Văn bản trái luật

02/03/2012 03:37 GMT+7

Việc một số nội dung trong Nghị quyết 23 của HĐND TP.Đà Nẵng, trong đó có quy định “cấm cửa” dân nhập cư bị “chỉ mặt” trái luật trong văn bản ngày 28.2 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) - Bộ Tư pháp chỉ là số ít trong vô vàn những VBQPPL hiện hành có dấu hiệu trái luật.

Việc một số nội dung trong Nghị quyết 23 của HĐND TP.Đà Nẵng, trong đó có quy định “cấm cửa” dân nhập cư bị “chỉ mặt” trái luật trong văn bản ngày 28.2 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) - Bộ Tư pháp chỉ là số ít trong vô vàn những VBQPPL hiện hành có dấu hiệu trái luật.

Nhưng có một thực tế rằng, vì lý do này, lý do khác chúng vẫn tồn tại bất kể quyền lợi của tổ chức, công dân bị xâm phạm. Điều này cho thấy việc xử lý đối với văn bản ban hành trái luật hiện không hề đơn giản.

Có thể đơn cử Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND (ngày 30.3.2007) của UBND TP.HCM quy định danh mục các giấy tờ về tạo lập nhà ở, đất ở làm cơ sở pháp lý để cấp giấy chứng nhận, bao gồm: biên bản nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành, biên bản nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật… Đó là những tài liệu hoàn toàn không có trong quy định các loại giấy tờ để cấp giấy chứng nhận theo luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành liên quan. Thế nhưng gần 5 năm sau ngày ban hành và gần 2 năm sau khi Cục Kiểm tra VBQPPL chỉ ra sai phạm, Quyết định 54 vẫn đang là cơ sở pháp lý để TP.HCM xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người dân, tổ chức trên địa bàn.

Theo tổng kết của Cục Kiểm tra VBQPPL, đa số các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật hiện nay được phát hiện đều có liên quan đến vấn đề hành chính. Nó được xây dựng bởi lối tư duy cũ, dùng biện pháp hành chính để quản lý thay vì tìm những giải pháp mang tính kinh tế - xã hội để xử lý.

Việc kiểm tra, phát hiện các văn bản trái luật hiện do nhiều cơ quan thực hiện nhưng hầu như chỉ mới Cục Kiểm tra VBQPPL tuân thủ quy định công khai những văn bản trái luật trên các cơ quan đại chúng. Tuy nhiên những kiến nghị của cơ quan này lại không phải là một thiết chế mang tính tài phán, nên rất nhiều trường hợp Cục trên cho rằng một văn bản nào đó trái pháp luật nhưng cơ quan, cá nhân ban hành văn bản đó bảo là đúng pháp luật thì rất khó xử lý.

Cụ thể đối với trường hợp Nghị quyết 23 của HĐND TP.Đà Nẵng, nếu Đà Nẵng không chủ động sửa sai thì dù chỉ ra trái luật nhưng Bộ Tư pháp cũng sẽ chỉ có quyền kiến nghị. Theo điều 114, Hiến pháp 1992, Thủ tướng mới có thẩm quyền đình chỉ văn bản trái luật dạng này, sau đó kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ.

Đối với nhiều nước, việc này xử lý rất đơn giản bởi một thiết chế mang tính tài phán, cơ quan này sẽ phán quyết tính hợp pháp của các văn bản. Và chỉ khi mà VBQPPL có khả năng bị các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp kiện ra cơ quan tài phán thì chất lượng của văn bản khi đó mới tăng lên được.

Người ta cứ hay đòi hỏi công dân phải tuân thủ pháp luật, vi phạm phải bị xử nghiêm, nhưng lại hay quên rằng ngay trong đội ngũ công chức, các cơ quan công quyền, trật tự kỷ cương, kỷ luật hành chính càng phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Khi nói rằng, công dân phải sống và làm việc theo pháp luật thì bản thân các cơ quan công quyền phải tôn trọng luật pháp trước đã.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.