Vai trò của chuyển đổi số trong logistics nhìn từ câu chuyện thành công của Sabeco

20/10/2022 09:52 GMT+7

Sáng 18.10, hội thảo chuyển đổi số trong logistics diễn ra tại TP.HCM với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.

Chuyển đổi số logistics tại Sabeco: Từ số 0 đến thành công bước đầu

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (SATRACO) - một công ty thành viên của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (SABECO) - chia sẻ: Cuối năm 2018, SATRACO bắt đầu tiếp nhận hệ thống phân phối cho SABECO khá phức tạp, rộng lớn với hơn 100 khu vực hoạt động; hàng trăm chuyến xe chạy nhiều tuyến trong một ngày nhưng có nhiều vấn đề gần như không kiểm soát được, quản lý toàn bộ bằng những tờ giấy khoanh chi chít, mũi tên… Hệ lụy là dịch vụ kém, năng suất thấp, lên kế hoạch nhưng không kiểm soát.

Ông Nguyễn Hoàng Giang (giữa) phát biểu tại hội thảo

Từ năm 2020, SABECO đã chính thức khởi động chuyển đổi số nhằm cải thiện cách thức làm việc thông qua việc tối ưu hóa, chuẩn hóa và tự động hóa các quy trình, bắt đầu từ chuỗi cung ứng, vận hành kho bãi, bán hàng và hệ thống kinh doanh thông minh. Ông Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: Mục tiêu của việc chuyển đổi là làm thế nào để bán được bia tươi nhất đến với khách hàng; Giảm thiểu thời gian khách chờ nhận hàng; Kiểm soát tồn kho theo thời gian thực trên toàn hệ thống; Giảm chi phí vận tải…

Để thực hiện, công ty phải chuẩn bị kỹ về năng lực và tư duy cho đội ngũ. Song song đó là chuẩn bị về ngân sách, đội ngũ hỗ trợ triển khai chuyển đổi số và cả truyền thông về sự thay đổi và ảnh hưởng của chuyển đổi số với tất cả cán bộ nhân viên. Ví dụ, công ty bắt đầu bằng dự án mẫu là muốn nhìn thấy các xe tải đang chạy như thế nào. Mục tiêu đặt ra trong vòng 2 tháng phải kiểm soát được hoạt động vận tải. Dự án này thành công và gần như là bước khuyến khích để triển khai các dự án tiếp theo về quản lý kho, vận tải. Hiện lãnh đạo công ty có thể theo dõi được hàng đang trên đường, tồn kho, trên dây chuyền sản xuất… lên kế hoạch vận tải hàng ngày với chi phí thấp nhất. Hoặc xem được hàng tồn kho; biết được tuổi lưu kho của toàn bộ sản phẩm vào bất kỳ thời điểm nào để đảm bảo chất lượng bia tốt nhất ra thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: Trong quá trình chuyển đổi số, vẫn sẽ có những thời điểm rất thách thức, tưởng như không vượt qua nổi. Khi đó, người lãnh đạo rất quan trọng, cần có sự hỗ trợ kịp thời để đẩy dự án đến đích. Khi dự án thành công, ngoài những kết quả trên, một lợi ích đạt được khác là năng lực của nhân viên sau chuyển đổi số nâng lên rõ rệt. Đây là lợi ích rất lớn khi năng lực của đội ngũ lao động được nâng cao, là tiền đề cho chuyển đổi số và các hoạt động tiếp theo của công ty. Công ty vẫn sẽ tiếp tục hành trình này để phù hợp với nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số

Vai trò chuyển đổi số trong hoạt động logistics ngày càng được chính phủ và các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn. Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.

Hội thảo chuyển đổi số

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Xuân Đức, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội các Doanh nghiệp KCN TP.HCM, cho biết sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đang dẫn đến một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Cuộc cách mạng này đang thách thức và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi phương pháp tổ chức sản xuất truyền thống. Đây cũng là dịp để tất cả doanh nghiệp cùng khám phá, nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình này.

Theo ông Đỗ Huy Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực logistics. Đây là một quá trình tư duy tận gốc, liên quan đến quy trình, con người và sau cùng với mà công nghệ. Ông nhấn mạnh: Đơn vị chuyển đổi số thành công là biết rõ mình muốn gì, chọn đúng đối tác cũng như lãnh đạo sâu sát và hỗ trợ kịp thời. Ngược lại, đơn vị chưa thành công là muốn quá nhiều thứ và lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm hời hợt, không hỗ trợ đối tác, thay đổi giữa chừng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.