Vận động kết hôn trước 30 tuổi: Nhiều hệ lụy khi người trẻ cứ mãi độc thân

Thanh Nam
Thanh Nam
15/11/2023 07:55 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng khi người trẻ ngại cưới sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai. Cần tháo gỡ vấn đề này như thế nào?

Chưa sẵn sàng tâm lý, lo bị ràng buộc, sợ bạo lực...

Ông Nguyễn Thành Sang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tiền Giang, cho biết theo góc độ dân số, sở dĩ có hiện tượng người trẻ ngại cưới là vì xu hướng chung của các nước phát triển trên thế giới. Người trẻ thường nhắm đến những mục tiêu thăng tiến trong công việc, để rồi họ đưa mục tiêu cá nhân ưu tiên hơn chuyện kết hôn, sinh con.

Nhiều hệ lụy khi người trẻ cứ mãi độc thân - Ảnh 1.

Người trẻ kết hôn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình, xã hội

THANH NAM

Ngoài ra, có lý do nữa là một bộ phận người trẻ hiện nay thường có suy nghĩ "nếu kết hôn, cũng chỉ có thể sinh từ 1 - 2 con thì không có việc gì phải gấp gáp". "Họ không muốn trải nghiệm hôn nhân sớm, sợ bị ràng buộc nhiều điều", ông Sang nói.

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết hiện nay theo thống kê cho thấy xu hướng người trẻ ở TP.HCM đang có tuổi kết hôn muộn.

Và theo nhiều nghiên cứu cho thấy việc kết hôn muộn phần nào có liên quan đến việc sinh con muộn cũng như ngại sinh con. Như ở TP.HCM đang có mức sinh rất thấp với 1,39 con/phụ nữ theo số liệu ghi nhận của năm 2022. Cũng trong năm 2022, lần đầu tiên TP.HCM ghi nhận độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở mức cao nhất là 29,9 tuổi.

"Nếu xem xét góc độ cá nhân, xuất phát của hiện tượng này có nhiều nguyên nhân. Nhưng cơ bản nhất vẫn là việc người trẻ mong muốn chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý, sức khỏe và tài chính cho việc kết hôn và sinh con cũng như trách nhiệm ràng buộc gắn bó lâu dài với bạn đời và gia đình của vợ (hoặc chồng)", ông Trung nhìn nhận.

Bà Lê Tố Quyên, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Thực tế đang tồn tại xu hướng người trẻ kết hôn muộn hoặc không muốn kết hôn, đặc biệt là rơi vào nữ giới. Nhiều cô gái chơi với nhóm bạn, và tất cả các thành viên đều thống nhất quan điểm là không muốn kết hôn".

Bà Quyên kể: Có nhiều cô gái kể rằng rất sợ con trai, để rồi từ đó cảm thấy e dè và ngại cưới, rồi lý giải: "Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này. Nhưng dễ thấy nhất là vì cuộc sống ngày nay có nhiều vụ ly hôn. Bên cạnh đó, thời gian qua có nhiều vụ bạo lực trong hôn nhân, tình yêu… mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Và chính những câu chuyện đáng buồn ấy đã ảnh hưởng tâm lý nữ giới, khiến họ ngại hôn nhân".

Ngoài ra, bà Quyên cũng cho rằng một bộ phận nữ giới cảm thấy nếu lập gia đình thì sẽ chịu nhiều áp lực, gánh nặng khi làm vợ, làm mẹ. Chưa kể trong cuộc sống còn thiếu sự bình đẳng giữa nam và nữ, "phe tóc dài" chưa được đối xử công bằng ở nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn khi phụ nữ làm mẹ, dù có tri thức nhưng ít có cơ hội thăng tiến trong công việc hơn…

Già hóa dân số

Theo ông Phạm Chánh Trung, khi nhận định về đặc thù cơ cấu dân số và nguồn nhân lực, thách thức lớn nhất mà VN nói chung và TP.HCM nói riêng đối mặt chính là tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng và sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ trong tương lai.

Ông Nguyễn Thành Sang thì nói rằng xu hướng người trẻ ngại cưới, tức không muốn kết hôn, kết hôn muộn… có thể dẫn đến hệ lụy là VN đối diện nguy cơ dân số suy giảm, và hậu quả lớn nhất là già hóa dân số.

Nhiều hệ lụy khi người trẻ cứ mãi độc thân - Ảnh 2.

