Vẫn bối rối với quy định cấm dạy thêm

29/09/2016 09:01 GMT+7

Lãnh đạo các trường, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh tại TP.HCM đang rất bối rối vì đã gần đến thời hạn cuối cùng dừng hoạt động các trung tâm dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định.

Gần một tháng sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM siết chặt quy định cấm dạy thêm, học thêm, trên thực tế giáo viên (GV) vẫn tìm đủ mọi cách “lách” để tiếp tục dạy, phụ huynh vẫn chạy đôn chạy đáo tìm chỗ học thêm cho con.
Cấm cả trong lẫn ngoài trường ?
Trước thông tin Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ áp dụng mức xử lý cao nhất với trường hợp GV cố ý vi phạm quy định về cấm dạy thêm học thêm trong trường học, các GV đều rất lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (Q.3), cho biết: “Ngay sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM có lệnh cấm, chúng tôi buộc phải đưa quy chế cấm dạy thêm học thêm vào trong các cuộc họp hội đồng. Yêu cầu từng GV ký xác nhận là đã nghe phổ biến văn bản cấm”.

Ngoài ra, để thể hiện sự cương quyết, lãnh đạo nhiều trường còn bắt từng GV viết cam kết không dạy thêm cả trong và ngoài trường. Trong trường hợp GV nào dạy thêm mà bị phát hiện sẽ nộp danh sách lên phòng GD-ĐT để xử lý. Ngoài ra, những bản cam kết này còn được dán cuối các lớp học để HS trong lớp là người trực tiếp giám sát.
Tìm cách lách
Vì bị siết chặt bởi các quy định cấm trong trường nên nhiều GV đã tìm cách đưa HS ra trung tâm. “Trường cấm GV dạy HS chính khóa thì GV đổi học trò cho nhau để đảm bảo là không dạy HS chính khóa mà GV vẫn có lớp dạy. Tuy nhiên, vì bây giờ không thể dạy trong trường mà phải thuê trung tâm nên thay vì thu 500.000 đồng/HS/tháng thì bây giờ thu 650.000 đồng/HS/tháng”, GV một trường THCS tại Q.3 cho biết.

tin liên quan

Xin gia hạn chấm dứt dạy thêm, học thêm
Lãnh đạo các trường học tại TP.HCM ráo riết thực hiện lộ trình chấm dứt dạy thêm, học thêm. Có trường dễ dàng thực hiện, trường đề nghị kéo dài vì khóa học đang diễn ra giữa chừng.

Một số trường lại tìm cách “lách” để tiếp tục tổ chức dạy thêm trong trường dưới hình thức “núp bóng” các môn kỹ năng. GV một trường THCS tại Q.1 cho biết: “Thay vì chuyển lớp học thêm ra ngoài trường, hiện nay GV kết hợp giữa dạy văn hóa và dạy kỹ năng để các lớp học thêm có thể tiếp tục tồn tại trong trường. Cụ thể, thời lượng của mỗi buổi học thêm được chia theo tỷ lệ 3/4 môn văn hóa, môn kỹ năng chiếm 1/4”. “Trong giấy tờ đăng ký với trường chúng tôi thống nhất đăng ký dạy các môn kỹ năng. Như vậy, ngoài toán, văn thì GV nhạc, vẽ… cũng có cơ hội dạy thêm”.
Không để GV ra đề kiểm tra một tiết
Trước thực tế này, một hiệu trưởng trường THPT dự tính quản lý bằng cách ban giám hiệu sẽ chịu trách nhiệm ra đề kiểm tra một tiết, giữa kỳ, cuối kỳ chung cho các khối để ngăn ngừa một số GV có ý đồ không tốt gây áp lực cho HS. Ngoài ra, thông báo rõ ràng với GV, nếu phụ huynh phản ánh và có bằng chứng về việc GV gây khó dễ đối với HS để ép các em đi học thêm thì sẽ xử lý triệt để, cắt lớp. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của phụ huynh trong việc cung cấp thông tin vào số điện thoại nóng của trường hay gặp trực tiếp ban giám hiệu, khuyến khích HS tương tác với Facebook của chi đoàn khi gặp tình huống GV gây khó dễ trong việc dạy thêm học thêm”.
Nhiều GV thừa nhận việc cấm dạy thêm HS chính khóa chỉ là hình thức vì khó có cơ quan nào có thể quản lý việc này. Chính vì thế thay vì dạy HS trong trường thì GV lại chỉ chỗ để HS di chuyển ra trung tâm. Một GV tại Q.8 nói: “Mặc dù đăng ký dạy tại trung tâm nhưng chúng tôi không nhận lớp do trung tâm sắp xếp vì chúng tôi vẫn có lượng HS cố định là những HS chính khóa. Như vậy chúng tôi không nhận thù lao ăn chia với trung tâm mà chỉ chia phần trăm cho phía trung tâm và trả một phần phí như là phí thuê địa điểm”. GV này cũng cho biết: “Vì chi phí cho những buổi học này có tăng lên so với thời gian dạy trong trường nên mỗi buổi học chúng tôi thu thêm từ 10.000 - 20.000 đồng/HS/buổi”.
Phiền phức phụ huynh, học sinh
Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.3 cũng thẳng thắn: “Việc cấm GV không được dạy thêm HS chính khóa là ngoài tầm kiểm soát của trường nếu GV dạy ở các trung tâm”.
Việc này cũng khiến phụ huynh cảm thấy mệt mỏi. Một phụ huynh cho biết: “Trước đây, sau giờ học con ở trường đợi tới giờ tự vào lớp học thêm. Nhưng hiện nay cũng vẫn GV đó nhưng chuyển chỗ dạy ra trung tâm khiến việc đưa đón con cái vất vả hơn trong khi chất lượng học không khác. Bây giờ, cứ hết giờ học chính khóa tôi phải tới trường đưa con ra trung tâm học thêm. Sau đó căn hết giờ lại tới đón về. Phiền phức nhưng không khác gì trước vì GV dạy thêm vẫn là GV dạy chính khóa”, phụ huynh có con học tại một trường THCS Q.3 chia sẻ.

Ngoài ra, việc cấm này còn nảy sinh những tình huống bất ngờ. Chẳng hạn khi hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Bình Thạnh cấm GV dạy thêm cho HS chính khóa, bất kể ở đâu thì mới đây, một nhóm phụ huynh và HS gặp trực tiếp ban giám hiệu phản ứng. Theo đó, một GV môn hóa học của trường là GV giỏi, hầu hết HS ở Q.Bình Thạnh đều muốn theo học, khi dạy ở một trung tâm phát hiện ra học trò của mình ngồi bên dưới liền không đồng ý cho các HS này học khiến phụ huynh bức xúc. Ông Nguyễn Hoàng Khang (đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh), nói: “Nếu nhà trường phát hiện thấy GV nào o ép học trò đi học thêm thì sẽ xử lý GV đó, chứ như con tôi, chuẩn bị thi ĐH, tôi phải tìm thầy giỏi cho con học, sao lại cấm?”.
Việc nhà trường lồng ghép học kỹ năng vào các buổi học văn hóa cũng vô tình tạo thêm áp lực cho HS. Dù không có nhu cầu nhưng HS vẫn phải học kỹ năng tại trường. Trần Văn Chiến, HS một trường THCS tại Q.1, nói: “Em không hề yêu thích môn nhạc, vẽ, vậy mà gần đây buổi học nào trường cũng lồng ghép 15 - 20 phút những kỹ năng khiến em cảm thấy chán”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.