Giữa TP.Nha Trang có một bảo tàng lạ, còn ít người biết đến. Lạ ở chỗ bảo tàng do một cá nhân lập nên và tự nguyện “cắt” một phần diện tích của nhà mình để làm.
Nghệ sĩ Văn Học giới thiệu bảo tàng múa rối độc diễn - Ảnh: Nguyễn Chung |
Điều lạ nữa còn nằm ở cái tên: Bảo tàng nghệ thuật múa rối độc diễn đương đại.
Cuộc đời như sân khấu rối
Nghệ sĩ Văn Học có nhiều năm gắn bó với sân khấu múa trong vai trò đạo diễn, biên kịch. Năm 1984, ông chuyển về Nhà hát múa rối Trung ương và nhận ra nghệ thuật múa rối đã chắp cánh cho những sáng tạo của mình. Lúc đó, các tiết mục múa rối ở VN thường do nhiều người cùng diễn, thì nghệ sĩ Văn Học nghĩ đến việc xây dựng các chương trình múa rối độc diễn.
Ông tự mày mò, làm những con rối và luôn trăn trở với các nhân vật của mình. Với niềm đam mê đặc biệt dành cho múa rối, không lâu sau, nghệ sĩ Văn Học đã giới thiệu đến công chúng những tiết mục múa rối độc diễn mới lạ như: Thuyền trên sông, Cái chết của con thiên nga, Keo vật cuộc đời, Cô gái hay nhện, Những con rối... Không chỉ biểu diễn trong nước, các con rối của nghệ sĩ Văn Học đã cùng ông đến nhiều quốc gia như: Pháp, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Bỉ, Hy Lạp...
Sau khi nghỉ hưu năm 2002, nghệ sĩ Văn Học vào Nha Trang cất nhà trên đường Dương Hiến Quyền, và dành một phòng riêng cho những “người bạn rối” đã từng đồng hành với ông trong các vở diễn. Năm 2014, ông xin phép cơ quan chức năng được “nâng cấp” phòng trưng bày các con rối của mình thành một bảo tàng và được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép hoạt động. “Bảo tàng thì phải khác phòng trưng bày. Bảo tàng phải có người giới thiệu, hướng dẫn, biểu diễn tiết mục múa rối, có thế người xem mới hiểu hết được sự độc đáo của loại hình nghệ thuật này”, nghệ sĩ Văn Học nói.
Trong bảo tàng rộng gần
50 m2 trưng bày khoảng 150 con rối lớn nhỏ do chính nghệ sĩ Văn Hoc làm, theo nhiều hình thức biểu diễn: rối dẹt, rối khối, rối tay, rối que, rối dây, rối hình nộm... Mới bước vào căn phòng này, người xem có cảm giác đứng trước một bức tranh đa sắc màu về cuộc sống. Ở đây, các con rối đại diện cho thiện - ác chung sống cùng nhau. Một điều thú vị, ngoài phần “lý lịch trích ngang”, trên các con rối còn kèm theo những câu nói đầy triết lý của nghệ sĩ Văn Học, như tác phẩm Keo vật cuộc đời, tác giả viết: “Con người đánh vật với cuộc sống, đánh vật với người đời... và đang đánh vật với chính mình. Phải chăng cuộc đời này chỉ là một keo vật triền miên”; hay tác phẩm Những con rối, ông đúc kết: “Cuộc đời như là một sân khấu rối và mỗi chúng ta cũng chỉ là những con rối trên đời mà thôi... Thế đấy”.
Để lại cho đời sau
Trong số những con rối tại bảo tàng, có những nhân vật đã hơn 20 tuổi. Còn lưu giữ được nguyên vẹn số lượng lớn con rối cho đến ngày nay là do nghệ sĩ Văn Học luôn coi rối như những người bạn của mình. Ông kể, năm 1998, khi biểu diễn tiết mục múa rối Cái chết của con thiên nga ở Paris (Pháp), có vị khách rất thích thú và ngỏ ý muốn mua lại con rối với giá 500 USD, nhưng ông từ chối và nói “nếu ông thích thì tôi về sẽ làm con khác để tặng ông, còn con rối này đã gắn bó với tôi, tôi không thể bán “bạn” của mình”.
Khách đến thăm bảo tàng, ngoài chiêm ngưỡng những con rối, những hình ảnh biểu diễn múa rối độc diễn, các đầu sách về múa rối do nghệ sĩ Văn Học viết... còn được ông hướng dẫn làm rối, xem múa rối độc diễn. “Tất cả đều miễn phí. Tôi chỉ mong muốn góp phần gìn giữ, giới thiệu đến đông đảo người dân và du khách một loại hình nghệ thuật độc đáo của VN. Ngoài ra, không có lý do gì cả”, nghệ sĩ Văn Học nói.
Dù bảo tàng có diện tích nhỏ, nghệ sĩ Văn Học vẫn dành riêng nhiều vị trí cho thiếu nhi. Đó là góc “Dạy trẻ bằng con rối”, “Cho bé học mà chơi”, góc trưng bày những con rối bé tí teo, ngộ nghĩnh. Khi các bé đến thăm bảo tàng, nghệ sĩ Văn Học sẽ phục vụ độc diễn múa rối theo những câu chuyện kể cho lứa tuổi mầm non, như: Dê con nhanh trí, Hai dê qua cầu, Chú thỏ thông minh... Nghệ sĩ Văn Học nói: “Có hôm gần 30 bé mầm non được cô giáo dẫn đến bảo tàng. Do không gian hẹp, tôi kê bàn trưng bày ở giữa phòng vào sát tường để các bé có chỗ ngồi, rồi tiện lấy bàn này làm bàn diễn luôn. Thấy các bé xem múa rối, vui cười, mình hạnh phúc lắm”.
Nghệ sĩ Văn Học tâm sự: “Với việc mở bảo tàng, tôi mong đây sẽ là điểm đến cho những ai muốn tìm hiểu, đam mê nghệ thuật múa rối độc diễn”.
Nghệ sĩ Văn Học năm nay 74 tuổi, từng nhận được nhiều giải thưởng như: Huy chương vàng tại Liên hoan múa rối toàn quốc năm 1994; Giải thưởng Sân khấu các năm 1994, 2000, 2001 của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN; Giải thưởng của Quỹ phát triển văn hóa VN - Thụy Điển; Giải thưởng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ múa VN và nhiều giải thưởng, bằng khen tại các sân khấu múa rối trong nước và quốc tế. Tuy đã về hưu, ông vẫn dành nhiều thời gian viết sách về nghệ thuật múa rối, tham gia thỉnh giảng tại nhiều trường đại học..
|
Bình luận (0)