Vẫn giữ cơ cấu 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ nhiệm kỳ mới

01/08/2011 14:36 GMT+7

(TNO) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa trình Quốc hội (QH) cơ cấu tổ chức Chính phủ và số Phó thủ tướng nhiệm kỳ khóa XIII tại phiên họp QH sáng nay, 1.8.

Chính phủ nhiệm kỳ mới có 27 thành viên
 
Trong Tờ trình của Thủ tướng nêu rõ các ưu điểm, hạn chế trong mô hình cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII và trên cơ sở các đánh giá, phân tích đó, Thủ tướng đề nghị QH xem xét phê chuẩn phương án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XIII giữ như khóa XII, gồm 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ và tương ứng về số lượng thành viên Chính phủ.
 
Ngoài ra, Chính phủ vẫn giữ nguyên 8 cơ quan trực thuộc không có chức năng quản lý Nhà nước, như Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Theo Tờ trình của Thủ tướng, Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII sẽ có 27 thành viên. So với nhiệm kỳ khóa XII (gồm 28 thành viên), số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII theo đề nghị của Thủ tướng đã giảm 1.
 
“Sau khi QH có Nghị quyết phê chuẩn cơ cấu tổ chức của Chính phủ và các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII, Chính phủ sẽ khẩn trương điều chỉnh hợp lý về Quy chế làm việc của Chính phủ, về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của từng Bộ… và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ để khắc phục nhanh những hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác của Chính phủ, của cả hệ thống hành chính Nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”, Thủ tướng khẳng định trước QH.

Tiến tới luật hóa cơ cấu, tổ chức Chính phủ
 
Sau Tờ trình của Thủ tướng, tân Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Phan Trung Lý đã thay mặt Ủy ban này trình Báo cáo thẩm tra nội dung Tờ trình trước QH.
 
Ông Phan Trung Lý cho biết, về cơ bản, Ủy ban Pháp luật tán thành nội dung Tờ trình, và đề nghị QH lưu ý Chính phủ nhiệm kỳ tới cần chú trọng hơn một số vấn đề như rà soát để tiếp tục tái cơ cấu lại tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang bộ cho tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; lượng hóa các tiêu chí được phép thành lập các tổng cục, cục thuộc Bộ.
 
Đối với các tổng cục, cục thuộc Bộ không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thì kiên quyết chuyển đổi, cơ cấu, sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước của bộ và yêu cầu cải cách hành chính.
 
Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước cho địa phương nhưng “cần đặc biệt chú ý xây dựng cơ chế để bảo đảm sự kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ và bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương. Tinh giản biên chế hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong thời kỳ mới”.
 
Ủy ban này cũng đồng thời đề nghị Chính phủ tiến hành tổng kết việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật có liên quan, nhất là chủ trương thu gọn đầu mối, sắp xếp lại các Bộ, ngành trong thời gian qua, trên cơ sở đó nghiên cứu “Luật hóa cơ cấu, tổ chức của Chính phủ” đưa vào điều chỉnh trong Luật Tổ chức Chính phủ để đảm bảo tính ổn định, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ mạnh, hiệu lực và hiệu quả. 

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.