Bấm còi “dọa” người đỗ xe phía trước vượt đèn đỏ, đang đi cũng bấm còi inh ỏi để buộc người khác nhường đường đang là hành vi phổ biến của rất nhiều người tham gia giao thông hiện nay, điển hình là tại Hà Nội.
|
Mỗi sáng thức dậy của Terry (30 tuổi, đến từ bang Ohio, Mỹ) bắt đầu bằng việc dắt chiếc xe phân phối lớn ra khỏi nhà đi ăn sáng và đi đến chỗ làm. 7 giờ sáng, Terry xuất phát từ Kim Mã đi đến khu Keang Nam. Terry kể trên đường đi, anh gặp rất nhiều người Hà Nội vi phạm luật giao thông. Sáng thứ 6 vừa qua, tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, Terry đã chứng kiến cảnh một chiếc xe taxi bấm còi inh ỏi khi tín hiệu đèn đỏ còn chừng 5 giây cuối. “Trên xe là một chàng trai còn rất trẻ. Anh chàng có vẻ khá vội vã khi liên tiếp bấm còi xe để người dừng đèn đỏ phía trước rẽ ra cho anh ta đi. Tôi chính là một trong số những người ở phía trước đó và tôi thực sự khó chịu với chuyện này”, Terry kể.
Terry kể khi mới sang Việt Nam anh đã bị ám ảnh bởi tiếng còi xe, cứ khi tham gia giao thông anh trở nên nóng nảy và khó tính, đó là vì giao thông ở Hà Nội giống như “một nồi lẩu thập cẩm”, tiếng còi xe được tự do bấm ở chốt đèn đỏ, ở đường trên cao và ngay cả khi đang lưu thông rất bình thường trên đường. “Ở Mỹ, bóp còi xe không đúng chỗ được coi là thiếu tôn trọng người khác. Một số thành phố ở Mỹ để hạn chế tiếng ồn đã ra các quy định xử phạt khi người lái xe bóp còi lúc không cần thiết gây khó chịu cho người đi đường”, Terry chia sẻ.
Ghi nhận của Thanh Niên, việc lạm dụng còi xe trong tham gia giao thông đang xảy ra phổ biến ở hầu khắp các tuyến phố Hà Nội, đặc biệt ở các chốt đèn đỏ và các tuyến đường vành đai lớn.
Cụ thể, sáng 16.7, khi đang dừng đèn đỏ tại ngã tư Tây Sơn - Chùa Bộc (Q.Đống Đa), chúng tôi chứng kiến không ít trường hợp thanh niên, kể cả trung niên cũng tự do bấm còi inh ỏi dồn người phía trước đi, khiến họ buộc phải vượt đèn đỏ khi đèn vẫn báo còn tới 5 giây. Tương tự, tại hầu hết các ngã tư khác như Hồ Tùng Mậu - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng - Xuân Thủy; ngã tư Xã Đàn - Tây Sơn - Tôn Đức Thắng - Đê La Thành; ngã tư tư Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến..., người dân tham gia giao thông thường xuyên phải chịu đựng những tiếng còi vô bổ, vô duyên.
Anh Nguyễn Trung Anh (nhân viên tập đoàn FPT, Q.Cầu Giấy) kể anh vừa chứng kiến trên đường Phạm Văn Đồng, một gia đình đang lưu thông trên đường thì chiếc bình sữa bị rơi ra giữa đường. Người vợ xuống xe chạy vội xuống nhặt. Mặc dù đã xin đường nhưng chị một phen tái mặt khi bị lái xe tải phía sau liên tục dọa nạt bằng tiếng còi xe. Hết xe này đến xe khác bấm còi inh ỏi, sau chừng gần 5 phút, chị mới lấy lại được chiếc bình sữa.
Theo anh Trung Anh, vì tiếng còi “dọa nạt” của nhiều người tham gia giao thông mà nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Anh từng chứng kiến một cô gái khi đang lưu thông trên quốc lộ 2 bị lái xe đi rất sát bấm còi bất ngờ, khiến cô sợ quá tự ngã ngay trên đường.
Dự án “K0 còi” ra đời Để giảm thiểu tiếng còi, ngày 10.7 vừa qua, Ford Việt Nam đã khởi động dự án “K0 còi” lần thứ 2. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hàng trăm ngàn bạn trẻ trên cả nước. Ban tổ chức sẽ đưa ra các tình huống giao thông như vượt đèn đỏ, còi xe, phóng nhanh, dùng điện thoại khi lái xe, lái xe khi say rượu… để cộng đồng tham gia đóng góp các hành vi ứng xử. Sau đó trao giải cho các câu trả lời tốt nhất hằng tuần. Dự án chủ yếu diễn ra trên cộng đồng mạng và đã nhận được ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng mạng với fanpage gần 25.000 lượt like. |
Nguyễn Tuấn
>> Tuyên truyền văn hóa giao thông
>> Thanh niên với văn hóa giao thông
>> Thi ảnh về văn hóa giao thông
>> Phát động thi ảnh về thanh niên với văn hóa giao thông
>> Ngày hội văn hóa giao thông
Bình luận (0)