Vận động viên Việt Nam vượt qua khủng hoảng Covid - 19

23/04/2020 08:04 GMT+7

Giãn cách xã hội có tác dụng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng cũng làm nảy sinh một số tác động tiêu cực về mặt tinh thần đối với vận động viên thể thao đỉnh cao tại VN, và họ phải tìm mọi cách để “đánh bại” đối thủ vô hình như stress tâm lý.

“Phát điên” vì phải tập một mình dài ngày

Tiến sĩ Đào Tiến Dũng, chuyên gia tâm lý thể thao của đoàn thể thao Singapore dự Olympic 2016, chia sẻ: “Nhiều nước trên thế giới rất lo lắng khi các giải bị tạm hoãn và các VĐV phải tạm nghỉ thi đấu. Một số thói quen xấu sẽ xuất hiện do lịch tập luyện, lịch sinh hoạt bị đảo lộn, nhất là khi VĐV phải ở nhà để cách ly xã hội. Thậm chí sẽ có những VĐV lạm dụng cả đồ uống có cồn như rượu, bia để giảm stress, hay ăn uống, nghỉ ngơi thiếu điều độ. Ngủ ngày thay cho ngủ đêm, chế độ dinh dưỡng hoặc thiếu hoặc thừa calori dẫn đến thừa cân”. Vì thế trong thời điểm rất dễ sang chấn về mặt tâm lý này, các VĐV nếu không biết cách tự cân bằng thì rất dễ dẫn đến khủng hoảng.
Cựu vô địch quyền anh WBC châu Á Trần Văn Thảo nói: “Tình hình dịch bệnh mà kéo dài chắc tôi như... phát điên luôn. Tôi chơi môn thể thao đối kháng mà phải tập một mình dài ngày thật khó chịu vô cùng. CLB thì đóng cửa, muốn tìm quân xanh để tập cũng không ai dám, kế hoạch thi đấu quốc tế của tôi cũng hủy. Thật nản. 3 tuần cách ly xã hội, các giải đấu cũng đóng băng. Tôi và nhiều VĐV các môn thể thao khác rơi vào cảnh tập chay, gây ức chế không nhỏ về tinh thần”. Trần Văn Thảo không thuộc biên chế tập trung ở đội tuyển boxing như các tuyển thủ quốc gia đang ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM (Thủ Đức). Anh chọn con đường boxing nhà nghề nên tự tập cùng ê kíp riêng, vì thế khi dịch bệnh xảy ra cũng phải tạm đóng cửa CLB, tự cách ly tập luyện. Bức bối về tinh thần nhưng Thảo cho biết anh vẫn tuân thủ triệt để các khuyến cáo của Chính phủ để chung tay đẩy lùi Covid-19.
Đã mấy tuần nay, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng và các đồng đội phải tập... trên bờ vì bể bơi mà Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ thuê cho đội tuyển bơi VN đang tạm đóng cửa. Anh cho biết: “Không được xuống nước gần cả tháng nên ai cũng cảm thấy bức bối. Khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, chúng tôi sẽ cố gắng tập luyện gấp đôi, gấp ba để sớm lấy lại cảm giác nước và bù lại những ngày nghỉ”.

Đủ cách xoa dịu tâm lý

Suýt bị gạt khỏi đội tuyển điền kinh VN chuẩn bị cho SEA Games 31, á quân SEA Games 30 Nguyễn Văn Lai (Quân đội) may mắn được triệu tập nhờ sự lên tiếng kịp thời của truyền thông. Nhưng vừa lên Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) được ít ngày, Lai đã phải về nhà vì các tuyển thủ đang khoác áo các đơn vị Hà Nội, Quân đội, Công an phải trở về gia đình tự cách ly và tự tập luyện. “VĐV đỉnh cao mà không có giải đấu nào để thi tài thì hưng phấn xuống thấp, động lực cũng không còn. Tình hình phức tạp của dịch bệnh quả là tác hại khôn lường vì ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý VĐV. Hằng ngày chúng tôi tập theo giáo án của HLV và tự xoa dịu tinh thần bằng cách nghĩ đến các giải đấu trong tương lai mà mình có thể đoạt HCV”, Lai tâm sự.

Khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, chúng tôi sẽ cố gắng tập luyện gấp đôi, gấp ba để sớm lấy lại cảm giác nước và bù lại những ngày nghỉ

VĐV bơi lội Nguyễn Huy Hoàng

HLV Trương Minh Sang (đội tuyển thể dục dụng cụ) nói: “Chúng tôi cấm trại hoàn toàn tại Nhổn, không được phép ra khỏi trung tâm nên với những VĐV trẻ vẫn còn có tính ham chơi sẽ tác động ít nhiều đến tâm lý. Chúng tôi phải làm công tác tư tưởng để học trò hiểu khi dịch bệnh đang hoành hành thì ở Nhổn là cực kỳ an toàn. Chỉ có thoải mái tâm lý thì VĐV mới tập tốt được”.
Theo tiến sĩ Đào Tiến Dũng, chuyên gia tâm lý thể thao, những lúc ức chế hay quá lo lắng vì phải ở nhà quá lâu, không được tập luyện với cường độ như mình mong muốn, VĐV có thể có nhiều cách để vượt qua. Ví dụ như tập thở, tập tưởng tượng, tập xả stress... Còn với đội tuyển cử tạ VN cũng đang tập huấn tại Nhổn thì lại dùng một biện pháp khác: tự tổ chức thi đấu ngay tại sàn tập y như thi đấu quốc tế. Nhà vô địch thế giới Hoàng Thị Duyên chia sẻ: “Áp lực thi đấu là một phần của cuộc sống, giờ các giải bị hoãn, chân tay bứt rứt và đầu óc sẽ nghĩ ngợi linh tinh. Vì thế, các HLV và đội đã bàn nhau lập ra giải nội bộ, có trọng tài đàng hoàng. Không khí cũng căng thẳng, quyết liệt như thi đấu thật. Tâm lý “ăn thua” không khác gì lúc đấu với đấu thủ nước ngoài. Đó cũng là cách giảm stress hiệu quả”.
Ngày nào cũng thế, cứ sau mỗi buổi tập tại Nhổn, “cô gái vàng” của điền kinh VN Nguyễn Thị Huyền cũng gọi điện qua Facebook để nói chuyện và được nhìn cô con gái bé bỏng của mình cho vơi nỗi nhớ. Đã 2 tháng rồi, Huyền không được về thăm con gái mới 18 tháng tuổi. Vì đang giãn cách xã hội nên hai vợ chồng cô gửi con tận trên Lạng Sơn, nhờ ông bà nội chăm sóc. HLV Vũ Ngọc Lợi nói: “Nhìn Huyền sụt sùi nhớ con mà thương lắm”. Huyền nghẹn ngào: “Con tôi còn nhỏ mà chịu cảnh xa mẹ khi mẹ tập luyện chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng. Nhớ con đến quay quắt nhưng vì nhiệm vụ quốc gia mà ở lại Nhổn. Giờ chúng tôi đang phải cấm trại và cách ly nên không được phép về nhà. Mong dịch bệnh chóng qua đi để tôi được về thăm con, được hít hà con, được nấu cho con những món mà con thích nhất”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.