VAMA không giảm giá ô tô trong năm 2006: Khách hàng tiếp tục bị ép

28/11/2005 01:00 GMT+7

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa đưa ra một tuyên bố khiến người tiêu dùng lẫn các chuyên gia kinh tế sửng sốt: giá xe ô tô lắp ráp trong nước chắc chắn sẽ tăng lên từ ngày 1/1/2006. Theo VAMA, lý do là vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 28/9/2005 đã phê duyệt thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) áp dụng cho ô tô lắp ráp trong nước theo hướng tăng lên từ 2,5% đến 10% từ đầu năm 2006. Trong khi theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, giá xe năm sau khó có thể tăng, thậm chí phải giảm.

Theo VAMA, trong tháng 10/2005, lượng xe bán ra của 11 thành viên là 3.358 xe, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn thế, liên tục 3 tháng 8, 9 và 10 năm nay, lượng xe tiêu thụ cao nhất cũng chỉ bằng 90% của năm 2004, còn so với năm 2003 thì con số này chỉ bằng 82%. Một chuyên gia kinh tế cho rằng kết quả này đã nói lên phản ứng của người tiêu dùng trước "ma trận" về giá ô tô mà các công ty lắp ráp ô tô Việt Nam tạo ra từ hàng chục năm nay. Suốt một thời gian dài, các "thượng đế" buộc phải chấp nhận giá ô tô cao ngất ngưởng - hậu quả của việc bảo hộ ngành ô tô trong nước của Chính phủ. Hiện giá ô tô tại Việt Nam cao hơn các nước phát triển 2 lần và cao hơn các nước trong khu vực 1,5 lần, trong khi thu nhập của người dân thấp hơn so với các quốc gia trên hàng chục lần.

Có thể thấy những diễn biến tương tự khi so sánh thị trường ô tô hiện nay và thị trường xe máy cách đây 7-8 năm, trước khi chiếc xe Wave alpha giá rẻ xuất hiện, đưa giá xe máy trở lại đúng giá trị của nó. Chủ trương nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô (cả xe máy) của Chính phủ hầu như không đạt được kết quả nào. Các liên doanh và hàng chục doanh nghiệp nội địa vẫn chỉ mua linh kiện về lắp ráp xe để bán. Giá nhập khẩu linh kiện có dấu hiệu bị đẩy lên rất cao. Thêm vào đó là nghịch lý "dù giá xe liên tục tăng nhưng khách hàng cứ mua ào ào" càng tạo điều kiện cho các công ty ô tô giữ giá xe ở mức cao. Cuối năm ngoái, cơn sốt ô tô bùng lên, các loại xe đắt tiền nhất lại được săn lùng nhiều nhất. Thậm chí, có công ty ô tô không kịp sản xuất để giao hàng đã phải mời khách đã đăng ký mua... đi du lịch để chiêu an họ.

Theo các thông tin gần như đã chính thức, mức thuế TTĐB trong năm 2006 được điều chỉnh thống nhất giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước như sau: xe 5 chỗ trở xuống: 50%, xe từ 6 đến 15 chỗ: 30% và xe 16 đến 24 chỗ: 15%. Theo Bộ Tài chính, mức thuế TTĐB của các doanh nghiệp lắp ráp tăng (hiện hành là 40%, 25% và 12,5%) giúp ngân sách Nhà nước tăng thu được khoảng 360 tỉ đồng từ khu vực này; bù lỗ qua khoản giảm thu từ khu vực nhập khẩu khoảng 140 tỉ đồng (do giảm thuế suất thuế TTĐB từ 80%, 50% và 25% xuống), còn lại được khoảng 220 tỉ đồng. Bộ Tài chính cũng dự báo rằng giá xe sắp tới sẽ giảm vì các doanh nghiệp lắp ráp buộc phải cạnh tranh với xe nhập khẩu (và cạnh tranh giữa các nhà lắp ráp với nhau) nên không thể tăng giá bán. Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, xu hướng giá giảm gần như là tất yếu vì theo quy luật thị trường, người tiêu dùng không thể chấp nhận mãi một mặt hàng với giá cao bất hợp lý trong khi các điều kiện liên quan buộc nó phải giảm giá. Yếu tố được người tiêu dùng chờ đợi nhất đó chính là sự kiện HVN sẽ đưa chiếc Honda Civic giá rẻ ra thị trường vào giữa năm sau như thông báo của công ty này. Ngoài ra, hiện đã có nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô Trung Quốc, một số liên doanh ô tô khác đã và đang khởi động, cạnh tranh trên thị trường ô tô sẽ ngày càng khốc liệt. Nếu Chính phủ cũng đồng thời giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc - một biện pháp theo các chuyên gia kinh tế là rất cần thiết để phá vỡ thế liên kết giữ giá xe của các thành viên VAMA hiện nay - người tiêu dùng sẽ có cơ hội mua ô tô với giá hợp lý hơn.

VAMA có vi phạm Luật Cạnh tranh?

Trả lời PV báo Thanh Niên về việc 11 thành viên VAMA cam kết không giảm giá bán ô tô trong năm 2006 có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) cho biết: "Muốn kết luận VAMA có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không thì phải có một cuộc điều tra theo đúng quy định của Luật Cạnh tranh. Thông thường, nếu các doanh nghiệp có thị phần kết hợp càng cao thì khả năng cùng nhau gây hạn chế cạnh tranh sẽ càng lớn. Theo Luật Cạnh tranh, một cuộc điều tra sẽ được tiến hành trên hai căn cứ: hoặc là có đơn khiếu nại vụ việc cạnh tranh của tổ chức, cá nhân cho rằng có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình; hoặc cơ quan quản lý cạnh tranh tự mình phát hiện ra hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Hiện tại, chưa có một đơn khiếu nại nào về vụ việc này. Bên cạnh đó, khi Chính phủ thông qua Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý cạnh tranh, Cục sẽ xem xét và có thể tự tiến hành điều tra nếu thấy các thành viên của VAMA có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh". (M.Phương)

Hùng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.