Vẫn chưa đến tết - Truyện ngắn của Diệu Ái

11/02/2018 08:00 GMT+7

Sớm ra, đợi cả nhà thức dậy, bà nội chống gậy tìm tới từng người rồi thủ thỉ bảo tối qua ông bây lại về.

Như chưa đủ khiến người trong nhà thấy nặng nề và sợ hãi, bà mô tả cụ thể chuyến về của ông: “Ông bây ngồi đầu giường ngó tau ngủ. Có khi tau sắp theo ông cũng nên”.
Những người già thường rủ rỉ kể nhau nghe về cái chết và con đường đến đó. Hình như phải đi qua một cây cầu dài, có người dẫn đường và mình chỉ cắm cúi đi theo. Bà nội thường thắc mắc không biết ai vẫy tay dẫn ông đi. Và thắc mắc thêm không biết lúc về dưới, người ta sẽ tiếp tục già hay cứ ở mãi cái tuổi vừa chết. Nghĩ tới đó, bà níu áo tôi kêu sợ, nhỡ bà tiếp tục già họm hẹm trong khi ông bây vẫn ở tuổi cũ thì khi gặp lại ắt khó coi.
Ba cười hiền, nắm tay bà rồi nhẹ nhàng bảo chắc tại bà ngủ mê thôi. Quay sang nháy mắt với mẹ, ba dặn tí đi chợ nhớ mua ít hạt sen về nấu cháo cho bà. Bà cứ ăn ngon ngủ ngon để sống lâu với con cháu, ông luôn mong bà sống vui mà. Ngúng nguẩy như đứa trẻ nít cần dỗ dành, bà nội lay tay tôi rồi nhắc lại: “Không, rõ ràng là ông bây. Bây không tin tau à? Nhưng vẫn chưa tới Tết, tau chưa đi đâu”.
Thực tình, lời bà nội nói xưa giờ không ai dám tin trọn vẹn. Bà có tật hay bịa chuyện hoặc nói quá lên chuyện đã xảy ra. Dù rằng lời đó không gây hại đến ai nhưng đôi khi làm người ta khó chịu. Hồi tôi còn nhỏ, bà hay thơm má tôi rồi bảo: “Cháu đích tôn của bà thông minh hơn người, mai mốt nhất định sẽ làm to”. Trong khi tôi học hành không mấy giỏi giang, trầy trật lắm mới xong cấp ba, bà nội vẫn mang nỗi tự hào thái quá dành cho con cháu mình như vậy. Mỗi lần giỗ chạp hay gặp bà con hàng xóm, bà vẫn thường khoe ba mẹ, chú thím tôi hiếu thuận thế nào, biết mần ăn ra sao, anh em tôi học giỏi, thông minh này nọ. Mẹ nói có lần đi chợ nghe người ta quở nhà mình sắp mua ôtô, mà trời ơi, mình sắp mua hồi nào mà mình không biết. Hỏi quanh mới hay, ra là bà nội nói với người ta như vậy. Ba bảo đó là niềm vui của người già nên cứ vờ như không nghe không biết, đừng tỏ thái độ làm bà buồn lòng.
*
Thế nhưng, chuyện bà bảo trông thấy ông cứ khiến chúng tôi hoang mang. Lần đầu bà làm cả nhà sởn da gà là lúc đang làm lễ cúng cơm cho ông. Bà kêu đẩy cái bát cơm tới một tí, ông bây với tay không tới. Cả đám con cháu nhìn nhau, tặc lưỡi nghĩ tại thương nhớ ông nên bà nói sảng. Hiếm có người già nào thương nhau kiểu như ông bà nội. Niềm yêu thương đó ít khi được nói bằng lời. Tại ông tôi điếc nặng, gần như không nghe được.
Bữa vừa xong bốn chín ngày của ông, bà tả đêm đó ông đi quanh nhà rồi ngồi khóc ở phòng khách. Bà cứ nói chút chút từng chi tiết một làm thằng cháu nhát gan như tôi rùng mình ớn lạnh. Vẫn biết là ông của mình nhưng nếu xuất hiện trong nhân dạng khác thì sợ lắm. “Ông bây mà sợ chi”, bà nội gõ trán tôi rồi cười khì khì.
