Vận dụng tình tiết giảm nhẹ ở vụ Tiên Lãng như thế nào?

13/02/2012 03:06 GMT+7

Trong kết luận về vụ Tiên Lãng, Thủ tướng có kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND H.Tiên Lãng.

Trong kết luận về vụ Tiên Lãng, Thủ tướng có kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND H.Tiên Lãng. Vậy xin quý báo cho biết, với tội danh mà cơ quan điều tra khởi tố trước đó đối với các bị cáo (giết người và chống người thi hành công vụ), cơ quan tố tụng có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ như thế nào? Liệu có thể xử trắng án đối với các bị cáo? (Hoàng Minh Quang, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Luật sư Phan Trung Hoài - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam - trả lời: Một trong những nội dung kết luận của Thủ tướng là kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hải Phòng xem xét các tình tiết giảm nhẹ khi đưa vụ án "giết người, chống người thi hành công vụ” ra xét xử. Về mặt pháp lý, những tình tiết giảm nhẹ có thể bao gồm: Điểm (đ) “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra”; điểm (p) “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” thuộc khoản 1 điều 46 bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS). Đồng thời, có thể áp dụng tình tiết khác được coi là tình tiết giảm  nhẹ và cần được ghi trong bản án theo quy định tại Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4.8.2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Tuy nhiên, bản chất các sự kiện, tình tiết pháp lý đã được đánh giá và xem xét trên góc độ pháp lý hoàn toàn mới, trong đó các quyết định thu hồi đất, các bản án hành chính sơ thẩm, quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và quyết định cưỡng chế được Thủ tướng kết luận đều là các quyết định không đúng pháp luật. Đến lượt mình, việc tổ chức, huy động lực lượng cưỡng chế tham gia và sử dụng vũ lực nhằm thực hiện quyết định cưỡng chế cũng không hợp pháp. Do đó, theo chúng tôi, các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hải Phòng cần mở rộng hướng xem xét toàn diện bối cảnh và nguyên nhân xảy ra vụ án, động cơ, mục đích và hành vi vi phạm của các bị can để có đường lối xử lý trách nhiệm hình sự phù hợp.

Cần xem xét về tính hợp pháp của việc tổ chức đoàn cưỡng chế, nhận thức và hành vi của các bị can nhằm chống trả, gây thương vong một số thành viên trong đoàn cưỡng chế có hội đủ các dấu hiệu đặc trưng của tội danh "giết người, chống người thi hành công vụ” hay không. Rõ ràng, bối cảnh vụ án hiện nay đang trong giai đoạn tiến hành điều tra, nhưng dưới ánh sáng mới từ kết luận của Thủ tướng coi quyết định cưỡng chế và việc tổ chức đoàn cưỡng chế là không hợp pháp, có thể coi đây là “sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Trong trường hợp này, có thể mạnh dạn xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho các bị can theo quy định tại khoản 1 điều 25 bộ luật Hình sự năm 1999.

T.T.Bình
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.