Bảo tàng trong lòng đất

16/05/2016 07:00 GMT+7

Trưng bày 'Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội ' được đánh giá như một bảo tàng hiện đại, độc đáo. Cung điện Hoàng thành Thăng Long đã được tái hiện với những đầu phượng, ngói uyên ương, hàng cột khổng lồ và cả tục chơi chim, ăn trầu...

Dự kiến vào ngày 19.5, trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” sẽ khai mạc ở hai tầng hầm tòa nhà Quốc hội.
Những câu chuyện phong tục
Với một người dân bình thường, chiếc cóng đất nung có đường kính miệng 4 cm tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long không có gì nổi bật. Nhưng trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” sẽ thay đổi quan niệm đó. Tại một tủ kính chiếu sáng với công nghệ hiện đại, hiện vật nằm nhỏ nhắn và kiêu hãnh với chú thích “chiếc cóng cho chim ăn”. Một video clip được chiếu trên tường mô tả rõ người xưa đã chơi chim như thế nào, bẫy chim ra sao. Những hình ảnh này được lấy từ cuốn Phong tục của người An Nam do nhà dân tộc học Pháp Henri Oger thực hiện.
“Đoạn phim 3D cho thấy chim nhảy trong lồng và tiếng hót lanh lảnh trong phòng trưng bày làm người xem cảm thụ sâu sắc về chiếc cóng nhỏ bé của hoàng cung, một đồ đựng thức ăn cho chim của những người chơi chim, vừa cao sang vừa bình dị”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nói. Ông Huy cũng có ấn tượng sâu sắc đối với clip kể về Trần Nhân Tông xuất cung lên núi tu hành. Hình ảnh động trong đó dựa trên bức họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ (thế kỷ 14).
“Tôi nghĩ việc kết hợp trưng bày tĩnh và trưng bày động ở hai tầng hầm Nhà Quốc hội rất hiện đại và tuyệt vời”, PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói. Ông Chiến cho biết những công nghệ ở đây rất mới, rất hoàn thiện so với công nghệ trưng bày ở các bảo tàng trong nước. Nhưng hơn cả, nó khiến cho hiện vật trở thành một nhân vật, biết nói cười và hé mở câu chuyện lịch sử mình mang theo.
Bảo tàng trong lòng đất 1
Các hiện vật ngói được trưng bày kèm sơ đồ vị trí của nó trên mái
Đi trong lòng cung điện
Theo ông Huy, cách kết hợp nhiều thủ pháp trong một không gian còn tạo hiệu quả cao về thị giác và tâm lý. Ở đây, các nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu kinh thành (đơn vị thực hiện dự án) không chỉ trưng bày hiện vật trong tủ kính. Họ còn có khối hiện vật âm dưới nền sàn. Người xem khi đi trên mặt sàn kính có cảm giác như đi trên hố khai quật thực sự. Chưa kể, còn có những hiện vật lớn đặt ngay trên sàn, không có tủ kính như chiếc giếng cổ thời Trần.
Đi trên hố khai quật, người xem cũng đi ngay trong lòng tòa ngang dãy dọc. Các cột ánh sáng được thiết kế để người xem hình dung các cung điện thời Lý tại đây được dựng ra sao. Theo PGS-TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, toàn bộ hệ thống đèn ống được người Đức thiết kế theo kịch bản mà trung tâm yêu cầu.
Theo đó, trong vòng 5 phút, ánh sáng sẽ chiếu vào mặt móng trụ sỏi kiến trúc thời Lý ở mặt sàn. Trên đó dần dần xuất hiện hình ảnh 3D chân tảng có kích thước và màu sắc như thật. Sau khi nhìn rõ chân tảng, ánh sáng đổi màu từ trắng đục sang đỏ để thể hiện cột gỗ mọc trên chân tảng. Toàn bộ gian trong của cung điện sẽ hiện lên như vậy. “Do chỉ còn phần nền móng nên người xem sẽ khó hình dung khi chỉ diễn giải về quy mô kiến trúc thời Lý. Giải pháp ánh sáng giúp giải quyết vấn đề này”, ông Trí cho biết.
Trưng bày còn có phòng chiếu phim với sức chứa khoảng 60 người. Bốn đoạn video với tổng độ dài 15 phút sẽ cho người xem thấy cung điện ở đây được xây dựng ra sao. Hình ảnh trong phim này được làm dựa trên kết quả nghiên cứu về kiến trúc thời Lý mà các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã thực hiện, vừa công bố hồi tháng 2.
Rồng bay
Hình ảnh rồng được lặp đi lặp lại trong suốt trưng bày. Ở trưng bày tầng hầm 2 về thời kỳ tiền Thăng Long, hình ảnh rồng thời Đinh chạy dọc trên tường. Ở trưng bày tầng hầm về Thăng Long, hình ảnh rồng Lý - Rồng bay được đặt ngay cạnh Chiếu dời đô. Hình ảnh rồng Lý này được ghép từ chính mảnh vỡ của các loại gạch ngói được khai quật tại di tích. Trưng bày cũng còn một bức tranh ghép khác có tên Bình minh Thăng Long, lấy cảm hứng từ hình tượng lá đề và ngói hoa sen thời Lý. Tác phẩm muốn nói đến sự tỏa sáng của văn hóa Đại Việt từ vương triều Lý.
“Chỉ được gọi khiêm tốn là trưng bày, nhưng theo tôi đây là bảo tàng thú vị và độc đáo nhất hiện nay ở nước ta”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy nói.
Trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” được chia thành hai phòng, ở hai tầng hầm tòa nhà Quốc hội. Tầng hầm 1 có diện tích trưng bày 1.700 m2, trưng bày những khám phá khảo cổ học thời kỳ tiền Thăng Long. Tại tầng này có khu vực tương tác cho trẻ em trải nghiệm về khảo cổ học ở đây.
Tầng hầm 2 có diện tích trưng bày 2.000 m2, mô tả khám phá về thời kỳ Thăng Long. Tại đây có hình ảnh về kiến trúc cung điện Lý với 42 cột gỗ lớn cùng bộ mái công trình thông qua trưng bày các loại ngói lợp. Dọc lối đi có tủ trưng bày vật liệu kiến trúc và đồ dùng trong đời sống. Phòng chiếu phim được đặt ở tầng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.