Văn hóa công sở: Gặp đồng nghiệp thích ‘nổ’, ngó lơ hay bóc mẽ?

09/04/2024 06:50 GMT+7

Trong mối quan hệ công sở, khi giao tiếp, người lao động có thể nghe đồng nghiệp khoe khoang, khoác lác về một chủ đề nào đó hay về bản thân họ.

Khi gặp những trường hợp này, người lao động nên có cách ứng xử như thế nào với đồng nghiệp?

Bỏ ngoài tai, đổi chủ đề

Gần đây trào lưu “flex" (có nghĩa là khoe khoang quá mức) nổi lên, khi đọc những tin tức này, chị Ngọc Tuyền (23 tuổi, ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cảm thấy vui vẻ, hài hước. Nhưng Tuyền cũng cho rằng nhiều người đang lạm dụng trào lưu này và nó vô tình áp lực vô hình, gây tiêu cực cho những người tiếp nhận thông tin.

“Thật sự tôi rất thích nghe những thành quả của đồng nghiệp để học hỏi và phấn đấu tốt hơn. Nhưng nếu lúc mình đang có chuyện buồn, bị sếp la, cãi nhau với ai đó, kết quả công việc không tốt… thì khi nghe các câu chuyện thành tích chỉ khiến tôi choáng ngợp. Là một người trẻ, tôi cũng bị “peer pressure" (áp lực đồng trang lứa - PV), thế nên khi đọc về thành công của người khác, nhiều lúc tôi cảm thấy cực kỳ stress và tự thấy bản thân mình thấp kém, tự ti”, chị Tuyền chia sẻ.

Nhưng đó là trên mạng xã hội, còn tại công ty, chị Tuyền cũng gặp nhiều kiểu đồng nghiệp có tính cách khoe khoang về thành tích của bản thân. Những lúc đó, chị Tuyền thường chọn cách ngó lơ cho qua chuyện, lịch sự chọn cách kết thúc cuộc trò chuyện hoặc chuyển sang chủ đề khác.

Chị Tuyền nghĩ không nên bóc mẽ đồng nghiệp làm gì, vì đối với chị “một điều nhịn, chín điều lành”.

“Tôi thấy ở nơi làm việc thì không nên quan tâm đến những chuyện cá nhân của đồng nghiệp và không để những câu chuyện khoe khoang ảnh hưởng đến công việc làm gì. Thế nhưng, nếu tính cách đó của đồng nghiệp ảnh hưởng đến hiệu suất công việc chung, tôi sẽ thẳng thắn góp ý để họ biết tiết chế”, chị Tuyền cho hay.

Trong công sở, người lao động khó tránh đồng nghiệp khoe khoang về một chủ đề nào đó hay về bản thân họ…

Trong công sở, người lao động khó tránh đồng nghiệp khoe khoang về một chủ đề nào đó hay về bản thân họ…

NHẬT THỊNH

Bóc mẽ vài lần để “dằn mặt"

Anh Trần Đình Huy (31 tuổi, ở Q.3) cho hay mình gặp người hay “nổ” mỗi ngày, dù tại công sở hay đi ăn, đi chơi. Những lần vậy, anh muốn “quay xe” đi về, chấm dứt cuộc hội thoại.

“Tôi đang làm ở công ty có chính sách đãi ngộ rất tốt nhưng môi trường làm việc thì hơi chán. Mỗi ngày, lên công ty tôi toàn nghe chuyện khoe của. Tôi cảm thấy rất khó chịu khi làm việc chung với những người có tính cách như vậy", anh Huy chia sẻ.

Anh Huy nói có giai đoạn anh không quan tâm đến những lời nói đó, nhưng anh nghĩ nếu không nói ra cái sai thì đồng nghiệp vẫn tưởng mình đang trên mây và không xem ai ra gì. Thế nên anh chọn giải pháp bóc mẽ.

“Khi nghe người ta khoe khoang, tôi thường hỏi cắc cớ lại để họ cứng họng, không trả lời được nữa. Cứ vài lần như thế, họ tự biết và không dám khoe nữa. Đối với những người nói hoài thì tôi sẽ “dằn mặt" ngay, vì điều này là thiếu lịch sự với người nghe, chưa kể những lời khoác lác rất tiêu cực, dễ khiến mình tủi thân, nhụt chí…”, anh Huy nói.

Ngoài ra, anh Huy cho rằng chứng “nổ" còn tồn tại là do xã hội đang tôn vinh quá đà vật chất bề nổi mà quên đi những giá trị đích thực của con người. Mạng xã hội cũng vô tình dung túng, tạo đất diễn cho người tham danh vọng, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.

Ai cũng cần tự vấn

Trong khi đó, chị Tường Vy (28 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông tại Q.3) lại cho rằng ranh giới giữa chia sẻ, khoe khoang cũng khó phân định và điều này tùy thuộc vào sự đánh giá cá nhân của người nghe.

“Tôi có một đồng nghiệp, trên mạng xã hội hay trong cuộc hội thoại thường ngày, anh ta ít nói và khiêm tốn về thành tích sự nghiệp của bản thân. Nhưng nếu khi nói chuyện cùng mà tôi nhắc về một chủ đề nào đó như lịch sử, địa lý, thì anh ta rất hăng say chia sẻ. Ví dụ, anh ta có thể giải thích về ý nghĩa tên đường, những địa điểm văn hóa của một địa danh”, chị Vy kể.

Đối với chị Vy, vị đồng nghiệp đang chia sẻ bình thường và có kiến thức rộng. Nhưng đối với nhiều người khác trong công ty, anh ta đang phô trương, ba hoa, tỏ ra mình hiểu biết.

“Nhiều đồng nghiệp khác còn châm chọc anh ta là “hay hót", “thích nổ"... Thế nên, tôi mới tin rằng điều chúng ta nghĩ khác rất nhiều so với cách đối phương cảm nhận. Để mối quan hệ trong công sở trở nên hài hòa, chỉ còn cách là mình phải tự vấn bản thân mỗi ngày, cái nào cần bỏ, cái nào có thể chấp nhận được. Có vậy mới cải thiện được, làm sao đó mình cũng tôn trọng bản sắc cá nhân của họ, nhưng cũng không để bị ức chế khi giao tiếp", chị Vy đưa ra ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.