. Tiếng xe máy, xe ôtô lẫn với tiếng người cò kè, mặc cả… làm thị trấn nhỏ trở nên huyên náo.

Qua hỏi thăm người dân, chúng tôi được biết do yếu tố thời tiết đầu vụ không thuận lợi, nên so với năm ngoái, sản lượng vải thiều năm nay giảm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các năm trước, sản lượng giảm thì giá vải lại cao, việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Năm nay với mức giá dao động từ 10 - 17.000 đồng/kg vải, nhiều người dân đã có thể hy vọng bù đắp một phần thiệt hại từ việc giảm sản lượng. Và những hộ được mùa lại được dịp “phất lên” nhờ vườn vải thiều.


Người dân tiến hành thu hoạch vào lúc chiều muộn để kịp bán vải trong phiên chợ sáng mai

 

Xe bò và xe máy là phương tiện vận chuyển vải chủ yếu của người dân


Vải sẽ được các nhà buôn thu mua, xếp vào xe tải để chở về nhà kho


Tại nhà kho, vải được chọn lọc kỹ lưỡng trước khi đi sơ chế


Người thợ sẽ nhúng vải qua nước đá để giũ bẩn và giữ độ tươi cho vải trong thời gian vận chuyển


Tùy theo nơi nhập vải mà người thợ đóng thành hộp khác nhau: chuyển vào miền Nam thì một hộp có 28 kg vải + 9 kg đá (có giá 350.000/hộp); xuất đi Trung Quốc thì một hộp có 25 kg vải +  6 kg đá, (có giá 300.000đồng/hộp)


Vải thiều là loại vải đặc sản nổi tiếng của huyện Lục Ngạn. Khi chín, quả vải có màu đỏ, hạt nhỏ, ngọt lịm, cùi dày nhiều nước


Những quả vải rụng sẽ được người dân thu gom (với giá 6.000 đồng/kg), đem sấy rồi đóng hộp và cũng được đem đi xuất khẩu


Bác Nguyễn Văn Sinh, 56 tuổi, người Hải Dương, chuyên nhập vải sơ chế cho biết: mỗi ngày nhập từ 16 - 17 tấn vải sơ chế để đem tiêu thụ. Số tiền mà bác nhận được mỗi lần vận chuyển vải là vài triệu đồng


Thùng vải được cho lên xe để chở đến tới các tỉnh trong nước và thị trường nước ngoài

Tiến Thành - Hương Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.