Chiều 22.11, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Văn Thinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trên địa bàn tỉnh có 20.886 người là nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 11.971 hội viên.
Trong năm 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi đã vận động các nguồn lực được hơn 5 tỉ đồng, chi các hoạt động hết hơn 4,9 tỉ đồng. Hiện các hoạt động của hội gặp rất nhiều khó khăn do kinh phí hoạt động và chế độ thù lao hằng tháng của cán bộ hội một số huyện, xã chưa được giải quyết.
Vận động các nguồn lực để đưa trung tâm hoạt động trở lại
Theo ông Thinh, do thiếu kinh phí nên Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng (H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) phải tạm dừng hoạt động. Về việc này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi đã làm báo cáo gửi đến Sở TN-MT, Sở LĐ-TB-XH và Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi.
Cũng theo ông Thinh, Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng hoạt động chủ yếu từ nguồn vận động và bảo trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi, cùng các khoản thu theo quy định đối với cơ sở bảo trợ xã hội. Trung tâm hoạt động theo hình thức bán trú và đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay. Trung tâm đã tiếp nhận nuôi dưỡng, phục hồi chức năng từ 10 đến 15 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo của phía tây H.Tư Nghĩa.
"Nguồn Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam không chỉ dùng tập trung cho hoạt động của riêng Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng mà phải chi cho các hoạt động của nạn nhân trong toàn tỉnh Quảng Ngãi như làm nhà, hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi... Đa phần các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam đều đã có tên tuổi, địa chỉ giúp đỡ cụ thể, do đó không có kinh phí trang trải chi phí trả tiền lương, tiền công cho bộ máy của trung tâm", ông Thinh cho biết thêm.
Tháng 6.2023, Hội Nạn nhân chất da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi có tờ trình xin hỗ trợ kinh phí đảm bảo cho trung tâm hoạt động. Tờ trình này gửi Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nhưng hiện chưa có phản hồi.
"Trước thực trạng trên, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi sửa đổi, bổ sung quyết định số 1318 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng. Theo đó, để phù hợp với tính chất hoạt động, đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chuyển giao trung tâm cho UBND H.Tư Nghĩa quản lý, điều hành như mô hình Trung tâm Đức Phổ. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục vận động các đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh nhằm duy trì hoạt động của trung tâm", ông Thinh nói.
Đủ điều kiện pháp lý, sẽ đề xuất bố trí kinh phí
Ông Võ Sinh Quân, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng cho biết, các xã phía tây H.Tư Nghĩa có nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin; riêng xã Nghĩa Thắng có 47 người nhiễm chất độc da cam, 35 trường hợp là con đẻ của người nhiễm. Các gia đình đều có hoàn cảnh rất khó khăn.
"Trung tâm dừng hoạt động đã gây nhiều khó khăn con em và gia đình các nạn nhân. UBND xã mong muốn các cấp, sở, ngành tiếp tục quan tâm duy trì trung tâm để chăm lo cho các nạn nhân, san sẻ bớt gánh nặng cho các gia đình nạn nhân cũng như con em của họ", ông Quân nói.
Còn theo ông Nguyễn Đăng Vinh, Chủ tịch UBND H.Tư Nghĩa, các nạn nhân chất độc da cam ở huyện đều có chế độ theo quy định của Nhà nước. Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng được thành lập năm 2012 theo hình thức xã hội hóa.
"Trước mắt, để tạo điều kiện tốt hơn cho các nạn nhân chất độc da cam, UBND H.Tư Nghĩa sẽ vận động kinh phí hỗ trợ trung tâm 50 triệu đồng mỗi năm. Đồng thời, cùng với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi duy trì hoạt động của trung tâm. Về lâu dài, UBND huyện sẽ phối hợp Sở LĐ-TB-XH cùng các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá lại. Nếu có đủ các điều kiện về mặt pháp lý, địa phương sẽ đề xuất các hình thức bố trí kinh phí để duy trì hoạt động của trung tâm", ông Vinh nói.
Bình luận (0)