Văn hóa công sở: Chịu đựng hay là 'chơi tới bến' khi mâu thuẫn với đồng nghiệp?

Thái Thanh
Thái Thanh
23/09/2024 04:55 GMT+7

Xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp là điều khó tránh khỏi nơi công sở. Vậy nếu chẳng may rơi vào trường hợp đó, chúng ta nên chịu đựng để duy trì hòa khí, hay đối đầu thẳng thắn để bảo vệ quan điểm cá nhân?

Chị Nguyễn Thị Minh Hạnh (24 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhân viên tại một công ty truyền thông, nhiều lần mâu thuẫn với đồng nghiệp vì trái ngược quan điểm trong công việc và tính cách. 

"Tôi đã cố gắng chịu đựng trong suốt nhiều tháng để giữ hòa khí nhưng dường như mọi thứ chỉ ngày càng tệ hơn. Đồng nghiệp đó ngày càng lấn lướt, chèn ép tôi đủ điều," chị chia sẻ.

Chịu đựng vì hòa khí hay vì sợ mất việc?

Chúng tôi tiến hành một khảo sát với 10 người lao động dưới 35 tuổi đang làm việc ở TP.HCM. Câu hỏi đặt ra là: “Khi gặp mâu thuẫn với đồng nghiệp, anh/chị sẽ chịu đựng hay thẳng thắn đối đầu? Vì sao anh/chị lựa chọn như vậy?”. Kết quả thu được là có đến 6 người chọn cách im lặng, chịu đựng cho qua vì sợ mất lòng, thậm chí là sợ bị đuổi việc nếu chuyện này đến tai sếp. Trong đó có chị Minh Hạnh.

Với chị Hạnh, mỗi khi xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp, phần lớn chị đều chọn cách chịu đựng. Khi được hỏi lý do vì sao, chị nói: “Tôi vốn là người ít nói, không quá nổi bật trong công ty. Bạn kia thì lại là người từng có thành tích, giỏi ăn nói, tôi sợ nếu làm lớn chuyện thì cũng không có ai lắng nghe mình. Hơn thế, khi chuyện cãi cọ, mâu thuẫn này đến tai sếp, sếp sẽ đánh giá tôi là người thiếu sự rạch ròi trong công việc, không biết quản lý cảm xúc…”.

Chị nói thêm, thời buổi bây giờ khó khăn, chị sợ chuyện mâu thuẫn sẽ khiến chị mất việc. Bởi vì sếp của chị là người nghiêm khắc, rất ghét chuyện nhân viên cãi cọ, tị nạnh lẫn nhau. Sếp lại có phần bảo thủ, thiếu sự lắng nghe, quan tâm đến nhân viên nên chị càng không dám bày tỏ.

“Tôi thà im lặng chịu đựng còn hơn là mất đi công việc này. Đây vốn là công việc mơ ước của tôi, cũng giúp tôi trang trải cuộc sống. Bây giờ mà nhảy việc, sẽ phải mất một khoảng thời gian tôi mới ổn định được. Thế nên tôi mới tiếp tục cố gắng. Vậy mà có người không biết giới hạn, thấy tôi im lặng nên lấn lướt đủ đường. Sau này, khi đã hiểu ý, tôi chủ động tránh xa, nếu được thì hạn chế làm việc chung để tránh đụng độ”, chị Hạnh bộc bạch.

Mâu thuẫn với đồng nghiệp chốn công sở là điều khó tránh khỏi

Mâu thuẫn với đồng nghiệp chốn công sở là điều khó tránh khỏi

ẢNH: THÁI THANH

Chị Hồng Minh (23 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) có quan điểm, nếu chỉ là những mâu thuẫn lặt vặt, không ảnh hưởng lớn đến danh dự hay lợi ích cá nhân thì chị sẽ chọn cách đối thoại nhẹ nhàng hay nhắm mắt bỏ qua để giữ mối quan hệ.

