Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5.6), Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ TP.HCM (Saigon Innovation Hub - SIHUB) và Binance đồng tổ chức "Diễn đàn Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Chung tay vì hành tinh của chúng ta".
Theo tiến sĩ Trần Thanh Tâm - Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, biến đổi khí hậu đang khiến Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung phải đối mặt nhiều thách thức hiện hữu như băng tan gây nước biển dâng, xâm nhập mặn; El Nino, La Nina gây hạn hán, lũ lụt; Nhiệt độ nâng cao gây nguy cơ cháy rừng, ảnh hưởng hệ sinh thái biển như mất san hô, bão lớn... Để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam không chỉ cam kết mà đã có những lộ trình cụ thể trong việc xây dựng chính sách liên quan đến giảm phát thải nhà kính. Một trong những trụ cột quan trọng để đạt được mục tiêu này là ứng dụng công nghệ "xanh", các giải pháp đổi mới sáng tạo để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo bà Lynn Hoàng, Giám đốc Quốc gia Binance, công nghệ sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh công cuộc chuyển đổi số để chuyển dịch theo hướng xanh, sạch, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, một số công nghệ như AI, Blockchain đang chứng minh được giá trị quan trọng của mình. "AI đang giúp các nhà khoa học xử lý dữ liệu, đẩy nhanh các tính toán, dự báo chính xác hơn về những biến đổi khí hậu, thiên tai, giảm thiểu rủi ro. Thuật toán AI cũng giúp các ngành công nghiệp hoạt động hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, xanh hơn. Trong khi đó, với đặc tính minh bạch và phân phối giá trị nhanh chóng trong mạng lưới phân tán, blockchain (công nghệ chuỗi khối) đang giúp khuyến khích các hành vi phát triển bền vững", bà Lynn Hoàng nói.
Cụ thể, công nghệ blockchain có thể được sử dụng để tạo ra một thị trường minh bạch và hiệu quả hơn cho việc giao dịch tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép một công ty thải ra một lượng khí nhà kính nhất định. Bằng cách sử dụng blockchain, các công ty có thể dễ dàng mua và bán tín chỉ carbon từ nhau, giúp giảm tổng lượng khí thải. Blockchain cũng có thể giúp làm cho chuỗi cung ứng trở nên minh bạch hơn bằng cách ghi lại toàn bộ quá trình sản xuất và vận chuyển sản phẩm. Điều này giúp người tiêu dùng biết sản phẩm của họ được sản xuất và vận chuyển theo cách bền vững. Các doanh nghiệp có thể theo dõi và giảm thiểu lượng phát thải carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ.
Theo ông Lê Yên Thanh, CEO BusMap, đây là một đóng góp quan trọng của công nghệ trong việc theo đuổi mục tiêu Net Zero của Việt Nam. Ông Thanh dẫn minh chứng cho biết từ năm 2020, BusMap đã hợp tác cùng VinBus để xây dựng hệ thống đo lường, tính toán để quy đổi số km xe điện đã di chuyển đến nay, có thể quy ra được khoảng 37 triệu tấn carbon, tương ứng 1,5 triệu cây xanh để trồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp lại không biết làm cách nào để có thể quy đổi thành tín chỉ carbon, có thể đưa ra thị trường, tạo giá trị. Việc không có định lượng rõ ràng khiến doanh nghiệp không biết việc mình theo đuổi có thể mang lại giá trị như thế nào.
Sau khi đã có những tiêu chuẩn đo lường cụ thể, doanh nghiệp có thể dựa vào hạn ngạch quốc gia để xây dựng lộ trình giảm phát thải cho phù hợp. Đây là giai đoạn quan trọng để công nghệ, chuyển đổi số có thể phát huy vai trò, giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Tiếp theo, nếu biết mình đã dư, doanh nghiệp có thể quy đổi lên các sàn giao dịch để mua bán. "Tuy nhiên thực tế là việc lên sàn không đơn giản, nhiều doanh nghiệp chọn phương án giao dịch trực tiếp với nhau", tiến sĩ Tâm nói. Lúc này rất cần sự minh bạch về thông tin, cam kết, do đó những công nghệ như chuỗi khối, AI sẽ là chìa khóa quan trọng trong tiến trình thúc đẩy phát triển tín chỉ carbon.
Ở góc nhìn vĩ mô, ông Hà Trung Kiên, CEO Gapo cho rằng có rất nhiều giải pháp từ công nghệ áp dụng trong cuộc chiến biến đổi khí hậu, từ AI, BigData để đưa ra dự báo chính xác đến IoT trong nông nghiệp, vận hành, tối ưu hóa tài nguyên. "Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không thể tách rời việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình, hạn chế tối đa việc sử dụng các tài nguyên không thân thiện với môi trường hoặc sử dụng những vật liệu mà phải khai thác từ thiên nhiên", ông Kiên nói.
Bình luận (0)