Không ai nghĩ ông mất trước bà. Ông chỉ điếc chứ tay chân xương khớp linh hoạt, đi đứng thẳng băng. Sức khỏe của bà kém hơn ông. Bà ăn uống ít, lại hút thuốc nhiều. Mỗi khi trời trở lạnh, bà thường lên cơn hen, phải nhập viện cả tuần. Lúc bà nằm ốm yếu trên giường bệnh, ông lại gần, ngó vào mắt bà rồi hiền hòa bảo: “Chưa tới tết mà”. Bà gật đầu, cười tươi rói. Trăm lần như một, câu nói đó cứ như thần chú làm bà tôi khỏe lại. Dăm ba bữa sau, bà sẽ ngồi dậy ăn cháo, uống thuốc, lại cười nói với chúng tôi mỗi ngày.
Hồi ông còn sống, chúng tôi hay bực mình và buồn cười vì sự điếc của ông. Nói gì ông cũng không nghe, phải tiến sát lại gần, gần như hét vào tai ông mà có câu nghe được, có câu ông hiểu sai ý. Có điều, ông điếc rất dễ thương. Không nghe người ta nói gì, ông sẽ dí sát vào mặt họ rồi cười rạng rỡ, thì thào: “Bây nói to lên, tao điếc”.
Ông thương bà bằng cách chiều bà như đứa con nít. Bà nghiện thuốc nặng, loại thuốc vấn đặc quánh mùi mà đứa trai như tôi cũng thấy hôi rình. Mẹ có lần bảo sao bà không chuyển qua nhai trầu như mấy bà già khác, so với thuốc hẳn mùi trầu dễ chịu hơn. Bà nghiện thuốc từ hồi trẻ, vắng thuốc vài ngày là người lờ đờ, buồn tay buồn chân. Thuốc bà hút do ông trồng, tự thu hoạch và chuẩn bị kỳ công. Sau khi hái vào, ông xỏ dây và treo cả dãy trước sân, phơi qua vài đợt nắng rồi hì hục cắt thành sợi nhỏ. Ba bảo hồi xưa, mỗi năm ông thường làm hai, ba đợt như vậy rồi cho vào bao tải cất trữ để bà dùng dần. Mấy mùa lũ lụt, người ta hớt hải chạy ngược xuôi lo lúa gạo khỏi ướt thì ông nội tất tả lo cất bao thuốc cho bà. Thế mới nói, trên đời này chẳng ai chiều bà như ông.
Bà đáp lại bằng cách hiểu thấu sự điếc đác của ông, bước vào thế giới không âm thanh đó chẳng bằng một âm thanh nào. Nhiều bữa tôi thấy ông bà nội ngồi uống trà bên nhau, không ai nói gì mà như đang thủ thỉ rất nhiều chuyện. Tôi khều mẹ thắc mắc, mẹ bảo nhà này mà cụ thể là ông bà có nhiều chuyện mẹ chưa tường tận dù mần dâu cũng ngót nghét hơn hai mươi năm. May sao tình cảm thì luôn đong đầy, không thiếu tiếng cười, tiếng chuyện trò sớm tối. Nói thì nói vậy nhưng tôi biết mẹ luôn chờ đợi được bà dốc bầu tâm sự với mình. Khi nào những nỗi niềm chung riêng san sẻ hết, khi đó yêu thương mới không còn giới hạn.
Mỗi tối, lựa lúc bà xem phim, ông sẽ soạn đồ ra quấn thuốc để sẵn đó. Bữa trước, ông đi khi quấn xong số thuốc dành cho cả tuần. Nhẹ nhõm như không, ông trút hơi thở từ trong giấc ngủ. Ngó cảnh bà nhìn ông trân trối đầy thắc mắc mà ai cũng đau lòng. Hiện diện cùng nhau mấy chục năm trên đời nên khi thiếu vắng đột ngột, bà buồn quá mà nhớ nhớ quên quên mọi chuyện.
