“Bao” người khác ăn là xúc phạm
Tiến sĩ Nguyễn Minh Khai - Trưởng phòng Khoa học công nghệ của trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đã từng DH tại Hàn Quốc, kể: “Khi tôi DH, những khó khăn gặp phải là không nắm bắt được văn hóa, nếp sống của con người nơi đây. Các bạn Hàn ít tiếp xúc, kết thân, cởi mở với người lạ, nhất là người ở các quốc gia khác. Trong vài tháng đầu, tôi cứ ngỡ mình làm gì phật ý khiến các bạn dỗi hờn, ít nói chuyện với mình. Trong giờ học mình luôn tự hỏi mình có lỗi chi?”. Mãi sau này, khi tâm sự và trò chuyện với các anh chị đi trước mới hiểu được văn hóa nước bạn là vậy. Sau đó, tôi mới giải tỏa được tâm lý và dần tìm được tiếng nói chung với văn hóa nước bạn”.
Bạn Nguyễn Ngọc Thúy My - sinh viên (SV) năm 3 trường CĐ Merced bang California (Mỹ), cho biết: “Trước khi đặt chân đến Mỹ, mình đã tìm hiểu rất nhiều về văn hóa của họ, đặc biệt là văn hóa ứng xử. Mặc dù vậy, khi đến sống ở Mỹ vẫn không tránh khỏi những hiểu lầm do sự khác biệt giữa 2 nền văn hóa. Người Mỹ rất cởi mở, hòa đồng. Nhưng bạn cũng không nên tỏ ra quá niềm nở hay quá thân thiết khi mối quan hệ của bạn chỉ ở mức xã giao. Đặc biệt, họ rất rõ ràng trong vấn đề tiền bạc, khi đi ăn, bạn chỉ nên trả tiền phần ăn của mình, đừng tùy tiện trả tiền phần ăn của người khác, vì điều này sẽ khiến họ không hài lòng. Khi gọi giáo viên, bạn không nên gọi tên của họ mà phải gọi chức danh. Xin lỗi, cảm ơn là những từ không thể thiếu khi bạn đến những nơi công cộng”.
Không cười trong lúc nói
Anh Lê Tuấn Sơn, cựu nghiên cứu sinh trường ĐH Yeungnam (thành phố Kyungsan, Hàn Quốc), chia sẻ: “Trước khi qua Hàn Quốc DH, du học sinh cần tìm hiểu rất kỹ những khác biệt trong văn hóa Việt - Hàn để tránh những sai lầm đáng tiếc. Người Hàn rất trọng lễ nghi, họ rất coi trọng việc chào hỏi. Đặc biệt, họ rất tôn trọng những người cao tuổi. Khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, bạn không được phép ngồi những ghế ưu tiên dành cho người già, phụ nữ có thai, dù những vị trí này còn trống. Trên bàn ăn, khi người lớn tuổi nhất lên tiếng mời mọi người cùng ăn, bạn mới được phép ăn uống”.
Còn bạn Nguyễn Ngọc Hồng - hiện là SV trường ĐH Tổng hợp quốc gia Moscow, tâm sự: “Đa số SV VN sang Nga thường ở ký túc xá vì có điều kiện sinh hoạt khá tốt, lại gần trường tiện cho việc học tập. Người Nga không hay cười nên khi nói chuyện bạn không nên vừa nói vừa cười. Hầu hết họ không có thói quen nhận quà mà chỉ nhận hoa. Bạn nên tuân thủ những thói quen về giờ giấc của ký túc xá, tránh đi chơi khuya, không đi vào những con đường vắng, không mang nhiều tiền mặt trong người để bảo đảm an toàn, không kết giao bạn bè tùy tiện”.
Để có được những thông tin cần thiết, các du học sinh có thể lên các website để tìm hiểu kỹ về con người, văn hóa giao tiếp, sinh hoạt… của đất nước sẽ đến DH để tránh tình trạng sốc văn hóa. Bạn cũng có thể liên hệ với Hội Du học sinh Việt Nam tại quốc gia đó để được tư vấn và giúp đỡ.
Hoài Thương - Minh Luân
Bình luận (0)