Vẫn 'bảo vệ' cơ chế xin - cho trong khai thác khoáng sản

15/06/2024 07:08 GMT+7

Dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản 2024 vẫn chưa khắc phục được tình trạng "xin - cho" trong cấp quyền khai thác khoáng sản; vẫn có những quy định làm khó, gây rủi ro pháp lý cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Đó là những lo ngại từ các luật sư, chuyên gia, doanh nghiệp (DN) tại hội thảo góp ý dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản 2024 do Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức chiều 14.6.

Vẫn 'bảo vệ' cơ chế xin - cho trong khai thác khoáng sản- Ảnh 1.

Hội thảo thu hút rất đông các DN góp ý vào dự thảo luật Khoáng sản và Địa chất 2024

Nguyễn Gia

Mỏ khoáng sản phải qua đấu giá, đấu thầu

Thu tiền cấp quyền và đấu giá mỏ khoáng sản để cấp phép là những vấn đề nóng được nhiều đại biểu góp ý vào dự thảo luật.

Ông Phạm Nguyên Hải, Giám đốc Pháp chế, Công ty TNHH khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo, cho rằng DN khai thác khoáng sản (KTKS) hiện phải nộp 13 loại thuế, phí và lệ phí, các khoản thu ngân sách khác. Trong đó, tiền cấp quyền KTKS và thuế tài nguyên có tính chất giống nhau vì cùng đánh vào một đối tượng là khoáng sản nguyên khai chưa qua chế biến, dựa trên những căn cứ, phương pháp tính toán tương tự nhau. Trong đó, giá tính thuế tài nguyên đồng thời dùng làm căn cứ xác định giá tính tiền cấp quyền KTKS. Các quy định về xác định và thu tiền KTKS hiện nay đã tạo ra hiện tượng thuế chồng thuế khiến rất nhiều DN rơi vào tình trạng khó khăn, kể cả các DN có quy mô lớn.

Cũng theo ông Hải, việc thu tiền cấp quyền KTKS trước khi tiến hành khai thác là rất bất hợp lý, vì có trường hợp DN được cấp phép nhưng chưa thể tiến hành khai thác do không giải phóng được mặt bằng khai trường hoặc không thể khai thác do không có hiệu quả kinh tế khi thị trường chưa có nhu cầu. Ngoài ra, trong giai đoạn chuẩn bị khai thác sau cấp phép, DN rất cần chi phí đầu tư để xây dựng cơ bản mỏ nên nếu nộp tiền cấp quyền khi chưa phát sinh hoạt động sẽ tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn. Trên thực tế, ở các nước có nền khai khoáng phát triển, điển hình là Úc, mọi khoản thuế, phí chỉ được thu khi DN bắt đầu tiêu thụ sản phẩm khoáng sản. Từ đó, ông Hải kiến nghị đưa vào luật quy định, việc thu tiền cấp quyền KTKS tính theo sản lượng khai thác thực tế hằng năm.

Chia sẻ tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng thu tiền cấp quyền và đấu giá mỏ khoáng sản là giải pháp tăng thu cho ngân sách, tránh thất thoát tài nguyên; hạn chế được tình trạng "xin - cho" trong cấp phép KTKS. Tuy nhiên, nhìn lại sau hơn 10 năm triển khai luật Khoáng sản 2010, Bộ TN-MT đưa ra những con số đáng thất vọng.

Theo đó, Bộ TN-MT chỉ tổ chức đấu giá thành công 10 khu vực có khoáng sản, trong tổng số 441 giấy phép đã cấp, như vậy vẫn còn hơn 98% giấy phép được cấp theo cơ chế "xin - cho". Ở các địa phương, số giấy phép khoáng sản được cấp qua đấu giá chỉ có 827/5.200 giấy phép được cấp (chiếm 16%). Trong khi đó, giá trúng đấu giá luôn cao hơn 20 - 40% giá khởi điểm, đặc biệt có những mỏ cao gấp 2 - 3 so với giá khởi điểm.

Luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng văn phòng luật sư AIC (Hà Nội), cho biết theo quy định pháp luật hiện hành, tiền cấp quyền KTKS là cơ sở để xác định giá khởi điểm. Nếu tiếp tục áp dụng khung giá cố định tại Thông tư 05/2020/TT-BTC mức giá khởi điểm hiện nay rất thấp, không bám sát được thực tiễn thị trường. "Nếu theo thông tư này, giá 1 tấn quặng bauxite của VN chỉ có 15,47 USD, trong khi ở Mỹ là 48 USD/tấn, Trung Quốc là 69 USD/tấn, Đức là 50 USD/tấn, Brazil là 56 USD/tấn. Do tiền cấp quyền KTKS được xác định thấp thì giá khởi điểm đấu giá sẽ thấp và có thể dẫn đến giá trúng đấu giá thấp", luật sư Sơn nói.

Luật sư Lê Thanh Sơn cũng cho rằng quy định khu vực đấu giá, không đấu giá trong dự thảo luật gần như không có sự thay đổi với luật Khoáng sản 2010. Đây là sự kế thừa các quy định tại điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP và nâng lên thành luật có thể dẫn tới việc sửa đổi các quy định khu vực đấu giá, không đấu giá mất nhiều thời gian, có thể từ 5 - 10 năm. Điều này vô hình trung đang "bảo vệ" sự tồn tại cơ chế xin - cho trong quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản.

"Các quy định của pháp luật cần phải áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đấu thầu để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng "xin - cho" quyền KTKS. Chúng tôi kiến nghị luật cần quy định tất cả các quyền KTKS phải được cấp thông qua đấu giá quyền KTKS hoặc đấu thầu dự án khoáng sản, trừ những khu vực chứa khoáng sản năng lượng phóng xạ, hạt nhân, khu vực vành đai biên giới, khu vực chiến lược về an ninh, quốc phòng", luật sư Sơn nói.

Chưa tính đến rủi ro quản lý, thiệt hại ngân sách

Theo bà Đặng Thị Ngọc Thủy, Tổng thư ký Hiệp hội DN địa chất và khoáng sản VN, quy định về công suất, ranh giới KTKS trong dự thảo luật nên tiếp cận theo hướng quản lý công suất theo quy luật thị trường và ranh giới khai thác theo mục tiêu tận thu tối đa tài nguyên thay vì xử lý vi phạm hành chính, hình sự như hiện nay.

"Thực tế có những trường hợp DN nhìn thấy khoáng sản ở khu vực rất muốn khai thác để tận thu tài nguyên nhưng không dám làm", bà Thúy nói và kiến nghị: "Dự thảo luật nên cân nhắc cơ chế công suất khai thác linh hoạt và có chế độ báo cáo xin điều chỉnh ranh giới hằng năm. DN được phép chủ động điều tiết và điều chỉnh công suất dự án theo nhu cầu thị trường, mô hình này giống như điều tiết sản lượng khai thác dầu thô của tổ chức xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới".

Ông Nguyễn Xuân Ba, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ VN, nhìn nhận công suất khai thác trong dự thảo luật chưa tính đến thiệt hại cho ngân sách, rủi ro cho công tác quản lý. Ông Ba dẫn chứng tại Nhật Bản, trữ lượng khoáng sản đã qua đấu giá, DN nếu không khai thác hết thì phải nộp tiền thiệt hại cho nhà nước. Nhưng dự thảo luật Khoáng sản và Địa chất 2024 đang làm ngược lại, tức là khống chế luôn trữ lượng khai thác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.