Mức lú lẫn nhớ quên của bà chưa đến nỗi nặng, bà vẫn tỉnh táo biết chờ đến tết. Độ ấy đã tới tháng chạp nhưng cả nhà nhất trí thời gian sẽ ở mãi tháng mười. Sớm nào bà cũng ngó tờ lịch vẫn còn tháng mười mà ba tôi cất công xé dán. Cả nhà “thông đồng” cùng nhau rằng ngày tháng trong nhà, một là đứng yên, hai là đi lùi.
Có điều, tết đến thì vẫn phải đón. Mẹ tôi giấu giếm soạn sửa này nọ thì bị bà bắt gặp. Bà quở sao bây mua hành kiệu chi sớm, mới tháng mười đã bày rau củ mứt trái hả bây. Mẹ phân bua, con tranh thủ nắng nôi phơi cho ráo, nghe đâu mai mốt mưa gió triền miên. À, ba mấy đứa kêu thèm mứt, con làm nhiều để tết ăn luôn. Bà gật đầu ừ hử rồi thở dài than Tết năm nay lâu tới quá!
*
Không phải mình bà đợi tết. Hồi trước, ông nội còn nôn nao ngóng tết hơn cả bà. Sự chờ đợi tết đến xuân về của ông bà không như đám con nít chờ được nghỉ học, chờ được mặc đồ mới, chờ được đi chơi... nhưng niềm háo hức và ngóng trông thì hệt vậy. Năm nay, bà đợi để khấp khởi vui thêm phần của ông.
“Tết nào đó, tôi sẽ về”. Từ ngày nghe một lời ngắn ngủi được tường thuật lại từ môi người khác, trước đó đã băng qua vài ba người nữa, xuyên biên giới nửa bán cầu, không rõ là bao nhiêu năm, ông bà tôi bắt đầu đợi. Lời nhắn nhủ mong manh kia đã níu những ngày sống cuối đời của ông bà nội. Đáng tiếc ông không chờ được.
Bác là anh cùng cha khác mẹ với ba tôi. Mối quan hệ giữa bà nội và bác là mẹ ghẻ con chồng. Mẹ tôi bảo chắc chắn hiềm khích nào đó giữa ông bà và bác rất sâu đậm nên bác tôi cắt đứt toàn bộ liên lạc trong mấy mươi năm. Mâu thuẫn mẹ ghẻ con chồng thì hẳn lắm lý do, có thể bà làm gì đó, nói năng sao đó nên bác giận lẫy. Rồi nhìn kiểu ông thương bà thì biết ông bênh bà nên bác càng giận chớ chi. Những rạn nứt đó hình như chẳng ai rõ ngọn ngành, kể cả ba và chú út bởi đâu nghe ai nhắc tới.
Mấy bữa tháng mười lẩn quẩn lặp đi lặp lại, bà lên cơn hen suyễn đến ba lần. Bác sĩ có lần tuyệt vọng lắc đầu bảo không dám chắc bà có gắng gượng qua nổi cái tết này không. Bà nghe thấy, cười móm mém với chúng tôi, được chớ, còn chưa tới tết, bà chưa đi đâu. Nhớ câu nói hiệu nghiệm nọ, ba tôi nắm chặt tay bà, tin tưởng và hy vọng. Vậy rồi cũng qua, uống thuốc vài ba ngày, bà được cho về nhà điều trị.
Năm nay nhà tôi chẳng trang hoàng tết nhất như mọi năm. Cây mai trước sân nở sớm, nở đúng mấy dịp bà nằm trên giường bệnh. Thế nên, sự báo hiệu tết đến xuân về bằng cách nào đó đã khuất mắt bà nội. Đó là gốc mai chính tay ông trồng. Hồi ông còn, ông chăm sóc ngắt lá đúng ngày nên năm nào mai cũng nở bung đều đặn.