"Tuy nhiên, nếu tôi đã cố gắng xuống nước mà bên kia vẫn tiếp tục lấn át thì tôi buộc phải lên tiếng để bảo cho mình. Trong nhiều trường hợp, lựa chọn chịu đựng xuất phát từ việc muốn giữ gìn sự hòa hợp trong nhóm và tránh xung đột leo thang chứ không phải vì hèn nhát hay sợ hãi. Nhẫn nhịn, chịu đựng cũng có giới hạn, nếu cứ để lâu ngày không giải quyết, rất có thể sẽ khiến nhân viên rơi vào áp lực, stress, mệt mỏi tinh thần, ảnh hưởng năng suất làm việc”, chị Minh nói.

Tự bảo vệ cho mình

Trái ngược với cách chịu đựng, một số người chọn cách "chơi tới bến" khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng với đồng nghiệp. Họ cho rằng việc thẳng thắn trao đổi, làm rõ đầu đuôi sẽ giúp giải quyết vấn đề ngay từ gốc rễ và ngăn chặn mâu thuẫn lặp lại trong tương lai.

Chị Lê Thị Thu Hà (27 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM), làm việc tại một công ty nghiên cứu thị trường chia sẻ: "Tôi từng phải đối mặt với một đồng nghiệp có thái độ trịch thượng và thường xuyên làm khó tôi. Chị đồng nghiệp ấy không có thiện cảm với tôi vì tôi từng bày tỏ ý kiến cá nhân, góp ý về bản báo cáo của chị đưa ra. Khi xảy ra tranh cãi, tôi cũng rất cố gắng nhẫn nhịn, phần vì chị ấy làm lâu năm và lớn tuổi hơn tôi, phần không muốn xung đột kéo dài. Sau lần đó, chị này cũng thường xuyên tỏ thái độ, tìm mọi cách để xoi mói tôi nhiều lần”.

Chị Hà ngẫm lại, nếu lúc đó bản thân chị không cương quyết, tỏ thái độ rõ ràng với đồng nghiệp đó thì có thể còn bị chèn ép hơn nữa. Không phải khi nào xảy ra mâu thuẫn cũng cố gắng làm hòa, có những trường hợp phải tự đứng lên để bảo vệ cho chính mình.

“Lựa chọn giải quyết mâu thuẫn như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều tố. Chẳng hạn như nguồn gốc mâu thuẫn là gì, văn hóa công ty, tính cách của mỗi người… Đối với những mâu thuẫn nhỏ nhặt có thể giải quyết bằng cách nói chuyện, chia sẻ nhẹ nhàng. Còn nếu nó ảnh hưởng đến công việc hoặc sự tôn trọng cá nhân, chúng ta nên tìm biện pháp mạnh như báo lên cấp trên để bảo vệ quyền lợi cho mình", chị Hà chia sẻ. 

"Người lao động dù làm ở vị trí nào thì cũng cần được đối xử công bằng, bình đẳng như nhau. Mâu thuẫn là điều khó có thể tránh khỏi, quan trọng là không nên để mâu thuẫn cá nhân ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và mối quan hệ trong công ty”, chị Hà khẳng định.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Mai Thanh (quản lý tại một công ty cung ứng nhân lực ở TP.HCM) cho hay, trong văn hóa công sở, xảy ra mâu thuẫn, lục đục giữa các nhân viên là chuyện hết sức bình thường. 

Trường hợp nếu trong công ty xuất hiện tình trạng nhân viên mâu thuẫn, xung đột với nhau, bản thân chị sẽ chủ động tìm hiểu để có hướng giải quyết. Nếu nguyên nhân xuất phát từ tính cách cá nhân, chị sẽ không can thiệp nhưng nếu nó ảnh hưởng đến công việc, chị sẽ trao đổi trực tiếp với các bạn. Tùy từng trường hợp để có cách xử lý nhưng hơn hết là người quản lý, lãnh đạo công ty phải tìm cách hỗ trợ, cải thiện vấn đề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.