Được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1996, chỉ sau 10 năm trùng
tu, đến nay đền thờ Mai Hắc Đế ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã phải chống đỡ
bằng tre và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Tòa Hạ điện phải chằng chống vì hệ thống cột, xà, kèo bị mối mọt ăn rỗng ruột - Ảnh: K.Hoan |
Đền thờ Mai Hắc Đế là ngôi đền uy linh, nổi tiếng từ hàng trăm năm nay, gắn với lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức vào dịp rằm tháng Giêng hằng năm. Năm 1996, đền thờ và khu mộ vua Mai Hắc Đế (dân gọi là Vua Mai) được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Năm 2004, đền được trùng tu, làm mới theo kết cấu: Hạ điện, Trung điện, Thượng điện và khuôn viên.
Tuy nhiên, đến năm 2013, đền thờ đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt tòa Hạ điện. Tòa này là nơi thờ cộng đồng, hành lễ, có long ngai, bài vị, đồ tế khí.
Ông Nguyễn Cảnh Hòa, Phó ban quản lý Đền thờ Vua Mai cho biết do bên ngoài cột, xà đều được sơn son thếp vàng nên rất khó nhận biết bên trong đã bị mối mọt ăn. Năm 2013, ông Hòa phát hiện mối bò lên các cột, lấy cây sào chọc lên các xà nhà thì thấy hầu hết xà nhà đã bị rỗng ruột do mối xông. Các cột cũng tình trạng tương tự. “Ngay hôm đó, chúng tôi báo cáo cho Trung tâm Văn hóa huyện, đơn vị trực tiếp quản lý Đền, biết để xử lý vì nếu chậm trễ, tòa nhà có nguy cơ bị sập”, ông Hòa nói.
UBND huyện Nam Đàn sau đó gửi công văn tới Sở VH-TT-DL Nghệ An thông tin thực trạng trên và đề nghị có phương án bảo vệ khẩn cấp. Ngày 26.8.2014, Sở VH-TT-DL Nghệ An đề nghị UBND huyện Nam Đàn chằng chống để bảo vệ tòa nhà, tạm ngưng các hoạt động hành lễ và lập phương án để tu bổ di tích. UBND huyện Nam Đàn đã lên phương án dùng tre, gỗ chằng chống tòa nhà để tránh sập.
Ông Bùi Trọng Lĩnh, Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Nam Đàn cho biết ông đã 2 lần ra Cục Di sản (Bộ VH-TT và DL) báo cáo tình hình và kiến nghị cho tu bổ gấp di tích vì tình hình đã rất nguy cấp. Ngoài tòa Hạ điện, tòa Trung điện và Thượng điện mái ngói phía trước và phía đông cũng bị oằn khiến nhiều viên ngói tuột xuống khỏi mái. Trên các đầu cột cũng đã xuất hiện dấu vết của mối xâm nhập.
“Mặc dù di tích mới được trùng tu, làm mới vào năm 2004 nhưng giờ đã xuống cấp, hư hỏng là có vấn đề về chất lượng. Dự án trùng tu lần trước do Ban quản lý Di tích và danh thắng Nghệ An (trực thuộc Sở VH-TT-DL Nghệ An) làm chủ đầu tư nên chúng tôi không biết chất lượng gỗ thế nào”, ông Lĩnh nói.
Ông Đặng Minh Năm, Phó ban quản lý Di tích và danh thắng Nghệ An cũng cho rằng tuổi thọ của di tích sau khi được trùng tu bằng vật liệu mới hoàn toàn chưa đầy 10 năm là quá ngắn. Dự án trùng tu Đền Vua Mai năm 2004 do Ban quản lý làm chủ đầu tư nhưng thời điểm đó ông chưa về Ban quản lý nên không biết có thi công đúng chủng loại gỗ đã thiết kế hay không.
Hiện UBND huyện Nam Đàn đã lập phương án trùng tu di tích này, dự tính khoảng 19 tỉ đồng, để trình Sở VH-TT-DL và Cục Di sản. Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, chưa biết bao giờ dự án mới được triển khai vì “kinh phí để thực hiện dự án này chưa biết nhìn vào đâu”.
Mai Thúc Loan là người tổ chức cuộc khởi nghĩa Hoan Châu chống lại
sự xâm lược của nhà Đường (Trung Quốc). Năm 713, ông xưng đế, lấy hiệu
là Mai Hắc Đế, cho xây thành lũy, lấy quốc hiệu là Vạn An, lập kinh đô
tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn ngày nay, rèn binh chuẩn bị cuộc khởi nghĩa
đánh đuổi quân nhà Đường. Cuộc nổi dậy của ông được nhân dân khắp nơi
ủng hộ.
Năm 714, Mai Hắc Đế tiến binh ra thành Tống Bình (Hà Nội), đánh
tan quân nhà Đường. Từ ngày lên ngôi, Mai Hắc Đế đã giải phóng được đất
nước và giữ vững nền độc lập đến năm 723.
Nhà Đường sau đó huy động 10
vạn quân sang đàn áp, quân của Mai Hắc Đế sau nhiều trận đánh khốc liệt
nhưng không chống cự được, phải rút lui về thành Vạn An. Vua Mai Hắc Đế
thất thủ rồi mất. Để ghi nhớ công ơn của một vị vua yêu nước, đền thờ
ông được xây cất trên chính mảnh đất ông đã xây dựng căn cứ cuộc khởi
nghĩa.
|
Bình luận (0)