Những 'bảo tàng' độc đáo: Hoài niệm nghề săn voi

25/02/2016 06:25 GMT+7

Mai sau không còn voi nhà, du khách đến Buôn Đôn sẽ hình dung một thời oanh liệt của nghề săn bắt, nuôi dưỡng voi qua những kỷ vật.

Mai sau không còn voi nhà, du khách đến Buôn Đôn sẽ hình dung một thời oanh liệt của nghề săn bắt, nuôi dưỡng voi qua những kỷ vật.

Một phần trong bộ đồ nghề săn voi do ông Nguyễn Trụ sưu tầm - Ảnh: Ngọc QuyềnMột phần trong bộ đồ nghề săn voi do ông Nguyễn Trụ sưu tầm - Ảnh: Ngọc Quyền
Đó là mong ước của ông Nguyễn Trụ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH du lịch sinh thái Thanh Hà, người đã và đang cất công sưu tầm, tập hợp những hiện vật lưu niệm, những câu chuyện, giai thoại về voi Buôn Đôn…
Bành voi trăm tuổi
Căn nhà sàn rộng hơn trăm mét vuông ở khu du lịch sinh thái Thanh Hà (xã Ea Huar, H.Buôn Đôn, Đắk Lắk) được xem là bảo tàng thu nhỏ, trưng bày nhiều dụng cụ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, cúng voi... Ông Trụ hào hứng kể về thú sưu tầm những hiện vật mà ông cho là đại diện của “văn hóa voi”. “Hơn chục năm trước, khi mở khu du lịch, tôi luôn nghĩ yếu tố hấp dẫn du khách đến đây chỉ có thể là voi, văn hóa voi. Nếu không có voi, có lẽ Buôn Đôn vẫn như những buôn làng bình thường khác ở Tây nguyên. Bởi vậy, lưu giữ những ký ức về voi dường như trở thành quyết tâm và công việc thường xuyên của tôi”, ông Trụ bộc bạch.
Nổi bật trong số hiện vật có chiếc bành voi làm bằng gỗ quý, nhiều chi tiết chạm trổ khá tinh xảo, đáy bành lót bằng tấm da voi dày, êm như nệm, hai bên bành được đan bằng mây khá cầu kỳ. Ông Trụ cho biết đây là chiếc bành khoảng 100 tuổi, xuất xứ từ một gia tộc giàu có trong vùng, ngày trước thường dùng cho voi khi đưa đón những vị khách quý. Để so sánh, ông chỉ tay về chiếc bành voi bên cạnh có dáng vẻ đơn giản, thô ráp hơn, dành cho những gru (thợ săn voi) cưỡi khi đi săn.
Trên vách nhà treo hai chiếc áo săn voi khá nguyên vẹn được làm từ vỏ cây lộc vừng rừng. “Điểm đặc biệt của những chiếc áo vỏ cây này là khi thợ săn voi mặc vào sẽ không còn hơi người, giúp họ mai phục trong rừng mà không sợ bị voi rừng đánh hơi phát hiện”, ông Trụ lý giải.
Đến nay, ông Trụ đã sưu tầm được hai bộ đồ nghề săn bắt voi hoàn chỉnh của người M’nông - Lào ở Buôn Đôn. Một bộ đồ nghề vốn của một gru già tên Ama Đinh ở buôn N’Drếch, xã Ea Huar, được ông Trụ mua lại với giá 50 triệu đồng thời điểm năm 2002. Trong bộ đồ nghề săn voi, có những sợi dây thừng dài hàng chục mét bằng da trâu. Ông Trụ cho biết để có da bện bộ dây thừng này, ngày trước người ta phải giết 5 con trâu đực vừa trưởng thành, chưa từng “gần gũi” trâu cái, theo quan niệm là để dây thừng không bị ô uế, dễ bắt được voi rừng.
Trong bộ sưu tập của ông Trụ còn hàng chục chiếc ché rượu, có chiếc ché trắng quý hiếm, những ấm chén bằng đồng chỉ được dùng trong nghi lễ cúng voi, một trong những lễ cúng quan trọng nhất ở vùng Buôn Đôn…
Xây mộ cho voi
Giữa khu du lịch Thanh Hà có bức tượng Y Thu Knul, vị gru huyền thoại nửa đầu thế kỷ 20, từng bắt hàng trăm voi rừng, trong đó có con voi trắng tặng nhà vua Thái Lan và được nhà vua phong tặng danh hiệu Khunsanup (vua săn voi).
Gần bức tượng là khu mộ hai con voi xấu số tên H’Panh và Pắc Kú, trên mộ có tượng voi tạc bằng xi măng khá sống động. Theo bia “thân thế” trên mộ, voi cái H’Panh được ông Ama Kông, người săn voi nổi tiếng Buôn Đôn, bắt từ rừng năm 1955, chết do ngộ độc vỏ cây rừng năm 2010. H’Panh từng lập công trạng khi báo động có thú dữ và đưa một đoàn khảo sát du lịch ở núi Yok Đôn về nơi an toàn sau gần hai ngày đêm lạc trong rừng. Voi này cũng từng có mặt trong bộ phim Tây Sơn hào kiệt, chở diễn viên đóng vai vua Quang Trung xuất quân ra Bắc.
Cạnh mộ H’Panh là mộ Pắc Kú, là con voi được nhiều người biết đến do chết thảm dưới bàn tay dã man của kẻ xấu. Ông Trụ cho biết voi Pắc Kú từ Buôn Đôn bán qua Gia Lai nhiều năm, được Công ty Thanh Hà mua về lại năm 2009. Cuối năm 2010, khi kiếm ăn trong rừng, Pắc Kú bị đốt bằng xăng và chém hơn 200 nhát trên cơ thể. Sau gần 3 tháng chữa trị, voi Pắc Kú không qua khỏi do vết thương quá nặng.
Theo ông Nguyễn Trụ, việc xây mộ cho voi không phải là việc làm lập dị như có người bình phẩm mà là cách để tôn vinh loài voi, người bạn chung thủy, thân thiết của con người. “Trong quan niệm của đồng bào Tây nguyên, voi không chỉ là tài sản quý mà còn được xem là thành viên trong gia đình, khi voi chết được buôn làng chôn cất và làm lễ cúng lớn. Còn tôi lập mộ cho voi cũng là cách mong muốn lưu giữ trong bảo tàng ký ức về công tích của voi và giúp những thế hệ sau biết đến một thời hoàng kim của voi Buôn Đôn, có hành vi đúng đắn để bảo vệ động vật hoang dã”, ông Trụ chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.