“Có tìm hiểu về hậu phương của anh em đã hy sinh, mới thấy bố mẹ, vợ con bộ đội vất vả, hiến dâng và cao cả đến chừng nào”...
Bà Ngô Thị Hiền vẫn giữ chiếc màn kỷ vật của anh Ngô Văn Quyền - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Không phải chỉ một lần Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó chính ủy Hải quân nhắc đến điều này. Vốn trưởng thành từ chiến sĩ nên tính thương lính, đau đáu với những mất mát của bộ đội dường như đã ngấm vào máu của chuẩn đô đốc.
Ngã xuống trước ngày thống nhất
Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, đặt bàn thờ của liệt sĩ Hải quân hy sinh đầu tiên tại Trường Sa: hạ sĩ Ngô Văn Quyền, ở xã Tiên Thắng (H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng). Bà Ngô Thị Hiền, chị gái của liệt sĩ Ngô Văn Quyền, thẫn thờ kể: “Nhà có 8 chị em, tôi là đầu rồi đến cậu Quyền sinh 1955” và lau nước mắt: “Nghe tin cậu ấy hy sinh ngay trong ngày giải phóng, không ai tin”...
Cuối năm 1972, khi mới 17 tuổi và học xong lớp 7/10, anh Ngô Văn Quyền theo bố lên Lào Cai làm nghề xẻ gỗ thuê để lấy tiền nuôi các em. Nghe tin có giấy gọi đi bộ đội, anh Quyền lặn lội cả chục ngày đường về quê nhập ngũ và được tuyển vào Đoàn 126 Đặc công Hải quân đóng bên Cầu Giá (Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) đúng đợt tuyển quân tháng 12.1972. Đơn vị đóng quân cách nhà khoảng 50 km, nhưng trong 2 năm huấn luyện, anh Quyền chỉ được nghỉ phép 3 lần về thăm nhà, tất tả trồng cấy cùng bố mẹ.
Tháng 3.1975, trước khi lên tàu vào nam chiến đấu, anh Quyền được nghỉ tranh thủ 3 ngày, hôm khoác ba lô sang đơn vị mới thú thật với bố mẹ: “Con đi chiến đấu” và đồng ý cho chị gái tiễn ra đầu phà Khuể, vừa đi vừa dặn chị: “Đi đợt này khác lắm. Chị cố gắng lợp lại mái nhà, đừng đợi em”.
Đầu tháng 4.1975, Đại đội 1 - Đoàn 126 cùng lực lượng phối hợp bí mật lên tàu giả trang đánh cá ra giải phóng Trường Sa và rạng sáng ngày 14.4.1975, đơn vị của anh Quyền bí mật tiếp cận, tấn công lên đảo Song Tử Tây. Trong trận chiến đấu này, hạ sĩ Tống Văn Quang (chiến sĩ Đại đội 6, Trung đoàn 95, Sư đoàn 2, Quân khu 5) hy sinh và được chôn cất trên đảo. Hạ sĩ Ngô Văn Quyền bị thương vào bụng, được đưa lên tàu về TP.Đà Nẵng cấp cứu. Giữa đường, do thời tiết xấu, tàu hỏng máy nên ngày 16.4.1975, hạ sĩ Quyền đã trút hơi thở cuối cùng, khi tàu chưa vào gần bờ.
Từ ngày về thăm nhà, gia đình bặt tin anh Quyền, mãi đến cuối năm 1975, người trong làng cho biết: “Có con em trong Hải quân kể chuyện học tập tấm gương dũng cảm của liệt sĩ Ngô Văn Quyền, khi giải phóng Trường Sa”, bà Ngô Thị Hiền mới tìm sang Lữ đoàn 126 hỏi thực hư. Biết em đã hy sinh, bà khóc: “Để đến lúc bố mẹ tôi già yếu mới báo thì ai chịu nổi?”.
Gần 1 năm sau khi anh Quyền hy sinh, ngày 10.4.1976, Lữ đoàn 126 mới gửi giấy báo tử, thông báo hạ sĩ Ngô Văn Quyền hy sinh tại đảo Song Tử Tây “trong trường hợp chiến đấu giải phóng đảo” và thi hài mai táng tại “Khối phố Đá Mặn, P.Bắc Mỹ An, Q.3, Đà Nẵng”. Do đường sá xa xôi, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên mãi năm 2000, em trai Ngô Văn Hoài mới vào TP.Đà Nẵng tìm mộ anh và sững sờ trước khu nghĩa trang Bắc Mỹ An đã thành bãi đất trống. Lần mò dò hỏi mới biết: Khi mai táng, người ta cắm bia gỗ ghi tên lên mộ anh Quyền nhưng qua nhiều năm, gỗ bị mục nên khi quy tập về nghĩa trang thành phố, người ta không xác định được họ tên, phải đưa vào khu mộ vô danh, nằm cùng với 15 người lính khác, đến tận bây giờ.
Bà Ngô Thị Hiền gạt nước mắt: “Bố tôi mất năm 1997, mẹ mất 2005 và đều dặn phải đưa anh Quyền về quê. Ngôi mộ ghi tên ngoài nghĩa trang liệt sĩ xã là chờ anh ấy” và khẩn khoản: “Cách nào để tìm ra thật là anh trong 6 mộ vô danh quy tập?”, khiến tôi cũng câm lặng: 40 năm, người lính Hải quân nhân dân VN đầu tiên ngã xuống ở Trường Sa vẫn chưa về được quê nhà!
