Đầu tháng 8, hình ảnh một chiếc xe 4 chỗ đỗ ngay dưới lòng đường, bị dán kín những tờ giấy nhắc nhở như: “Được việc mình hỏng việc người, vui không?”, “Vô ý thức”, “Không có mắt”… đã nhận được hàng nghìn lượt like và bình luận trên một diễn đàn mạng dành cho ô tô lớn của VN.
Nặng nề hơn, hồi giữa tháng 5, khi đỗ xe tại ngõ 49/28 Huỳnh Thúc Kháng (Q.Đống Đa, Hà Nội), tài xế đã chết điếng khi phát hiện xe bị sơn xịt đỏ quanh xe. Vụ việc sau đó đã được tài xế trình báo lên công an sở tại.
Cũng cần nhìn nhận một thực tế, việc thiếu trầm trọng các bãi đỗ xe và các điểm đỗ xe công cộng tại các tuyến phố ở Hà Nội, trong khi lượng sở hữu ô tô tăng vọt theo các năm là một phần nguyên nhân cho những vụ đỗ xe “dở khóc, dở cười” này. Anh Nguyễn Văn Cường (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết thường xuyên bối rối khi lái xe đi gặp các đối tác. “Nếu trên phố lớn có những điểm trông giữ ô tô dọc hai bên tuyến, thì ở các phố nhỏ hơn, không có điểm trông giữ xe, nên mạnh đâu để đấy. Nhưng nhiều lái xe đỗ khá ngang ngược khi chắn luôn cửa ra vào nhà dân bên đường, hoặc chắn luôn lối ra của xe khác, nên người dân bức xúc cũng dễ hiểu”, anh Cường nói.
Dù không đồng tình với việc đỗ xe trước cửa nhà người khác, nhưng đa số ý kiến trên các diễn đàn mạng xã hội đều cho rằng bản chất câu chuyện là văn hóa ứng xử giữa người với người. Cũng trên mạng xã hội gần đây đã chia sẻ nhiều hình ảnh khá “dễ thương” về chủ nhân những chiếc xe để lại lời nhắn xin lỗi, kèm theo số điện thoại cho chủ nhà tiện liên lạc. Mới đây, anh V.T.H cũng đã chia sẻ về việc phải đỗ xe chắn trước cửa nhà một hộ gia đình do có việc gấp phải đưa con vào nhà thi đấu. Tuy nhiên, trước khi rời đi, anh đã rất cẩn thận để lại trên kính xe mảnh giấy với nội dung: “Tôi đưa cháu đi thi trong nhà thi đấu. Nếu đỗ xe ảnh hưởng tới nhà mình, làm ơn điện thoại hoặc nhắn tin vào số… Xin cảm ơn!”. Khi quay trở lại lấy xe, bản thân anh cũng khá bất ngờ khi nhận được câu trả lời dễ thương không kém của chủ nhà: “Không sao đâu ạ”.
Câu chuyện nhỏ của anh H. và nhiều tài xế khác cho thấy, cách hành xử nhã nhặn, có văn hóa và ý thức trách nhiệm, đã biến một sự việc không dễ chịu thành câu chuyện văn hóa nhẹ nhàng. Văn hóa giao thông về bản chất cũng chính là văn hóa ứng xử giữa người với người. Cũng tương tự, nhường nhịn một chút khi đi đường, không bấm còi, lấn làn, chen lấn nhau, đỗ xe có văn hóa hoặc những lời xin lỗi nhẹ nhàng chính là những điều tốt đẹp nhỏ bé vun đắp nên văn hóa tham gia giao thông.
Giải thưởng Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông 2017
Chiều 29.8, Ủy ban ATGT đã họp báo công bố kế hoạch tổ chức giải Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2017. Thể loại tham dự gồm bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, phỏng vấn, phóng sự điều tra, bút ký báo chí thuộc loại hình báo in và báo điện tử từ ngày 1.1.2017 - 15.11.2017. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải đặc biệt (20 triệu đồng/giải), 2 giải nhất (10 triệu đồng/giải), 5 giải nhì (5 triệu đồng/giải), 10 giải ba (3 triệu đồng/giải) và 15 giải khuyến khích (1 triệu đồng/giải). Các tác phẩm tham dự giải thưởng gửi về Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia (địa chỉ: 80B Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), ghi rõ ngoài phong bì: tham dự giải thưởng “Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2017”. Thể lệ và kết quả cuộc thi truy cập website của Ủy ban ATGT quốc gia: http://antoangiaothong.gov.vn.
|
Bình luận (0)