Ngày thống nhất - Kỳ 3: Viếng Lăng Ông

23/04/2015 05:54 GMT+7

Trong những ngày của tháng 5.1975, tuy mới về Sài Gòn nhưng tôi đã có nhiều bạn. Một trong những người bạn ấy đã đưa tôi tới viếng Lăng Ông.

Trong những ngày của tháng 5.1975, tuy mới về Sài Gòn nhưng tôi đã có nhiều bạn. Một trong những người bạn ấy đã đưa tôi tới viếng Lăng Ông.

Lăng Ông Bà Chiểu ngày nay -  Ảnh: Diệp Đức Minh
Lăng Ông Bà Chiểu ngày nay -  Ảnh: Diệp Đức Minh
Đó là một địa điểm hết sức nổi tiếng ở Sài Gòn mà trước đó, tôi có đọc trên báo nhưng không để ý lắm vì chưa hiểu tầm quan trọng về tâm linh của nó.
Buổi sáng chúng tôi tới viếng Lăng Ông, đã thấy đông nghẹt những người viếng và thắp hương, thành kính đảnh lễ. Sự thành kính ấy hiện rất rõ qua từng gương mặt những người đang quỳ gối khấn vái. Người bạn đưa cho tôi mấy nén hương, và tôi cũng thành tâm vái lạy, tuy lúc bấy giờ còn rất mù mờ về “nhân thân” của người được kính cẩn gọi bằng “Ông”. Về sau tôi mới biết, “Ông” chính là Tả quân Lê Văn Duyệt -nguyên Tổng trấn Gia Định thành (tức thành Sài Gòn - Gia Định) thời vua Gia Long.
Vị tổng trấn vì dân
Những nước đi rắc rối của lịch sử khiến nhiều lúc người ta tưởng nó đứng hẳn về phía vua chúa, phía triều đình, vì một lẽ đơn giản trong nhiều lẽ, là những người chép sử luôn được ăn lương công chức, mà đã “ăn cơm chúa” thì phải… múa thế nào chứ ? Nhưng cuối cùng, hóa ra, sau nhiều “nước biến” phức tạp của một ván cờ bất tận, lịch sử lại ngả về phía nhân dân, những người vừa làm ra lịch sử vừa chịu đựng lịch sử. Và nhân dân cũng là những người chép sử một cách vô thức, tự phát, những người đã làm nên “dã sử” để cân đối với “chính sử”, những người đã làm cho lịch sử luôn sống động và công bằng hơn qua ký ức cộng đồng.
Chính cái “nhân dân sử” này đã ghi nhận và đánh giá đúng công lao Lê Văn Duyệt với tư cách là người đứng đầu không chỉ thành Gia Định mà cả “đặc khu” Nam bộ, gồm luôn tới Bình Thuận. Dù Sài Gòn (Gia Định thành) đã được chính thức thành lập từ năm 1698, và Lê Văn Duyệt là vị tổng trấn thứ bao nhiêu, sau ngày sinh Sài Gòn những 114 năm, nhưng có thể nói, thời cai trị của Lê Văn Duyệt là thời bình của Sài Gòn và Nam bộ, sau hàng thế kỷ chiến tranh, loạn lạc. Đứng đầu vùng đất mới, thành phố mới trong những năm hòa bình đầu tiên là một thách thức nhưng cũng là lợi thế để Lê Văn Duyệt hiện thực chính sách đối nội và đối ngoại của mình.
Lê Văn Duyệt là người không có tư tưởng cát cứ, luôn có những suy nghĩ độc lập, có những cân nhắc và quyết sách ở tầm chiến lược. Trong đối nội, tư tưởng chủ đạo của Lê Văn Duyệt là tư tưởng vì dân. Còn về đối ngoại, chính sách của Lê Văn Duyệt có thể nói theo ngôn ngữ bây giờ là “Làm bạn với thế giới”. Sự phát triển ngoại thương ở thời Lê Văn Duyệt gắn liền với chính sách đối ngoại mà ông thực thi, một chính sách được coi là cởi mở nhất. Thời đó, Sài Gòn thực sự là “Cửa ngõ mở ra thế giới”.
Tổng trấn Lê Văn Duyệt còn hơn “một vị quan cai trị tốt”. Ông là người đã tìm ra động lực cho sự phát triển cả vùng đất mới. Động lực ấy trước tiên nằm ở ý chí quyết liệt, ở tính cách cương cường và năng động của người dân Sài Gòn trong cuộc mưu sinh đầy hiểm nguy và gian khổ. Hoàn cảnh càng khó khăn thì khát vọng lập nghiệp càng mạnh mẽ, càng kích thích ở họ những sáng kiến nhằm khai thác và chung sống với thiên nhiên, càng hun đúc nghị lực cũng như làm cho tâm tính họ khoáng đạt, vị nghĩa. Khơi dậy được cái tiềm năng lòng người ấy là một thành công lớn trong chính sách “Vì dân” của Lê Văn Duyệt. Đó là chủ trương mở cửa đầu tiên của ông: mở cửa lòng người, lòng dân.
Vì dân - đó cũng là tư tưởng chủ đạo của Tả quân Lê Văn Duyệt. Sau này tôi mới biết, Lê Văn Duyệt quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tôi không ngờ, với những thăng trầm, bi kịch mà Lê Văn Duyệt phải chịu đựng lúc sinh thời và cả sau khi mất, tả quân lại được người dân Sài Gòn kính thương, trọng vọng và tín ngưỡng đến như vậy!
Bởi Lê Văn Duyệt là một trong những nhân vật chính đã giúp vua Gia Long thống nhất đất nước. Và cũng là nhân vật chính thiết kế xây dựng Sài Gòn mang dáng dấp của một thành phố mở, dù thời ấy Sài Gòn còn khá sơ sài. Những khu phố bến sông bãi chợ Sài Gòn có từ thời Lê Văn Duyệt vẫn còn và phát triển cho tới hôm nay. Lịch sử luôn được nhìn nhận lại bởi các thời kỳ, qua các thế hệ. Buổi sáng tháng 5.1975 đi viếng Lăng Ông đã cho tôi một cái nhìn sâu hơn về Sài Gòn, thành phố mà trước đó tôi còn hiểu một cách khá hời hợt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.