Liệt sĩ dân sự duy nhất
Trong danh sách 159 quân nhân hy sinh tại quần đảo Trường Sa (từ 1975 đến nay), duy nhất anh Hoàng Văn Nghĩa (sinh 1986 quê ở Nam Trực, Nam Định) là công chức khí tượng, hy sinh tại Trường Sa 21.3.2010.
Bà Trịnh Thị Mão thường nhìn lại con trai Hoàng Văn Nghĩa chụp ngoài Trường Sa
|
Tôi về xã Nam Toàn, Nam Trực, Nam Định lúc gần trưa và được người dân dẫn đến ngôi nhà cấp 4 nằm rìa cánh đồng, cửa cổng đóng kín mít. “Chồng mất từ năm 1989 trong Lâm Đồng, con trai đầu là Hoàng Văn Chính, sinh năm 1978 đang công tác tại Nhà máy thủy điện Sê San, mãi trong Gia Lai, cháu Nghĩa thì hy sinh ngoài Trường Sa nên giờ bà ấy lủi thủi 1 mình” - Ông Hoàng Văn Hải, bác ruột của liệt sĩ Nghĩa thở dài nói vậy, xong mới cút kít đạp xe ra cánh đồng, tìm bà Mão hình như đi phun thuốc sâu.
Qua trưa, bà Trịnh Thị Mão (sinh năm 1959) là mẹ của liệt sĩ Nghĩa mới tất tả về mở cổng. Trên khuôn mặt đen cháy khắc khổ, những giọt nước mắt chầm chậm ứa ra cùng với những lời kể lẫn trong nước mắt về cậu trai út hiền như con gái: Học ngành khí tượng của Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khóa 2005 - 2008, ra trường là Nghĩa tình nguyện xin ra công tác ngoài đảo và được nhận vào công tác trên đảo Phú Quốc. Đầu năm 2009, biết Trạm khí tượng thủy văn Trường Sa đang thiếu quan trắc viên, Nghĩa lại làm đơn tình nguyện ra Trường Sa và ngày 1.2.2009 được tuyển dụng. Khi được báo ngày giờ ra đảo, anh mới gọi điện thoại từ Nha Trang ra... xin ý kiến mẹ, khiến bà Trịnh Thị Mão phải nói dỗi: “Các anh làm đơn tình nguyện, xong mới xin ý kiến thì mẹ nào cản được chân các anh”.
Gần 2 năm công tác ở đảo Trường Sa, tối nào Nghĩa cũng gọi điện về cho mẹ, lẩn mẩn kể mọi chuyện ăn ở, sinh hoạt khiến bà Mão quanh năm cắm mặt với ruộng lúa, cũng trở thành “thổ công” Trường Sa. “Ngoài ấy thiếu rau và buồn lắm, ngày cũng như đêm chỉ mấy anh em thui thủi đo gió đo nước với nhau. Tôi dành cả mảnh ruộng phần trăm để trồng các loại rau, đợi nó về ăn đấy!” - Bà Mão kể vậy và lặng người: “3 ngày trước khi hy sinh, em nó gọi điện về giữa trưa bảo tôi: Mẹ sang xã bên bốc thuốc thì chịu khó đi xe ôm, đừng đạp xe. Con sắp về nhà, làm xe ôm suốt đời cho mẹ rồi”...
Lời hẹn của Nghĩa như thể điềm báo. Đêm ngày 21.3.2010 biển động mạnh, sóng dập trắng xóa cầu cảng, Nghĩa trực ca đo đếm các thông số quan trắc và ra cầu cảng thu thập số liệu mực nước, cấp sóng như thường lệ. Lâu không thấy Nghĩa về, anh em trạm chia nhau đi tìm và mãi mới thấy thi thể Nghĩa mắc kẹt dưới lớp san hô. Anh Đào Bá Cao, nhân viên của trạm nói với tôi: “Một cơn sóng lớn đã trùm lên cầu cảng khi Nghĩa chăm chú đo sóng”.
“7 năm nay tôi không nhìn thấy mặt nó ban ngày, nhưng đêm nào cũng thấy nó, chui vào giường đòi xoa lưng trước khi đi ngủ như ngày xưa” - Nước mắt lại chảy tràn trên gò má đen sạm của người mẹ và bà lại nhìn ảnh cậu trai trẻ trung, cười tươi roi rói bên cột mốc chủ quyền Trường Sa, thì thầm: “Em nó hay kể vẻ đẹp Trường Sa và hứa sẽ đưa tôi ra đấy thăm biển đảo cho biết Tổ quốc thiêng liêng. Vậy mà nó nằm lại với biển mãi”...
Chia tay người mẹ già một mình suốt bao năm lụi cụi giữa căn nhà vắng vẻ, bà lắc lắc bàn tay tôi: “Tôi cứ phải khỏe để chờ em nó về, các anh yên tâm” và níu áo: “Anh sắp ra công tác, cho tôi gửi mấy tải rau cho anh em ngoài đảo. Vườn rau của thằng Nghĩa, vẫn còn nguyên sau nhà”. Và tôi, đi như chạy khỏi căn nhà trống lạnh, phía sau vườn, rau cỏ mướt mát xanh tươi...
Theo thống kê của Lữ đoàn 146, từ năm 1975 đến 2014, năm nào cũng có cán bộ chiến sĩ hy sinh ngoài Trường Sa. Tổng số 159 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh quê ở 25 tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất là Nghệ An (21), Thái Bình (20), Thanh Hóa (16), Nam Định và Quảng Bình cùng 15... Có 9 chiến sĩ hy sinh khi mới 19 tuổi.
|
Bình luận