Xã hội cần đảm bảo quyền bình đẳng nam nữ trong tất cả lĩnh vực cũng là cách giúp người trẻ bớt ngại kết hôn

THANH NAM

"Theo chuẩn quốc tế, mức sinh thay thế trung bình của một phụ nữ ở độ tuổi kết hôn là 2,1 con. Nếu mức sinh thay thế trên 2 thì dân số phát triển. Ngược lại, ở mức dưới 2 thì dân số suy giảm", ông Sang nói và thông tin thêm hiện nay có một số tỉnh, thành, đặc biệt ở vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long thì mức sinh rất thấp, dưới mức sinh thay thế khá nhiều. Như trong nhiều năm nay, mức sinh thay thế ở tỉnh Tiền Giang rơi vào khoảng 1,8 con/phụ nữ.

Ông Sang cho biết theo dự báo, vào cuối thế kỷ 21, dân số VN chỉ có thể đạt khoảng 70 - 80 triệu dân. Đến 2030 VN sẽ có dân số già, tức người 60 tuổi trở lên chiếm 20%. Đến năm 2050 VN có thể sẽ có… dân số siêu già, nghĩa là người cao tuổi chiếm đến 35%... "Một trong những nguyên nhân dẫn đến những dự báo đó là vì người trẻ ngại cưới, không muốn sinh con", ông Sang nhấn mạnh.

Ông Sang chia sẻ: "Có lãnh đạo đã từng nói, một công dân mà quan tâm lo cho vận mệnh quốc gia trong vòng 50, 100 năm tới thì lớn lên phải kết hôn và phải sinh con. Chính vì thế, tôi cũng mong là người trẻ đừng ngại cưới", ông Sang nói.

"Nhưng kết hôn, sinh con, không có tiền lo cho gia đình thì phải làm sao?", phóng viên chuyển thắc mắc của nhiều người trẻ. Ông Sang chia sẻ: "Thời trước, nhiều gia đình sinh con nhiều và chỉ làm nông nghiệp. Nhưng rồi cũng nuôi con học hành nên người, thành tài. Thực tế đã chứng minh điều đó. Vậy nên không nên suy nghĩ khi nào giàu, kinh tế khá giả mới kết hôn. Đấy là chưa kể nếu kết hôn muộn, qua 35 - 40 tuổi mới tính đến chuyện sinh con thì có thể gặp nhiều bất lợi như: nuôi con khó khăn hơn, khả năng thông minh kém hơn, dị dạng dị tật bẩm sinh xác suất nhiều hơn. Theo tôi, lứa tuổi kết hôn lý tưởng nhất là từ 22 - 28 tuổi".

Để người trẻ không ngại cưới

Chia sẻ về những cách có thể giúp người trẻ không ngại cưới, ông Phạm Chánh Trung cho biết: "VN cần có những nghiên cứu quốc gia về thế hệ trẻ theo định kỳ nhằm tìm hiểu những mong đợi, xu hướng tình cảm cũng như nhận định của giới trẻ về những giá trị gia đình, hôn nhân, cuộc sống, công việc… Để từ đó có những hoạt động hỗ trợ phù hợp với mong muốn, nhận định của giới trẻ, giúp cho họ phát triển toàn diện, lành mạnh. Đồng thời tìm kiếm những phương hướng hoạt động cho mục tiêu dân số và phát triển".

Theo ông Trung, TP.HCM đang và sẽ thực hiện các khảo sát để nắm được những mong muốn và nhận định của người trẻ về việc kết hôn, sinh con. Đồng thời cũng định hướng phát triển mạng lưới hỗ trợ về dịch vụ xã hội, tư vấn xã hội cho các nhóm trẻ đang có xu hướng theo những giá trị gia đình ở bối cảnh xã hội hiện tại.

"Chúng tôi cũng phát triển các hoạt động truyền thông về sức khỏe sinh sản, khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng như các mạng lưới tư vấn tiền hôn nhân cho người trẻ. Ngoài ra, chúng tôi đang phối hợp với các tổ chức Đoàn, Hội để hỗ trợ các cặp đôi trẻ mong muốn kết hôn nhưng có điều kiện kinh tế khó khăn được tham gia vào các hoạt động khám và tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn. Bên cạnh đó là đề xuất các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng thuộc các nhóm đối tượng này trong việc kết hôn, mang thai và sinh con...", ông Trung thông tin.

Chia sẻ với những người trẻ đang cảm thấy e dè việc cưới, bà Lê Tố Quyên nói: "Kết hôn có nhiều lợi ích. Có thể kể như đảm bảo quy luật trong cuộc đời, tức khi trưởng thành thì xây dựng gia đình, giúp duy trì nòi giống. Ngoài ra được trải nghiệm thiên chức làm vợ, làm chồng, làm bố, làm mẹ, và hơn hết là giúp xã hội ngày càng phát triển".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.