Điện ảnh Việt 'thay máu'

03/08/2015 06:06 GMT+7

Theo kế hoạch đã được Bộ VH-TT-DL phê duyệt, 4 hãng phim nhà nước bắt buộc phải cổ phần hóa, hạn cuối cùng là trong năm nay. Liệu đây có là cú hích cho điện ảnh nhà nước suốt nhiều thập niên chỉ quen sống dựa vào 'bầu sữa mẹ' ngân sách, một cuộc 'thay máu' cho cả nền điện ảnh VN?

Theo kế hoạch đã được Bộ VH-TT-DL phê duyệt, 4 hãng phim nhà nước bắt buộc phải cổ phần hóa, hạn cuối cùng là trong năm nay. Liệu đây có là cú hích cho điện ảnh nhà nước suốt nhiều thập niên chỉ quen sống dựa vào “bầu sữa mẹ” ngân sách, một cuộc “thay máu” cho cả nền điện ảnh VN?

Gái nhảy (2003), bộ phim có doanh thu rất cao của Hãng phim Giải Phóng - Ảnh: T.L
Gái nhảy (2003), bộ phim có doanh thu rất cao của Hãng phim Giải Phóng - Ảnh: T.L
Không phải vô cớ mà người ta chú ý đến cuộc chuyển đổi này của các hãng phim nhà nước. Bởi trong suốt nhiều thập niên, đây là lực lượng sản xuất chủ lực các tác phẩm điện ảnh, tập trung nguồn nhân lực và thiết bị làm phim của cả nước. Thậm chí, cách đây hơn 10 năm, Hãng phim Giải Phóng từng tạo nên hiện tượng mở đầu cho sự sống lại của dòng phim thị trường với Gái nhảy. Tuy nhiên đến nay các hãng này đều chỉ hoạt động èo uột, cầm chừng.
Hãy nghĩ cổ phần hóa hãng phim là để sản xuất phim chứ không phải làm nhà hàng hay xây dựng địa ốc để bán
Đạo diễn Hà Sơn
Phương án cổ phần hóa (CPH) để thoát khỏi kiểu làm phim bao cấp đã được đưa ra từ cách đây hàng chục năm. Nhưng đến năm 2010 mới có Hãng phim truyện 1 dám đi tiên phong; 4 hãng phim còn lại gồm Phim truyện VN, Phim Giải Phóng, Phim tài liệu và khoa học T.Ư, Phim hoạt hình.
Ai sẽ bỏ tiền mua hãng phim nhà nước ?
Nhà quay phim Đặng Phúc Yên, Giám đốc Hãng phim Giải Phóng cho hay, hãng phim này đã hoàn tất thủ tục CPH và mở bán cổ phần đợt 1. Về tiềm năng các cổ đông, chưa có nhiều tín hiệu khả quan bởi vẫn chưa có cổ đông chiến lược.
Trong khi đó, dù phải đến tháng 9 tới đây, theo dự kiến, Hãng phim truyện VN mới bắt đầu bán cổ phần, nhưng đạo diễn Vương Đức, Giám đốc hãng, đã lạc quan: “Hãng phim Giải Phóng giá trị tài sản tới vài trăm tỉ, khó trong con đường tìm cổ đông chiến lược. Chúng tôi thuận lợi hơn, vì giá trị tài sản không tính vào đất đai nên không lớn, cổ đông chiến lược và nghệ sĩ có thể mua cổ phần dễ hơn”. Về tiềm năng cổ đông, ông Đức cho hay: “Vẫn còn những người yêu điện ảnh, một số đại gia chú ý đến chúng tôi”.
Thực tế, nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất, nắm giữ trên 60% cổ phần ở hầu hết các hãng phim. “Việc này khiến nhiều cổ đông e dè, không dám đầu tư mạnh vào hãng phim. Vì nhà nước giữ phần lớn cổ phần cũng là có quyền lớn nhất, hạn chế quyền quyết định của nhà đầu tư”, một vị lãnh đạo của hãng phim đang tiến hành CPH thừa nhận.
“Bình” mới, “rượu” có mới ?
“Không thể viện cớ là nơi ra đời của bao nhiêu tác phẩm lớn, biết bao thế hệ nghệ sĩ lớn để đòi có sự vận hành kinh tế riêng được. Việc cổ phần hãng phim là tất yếu”, NSND Đặng Nhật Minh nói. Tuy nhiên, vị đạo diễn này không khỏi băn khoăn hãng phim sẽ CPH thế nào trong khi: “Tài sản chả có gì. Phương tiện, máy móc làm phim hầu hết đã cũ, chỉ phục vụ phim nhựa mà phim nhựa người ta đã bỏ rồi, đưa vào bảo tàng cả rồi. Bộ máy thì quá cồng kềnh. Tôi biết nhiều anh em nghỉ không ăn lương, chỉ đóng bảo hiểm để về hưu có lương, có người hàng chục năm nay không bước chân lên hãng, mà ra ngoài làm phim truyền hình”.
Sẽ đấu thầu làm phim do nhà nước đặt hàng
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết trong năm sau Cục sẽ tiến hành phương thức đầu thầu làm phim. Các hãng phim nhà nước và các hãng phim tư nhân sẽ tham gia đấu thầu bình đẳng để nhận dự án làm phim theo đơn đặt hàng của nhà nước.
Nhìn lại đơn vị tiên phong là Hãng phim truyện 1 được CPH từ năm 2010 nhưng đến giờ vẫn chưa thể tự sống khỏe nếu thiếu “bầu sữa” nhà nước. Hãng phim truyện 1 cùng với Hãng phim truyện VN và Hãng phim Giải Phóng vẫn là 3 “anh lớn” được “bầu sữa” nhà nước chia đều với các đơn đặt hàng làm phim. Nguồn thu khác của hãng đến từ việc cho thuê nhân lực, thiết bị, dịch vụ làm phim, gia công cho phim truyền hình… Hãng phim truyện 1 gần như chưa tự sản xuất được bộ phim nào thu lợi nhuận từ rạp chiếu.
“Hãng phim truyện 1 là một thực tế cho thấy việc CPH của nhà nước về lĩnh vực điện ảnh chưa thành công”, đạo diễn Hà Sơn, Hãng phim truyện VN, nói. “Hãy nghĩ CPH hãng phim là để sản xuất phim chứ không phải làm nhà hàng hay xây dựng địa ốc để bán”, ông nói thêm. “Làm thế nào để có phim hay, đời sống anh em khá lên. Cái đấy mới thực sự khó”, đạo diễn Vương Đức cũng nhìn nhận.
Rõ ràng, ai cũng hiểu cái đích nhắm tới của CPH hãng phim, nhưng có điều làm thế nào để đạt được cái đích đó vẫn là câu chuyện vẫn còn mông lung. Đạo diễn Hà Sơn băn khoăn: “Chẳng hiểu họ muốn cổ phần gì, đất đai, cái tiếng, hay hoạt động của hãng phim. Ngay trong đại hội của Hãng phim truyện VN vừa qua, tôi chẳng thấy ai đề cập đến phương hướng hoạt động của hãng phim sau CPH là gì. Trong khi tác phẩm làm ra không bán được cho ai, cơ sở vật chất không hơn hãng phim tư nhân nào cả, đội ngũ tinh túy cũng mai một đi rồi, thương hiệu hãng phim liệu có còn không? Tôi chưa thấy có cuộc trao đổi nào với các nghệ sĩ, nhà làm phim để bàn bạc tìm ra cơ chế để CPH. Nếu cứ cổ phần như cách cũ thì bình cũ rồi rượu cũng vẫn cũ thôi”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.