Độ này, điệp khúc “hồi ông còn” được chúng tôi nhắc tới nhiều hơn. Ba nhắc chuyện hồi còn nhỏ, ông nghiêm khắc với ba và chú út ra sao. Mẹ ngậm ngùi nhớ mấy ngày đầu về làm dâu, mẹ ít nói nên ông bảo cứ ăn nói tự nhiên, ông không nghe đâu mà lo. Ký ức của tôi về ông nội có nhiều niềm vui tiếng cười. Nhớ lúc hai ông cháu chơi cờ, bực bội vì ông suy nghĩ lâu, tôi hay mần áp lực kiểu ông nghĩ lâu thì con không chơi nữa. Gõ đầu tôi, ông nộ: “Cha tổ bây, chơi cờ rồi còn…đi bơi chi nữa”.
Khoảnh sân trước nhà in đậm bóng dáng của ông nội. Góc nào cũng do ông chăm bẵm, bắt sâu, tỉa lá. Có lần tôi banh tai ông ra để kể lể mấy chậu lan, gốc tiểu quỳnh hay chậu sen mini kia biết bao giờ mới trổ hoa, trồng vậy con thấy nản. Ông nói người ta sống cần kiên nhẫn, cần biết chờ đợi chớ con. Hồi đó, tôi nghĩ ông an ủi mình khi ra trường cứ trầy trật bởi việc làm và thu nhập. Hóa ra, mỗi người trong nhà đều âm thầm mang một nỗi đợi chờ nào đó na ná nhau.
Ba thắp thuốc ngồi trầm ngâm trước hiên nhà, tôi nghĩ có khi ngay cả ba cũng không chắc bác tôi có về hay không. Là tết năm nay, năm sau hay nhiều năm sau nữa? Tôi chỉ mong những cái tết sẽ đến trong rộn ràng thật sự để có thể nghe tiếng dép lẹt xẹt của bà nội ở hành lang. Bà chống gậy ra sân đứng ngó ông trời bữa nay mần mưa hay nắng. Rồi lại quay qua ngó tờ lịch, lẩm nhẩm tính nhiêu ngày nữa tới tết. Nếu năm nay bác tôi chưa về thì chắc là năm sau. Có thể năm nay hết vé, có thể bác bận việc đột xuất. Luôn có lý do để người ta không trở về sum họp với gia đình khi hết năm tàn tháng.
Ba nói bác chết hụt hồi năm ngoái. Vừa lúc có ý định về thì gặp tai nạn, giờ nằm một chỗ. So bề công nuôi dạy chăm sóc thì bà chăm lo cho bác còn tường tận hơn ông và thương bác hơn cả thương ba. Kiểu tình thương khó lý giải và hiếm tồn tại giữa mẹ ghẻ, con chồng. Bác bỏ đi vì giận dỗi ông nội cấm cản chuyện yêu đương với một người phụ nữ hơn bác chục tuổi. Bác đi theo người đó và lén cầm thêm mấy khâu vàng mà bà nội chắt chiu dành dụm. Sau này, tại đi xa nên không có cơ hội quay về, chứ thật tâm bác luôn hướng về nhà. Ba để bà nội giữ nguyên ý nghĩ bác sẽ về sum họp vào một ngày nào đó, bởi sẽ tốt hơn ý nghĩ bác khó có thể về. Tất cả chỉ để quãng thời gian nhắc về bà nội sẽ không phải bằng cụm từ “hồi bà còn” như đang nói về ông.
Cuộc điện thoại từ phương xa làm cha con tôi khấp khởi. Đó là bác tôi. Ba nói trong nước mắt, dặn dò bác giữ gìn sức khỏe, chừng mô thật khỏe hẳn tính chuyện về. Có nhiều bao biện để giải thích phân bua cho nguyên do sao lâu nay không hề liên lạc. Một cuộc gọi như thế này có thể được kết nối từ lâu lắm rồi, từ hồi ông còn chẳng hạn. Hẳn bác đã chuẩn bị câu trả lời nhưng ba tôi không hỏi. Chỉ cần bác nói đã đặt vé đợt ra giêng, ba mỉm cười bảo để em báo lại cho bà mừng.
Gật đầu cười tươi và ngó bâng quơ ra cửa sổ, bà nội rớm nước mắt rồi nói thầm trong miệng: “Đã tới tết đâu, ra giêng e còn lâu lắm”.
Lâu cách mấy, bà vẫn đợi được cho coi, huống hồ khi đó giao thừa cũng vừa đến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.