Ngày thống nhất - Kỳ 8: Những thước phim hòa bình

28/04/2015 06:45 GMT+7

Đầu tháng 4.1975, tiếng những bước chân rầm rập của các binh đoàn tiến về Sài Gòn đã không cho phép các nhà làm phim về đề tài chiến tranh ngồi yên tại Hà Nội. Đạo diễn Phạm Việt Tùng - tác giả bộ phim nổi tiếng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không , cũng khoác vội ba lô cùng chiếc máy quay phim lên đường.

Đầu tháng 4.1975, tiếng những bước chân rầm rập của các binh đoàn tiến về Sài Gòn đã không cho phép các nhà làm phim về đề tài chiến tranh ngồi yên tại Hà Nội. Đạo diễn Phạm Việt Tùng - tác giả bộ phim nổi tiếng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, cũng khoác vội ba lô cùng chiếc máy quay phim lên đường.
Đạo diễn Phạm Việt Tùng (giữa) cùng ông Bùi Tùng (ngồi bên trái - người chứng kiến giây phút Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng) cùng ông Nguyễn Hữu Hạnh (chuẩn tướng quân đội VNCH) - Ảnh: Phạm Việt Tùng cung cấpĐạo diễn Phạm Việt Tùng (giữa) cùng ông Bùi Tùng (ngồi bên trái - người chứng kiến giây phút Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng) cùng ông Nguyễn Hữu Hạnh (chuẩn tướng quân đội VNCH) - Ảnh: Phạm Việt Tùng cung cấp
Khi Phạm Việt Tùng và đoàn phim đến Huế thì Đà Nẵng đã giải phóng. Họ vừa qua “lá chắn thép” ở Ninh Thuận thì biết tin quân giải phóng đã vượt sông Sài Gòn. Họ “chậm một nhịp” nên chỉ có mặt tại dinh Độc Lập vào sáng sớm 1.5.1975. Ông Tùng cứ tiếc mãi một cơ hội lịch sử đã bị bỏ lỡ. Thế nhưng, bù lại, ông là một trong số ít những nhà quay phim ngày ấy đã kịp ghi lại không khí hân hoan của người dân Sài Gòn đón chào đoàn quân vừa trải qua cuộc hành quân ngót 30 năm, trên áo còn lấm lem bùn đất và lửa khói của chiến trường. Ông cũng là người ghi lại thời khắc lịch sử vào ngày 2.5.1975 khi ông Dương Văn Minh cùng nội các của mình rời dinh Độc Lập để trở về làm công dân bình thường của một đất nước vừa trải qua binh lửa mấy mươi năm. Ông Tùng gọi đó là “những thước phim hòa bình”.
Ánh mắt, nụ cười người Sài Gòn ngày thống nhất
Ông Tùng nói, không ghi lại được thời khắc lịch sử trưa 30.4 cũng chỉ là “tiếc” thế thôi chứ toàn bộ các nhà làm phim từ bắc vào, kể cả các nhà quay phim theo sát các binh đoàn, cũng không ghi lại được cảnh ấy. “Húc đổ cổng dinh” mà chúng ta vẫn thấy trên phim lâu nay là cảnh dựng lại. Trong dinh Độc Lập vào buổi trưa ngày 30.4 chỉ có các nhà báo của các hãng thông tấn nước ngoài.
Ông Tùng nhớ lại: “Sáng sớm 1.5, xe tăng vẫn tiếp tục tiến vào các cửa ngõ Sài Gòn. Tôi đã kịp “cận cảnh” nhiều bánh xích xe tăng còn nguyên những tảng bùn trận mạc. Tôi cũng không bỏ qua những ánh mắt, nụ cười của người dân Sài Gòn, tay cầm cờ vẫy chào các chiến sĩ”.
Được thu vào ống kính cái không khí òa vỡ sau mấy mươi năm chia cắt non sông và cùng chờ mong giây phút thống nhất đất nước ngày ấy của người dân Sài Gòn, là một may mắn và hạnh phúc của đạo diễn chuyên về mảng phim tài liệu như ông Tùng. Nhưng có lẽ, ghi được cảnh “trao trả tự do” cho ông Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và đoạn đối thoại giữa ông Minh với ông Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn, vào ngày 2.5 tại dinh Độc Lập là những thước phim ông ưng ý nhất. Đã 40 năm rồi mà ông vẫn cứ ngỡ như mới ngày hôm qua: “Sau gần hai ngày ghi hình ở nhiều nơi tại Sài Gòn, tối 2.5, tôi vào lại dinh Độc Lập vì được biết hôm đó có cuộc “gặp mặt lịch sử” giữa người đứng đầu thành phố Sài Gòn - tướng Trần Văn Trà và ông Dương Văn Minh. Tôi chọn vị trí thuận lợi nhất ở góc phòng, đứng trên một chiếc ghế để hướng máy quay từ trên cao xuống. Sau khi ông Trần Văn Trà phát biểu một câu mà lâu nay người ta vẫn nhắc nhiều mỗi khi đề cập đến chuyện “hòa giải hòa hợp”, ông nói với ông Dương Văn Minh rằng giữa chúng ta không có người thắng kẻ thua, chỉ có dân tộc VN thắng Mỹ. Sau khi ông Trần Văn Trà khẳng định một chương mới của dân tộc VN đang được mở ra, ông Dương Văn Minh đáp từ trong xúc động: “Đại diện cho anh em có mặt ở đây, tôi hoan nghênh thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước. Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành một công dân của nước VN độc lập”.
Trả lại sự thật cho lịch sử
Từng quay những thước phim tài liệu nổi tiếng trong chiến tranh, đạo diễn Phạm Việt Tùng là người rất có kinh nghiệm trong việc chọn đề tài và những chi tiết đắt giá cho những “thước phim hòa bình” của mình. Ông có cái may mắn là người duy nhất ghi lại không khí Sài Gòn những ngày đầu tiếp quản bằng những thước phim màu. “Đoàn làm phim có tôi và anh Lê Trang Liêm được giao nhiệm vụ ghi hình. Nhưng anh Liêm chỉ quay phim đen trắng, tôi thì quay phim màu. Số phim màu này do nữ diễn viên người Mỹ Jane Fonda trao tặng khi bà đến Hà Nội vào dịp 12 ngày đêm Mỹ không kích tháng 12.1972”, ông Tùng tiết lộ.
Ở Sài Gòn mấy hôm, ông Tùng lại vội vã quay ra Hà Nội để ghi lại không khí của người dân thủ đô. 600 m phim màu “lịch sử” ấy là những khoảnh khắc luôn ám ảnh nhà đạo diễn, nó luôn thức ngủ cùng ông suốt 40 năm qua.
20 năm sau, năm 1995, đạo diễn Phạm Việt Tùng đã “trả lại sự thật cho lịch sử” bằng bộ phim tài liệu nói về số phận của những người lính xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập sáng 30.4.1975. Bộ phim này đã đưa ông đến vinh quang: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Những thước phim về ngày hòa bình đầu tiên cùng chiếc máy quay phim hiệu Paillard Bolex của Thụy Sĩ luôn là báu vật trong đời cầm máy của ông, dù nó đã là “tài sản” nằm trong Bảo tàng Cách mạng cách đây 8 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.