Năm cuối đại học, Nga (22 tuổi, ở TP.Thủ Đức) xin vào thực tập tại một công ty chuyên bán hàng Thái Lan. Ngày đầu đi làm, Nga tốn 700.000 đồng để khao trà sữa cho cả văn phòng. Nhưng Nga làm vậy vì bị ép buộc hơn là tự nguyện.
"Là sinh viên, chưa có thu nhập ổn định, nên tôi sống tiết kiệm. Ngày đầu vào công ty thực tập, một chị ngồi kế bên tôi đề xuất tôi nên khao mọi người vì là nhân viên mới. Tôi khá sốc, nửa tin nửa ngờ, cứ nghĩ họ nói đùa thôi, nhưng khi shipper giao hàng đến thì tôi mới tá hỏa. Giữ thể diện, sợ ảnh hưởng kết quả thực tập, tôi phải trả tiền thôi", Nga kể lại.
Sau hôm đó, cô gái trẻ luôn lo lắng, né tránh mỗi khi đồng nghiệp rủ đi ăn hay đi trà chiều. Nga nghe một đồng nghiệp kể lại, trước đây từng có newbie (nhân viên mới) vì không khao trà sữa mọi người nên gần như bị "tẩy chay".
Theo Nga, mời ăn vặt, uống trà sữa, dùng cơm trưa… sẽ chẳng có gì đáng nói nếu ai cũng tham gia một cách tự nguyện. Thế nhưng với công ty cô làm việc, đó lại là "luật ngầm" và ai mới đến cũng cần phải bỏ tiền ra, xem như là "chi phí chống cô lập".
Khi uống trà sữa thành áp lực
Khác với Nga, chị Biên (24 tuổi, ở H.Củ Chi, TP.HCM) đã từng bị công ty cô lập vì lúc nào Biên cũng tự mang theo đồ ăn trưa, không tham gia vào các buổi tụ họp với đồng nghiệp. Thời điểm đó, chị Biên vừa mới ra trường. Nhận việc lương 7 triệu đồng/tháng, chị phải chi tiêu dè sẻn để trang trải cuộc sống.
"Lúc đó, tôi đi làm áp lực công việc một, áp lực bị rủ rê uống trà sữa là mười, mình còn phải mời nữa chứ. Mỗi ly trà sữa giá thấp nhất cũng phải 30.000 đồng, chưa kể phí ship và các món ăn vặt khác. Nếu ngày nào cũng uống, tôi sẽ không dư dả được đồng nào", chị Biên nói. Vì khi đó không thể theo hết "luật ngầm", chị Biên bị đồng nghiệp nói là sống tách biệt, khó gần.
Tương tự, anh Đoàn Thanh Tuấn (23 tuổi, ở TP.Thủ Đức) cũng đã từng rơi vào tình huống đó. "Mình sợ bị nói đàn ông mà keo kiệt, khó gần. Suốt 5 tháng làm việc, mình tính toán mình đã tốn vài triệu đồng để mời trà sữa. Đó cũng là một trong những lý do khiến mình nghỉ việc, tìm nơi làm việc tốt hơn", anh Tuấn nói.
Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh
Về câu chuyện này, chị Võ Thị Mai Thanh, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH cung ứng nhân lực Nhân Kiệt, cho hay trên thực tế, các nhân viên mới hầu như đều chủ động giao lưu, làm quen với mọi người, bởi đồng nghiệp sẽ làm việc chung, hỗ trợ, đồng hành với mình trong tương lai.
Chị Thanh cho rằng không nên có cái nhìn quá tiêu cực về "khoản chi phí ban đầu này", thay vào đó, nếu cảm thấy việc đãi trà sữa là quá sức thì có thể chọn mua trái cây, bánh kẹo để tiết kiệm hay tìm cách giải quyết tối ưu.
Chị Thanh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của người quản lý. Lãnh đạo cần nắm kịp thời các câu chuyện này, tham gia xây dựng môi trường lành mạnh nơi công sở và giải quyết kịp thời các câu chuyện như nhân viên mới bị tẩy chay, cô lập. Điều này nhằm để không ai bị bỏ rơi và tránh ảnh hưởng đến công việc chung.
Đề cập đến chính sách xây dựng môi trường làm việc trong công ty, chị Lê Thị Mỹ Nhật (chuyên viên tuyển dụng của Công ty CP đầu tư và dịch vụ Saigon Real) cho hay công ty luôn cố gắng tạo cơ hội để các nhân viên gắn kết như thường xuyên tổ chức các buổi đi chơi, team building, các buổi chia sẻ, trao đổi về những vấn đề mà nhân viên gặp phải. Bất kỳ ai trong công ty nếu gặp khó khăn đều có thể trao đổi trực tiếp với người quản lý của mình.
"Người lao động nào cũng mong muốn được làm việc trong một môi trường lành mạnh. Đó sẽ là nền tảng, là động lực để họ làm việc tốt hơn, thoải mái hơn về mặt tinh thần", chị Nhật cho hay và phân tích môi trường làm việc lành mạnh cơ bản sẽ có các yếu tố sau:
- Công việc phù hợp, các chế độ lương thưởng, chính sách hỗ trợ rõ ràng, minh bạch
- Đồng nghiệp cởi mở, dễ giao tiếp, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc
- Có một người sếp lắng nghe, thấu hiểu, có nhiều điều để học hỏi, noi theo
Theo chị Lê Thị Mỹ Nhật, khi đi làm trong một môi trường tốt, các bạn nhân viên sẽ có động lực, đạt hiệu suất làm việc cao, doanh nghiệp cũng sẽ giữ chân được nhân sự ở lâu với mình.
Bình luận (0)