Vẫn còn nhiều nỗi lo

03/07/2018 07:36 GMT+7

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đã chỉ ra nhiều vấn đề tiềm ẩn những rủi ro lớn.

Đầu tiên là nỗi lo lạm phát. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu tiếp diễn mức tăng chỉ số CPI như trong các tháng 5, 6 vừa qua thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm dưới 4% như đề ra. Theo ông Dũng, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên trong 2 tháng (5 và 6), chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55% và tháng 6 là 0,61%. Đây là mức tăng cao và nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%. Dự kiến còn 2 đợt tăng giá mạnh vào dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm. Ông Dũng nhấn mạnh, ngoài việc theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các kịch bản điều hành giá theo hướng thận trọng, không tăng giá điện và chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép và vào thời điểm thích hợp.
Cùng quan điểm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng không nên chủ quan với lạm phát. Như vấn đề tỷ giá biến động gần đây, ông Hưng khẳng định điều này “nằm trong kế hoạch” do tác động của Mỹ tăng lãi suất. “Tuy nhiên, chúng tôi chủ động, sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cung cầu thị trường có vấn đề, không gây tâm lý xấu”, ông Hưng nói.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Trần Thanh Mẫn bày tỏ, người dân đang lo lắng trước diễn biến giá cả tăng cao. Dù kinh tế tăng trưởng ấn tượng nhưng CPI cũng rất cao trong 7 năm qua. Do đó, ông Mẫn kiến nghị Chính phủ cần quản lý chặt chẽ giá xăng dầu, vận tải, vật liệu xây dựng để kiềm chế lạm phát, giúp người dân được hưởng lợi từ tăng trưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần phải lưu ý trong 6 tháng tới là yếu tố đột phá trong tăng trưởng nửa cuối năm không rõ ràng. Nhân tố động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2017 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với sự đóng góp mang tính đột phá của Samsung và Formosa trong 2 quý cuối năm. Trong năm 2018, Nhà máy Formosa đã đưa lò cao số 2 vào hoạt động trong quý 2. Do đó theo ông Dũng, yếu tố đột phá trong tăng trưởng 6 tháng cuối năm là không rõ ràng. Nếu dự án lọc dầu Nghi Sơn kịp đưa vào hoạt động, dự kiến có thể có động lực đột phá. Trong khi đó, một động lực quan trọng thời gian qua là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có diễn biến đáng ngại. Theo ông Dũng, hiện nay tốc độ giải ngân đang cao hơn tốc độ tăng vốn đăng ký. Nguyên nhân là do lượng vốn đăng ký các năm trước rất cao và đến thời kỳ nhà đầu tư thực hiện theo cam kết song tốc độ tăng vốn đăng ký năm nay có xu hướng giảm. Ông Dũng kiến nghị cần có sự điều chỉnh về chiến lược thu hút FDI theo hướng không chạy theo số lượng, tập trung thu hút các dự án lớn, có chất lượng, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa lớn, công nghệ tiên tiến...
Hà Nội đề xuất thí điểm thu giá cung cấp dữ liệu dân cư
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho phép Hà Nội thí điểm thu giá dịch vụ việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như công chứng, ngân hàng và một số các lĩnh vực khác. Theo ông Chung, nếu được đồng ý, mỗi năm Hà Nội sẽ thu được trên 300 tỉ đồng.
Tối 2.7, trao đổi với Thanh Niên, ông Chung cho biết, đề xuất này là nhằm tạo thuận lợi cho người dân và các thông tin được cung cấp không phải bí mật đời tư. Theo ông Chung, luật Phí và lệ phí đã cho phép thu phí đối với việc khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, nếu đợi luật thì lâu, nên Hà Nội đề nghị Chính phủ trao thẩm quyền cho tỉnh, thành nào đã hoàn thiện CSDL quốc gia về dân cư có thể ban hành giá dịch vụ để chia sẻ CSDL đó, bởi theo thẩm quyền thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành được ban hành giá dịch vụ.
Ông Chung cũng cho hay, các đơn vị được khai thác dữ liệu đó sẽ phải trả phí chứ không phải người dân. CSDL được chia sẻ chỉ là các thông tin cơ bản, gồm khoảng 7 thông số như trong CMND, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, chứ không phải thông tin về bí mật đời tư, cá nhân. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng khẳng định khả năng bảo mật, vì CSDL về dân cư của TP đã hoàn thiện từ 4 - 5 năm nay, nhưng hoàn toàn không một người dân nào bị lộ thông tin.
Vũ Hân - Chí Hiếu - Lê Hiệp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.