Ngày thống nhất - Kỳ 5: Qua cầu Hiền Lương

25/04/2015 06:18 GMT+7

Đúng ngày 20.7.1975, tôi qua cầu Hiền Lương cùng nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Mãi sau này mới nhớ ra, đó là ngày 20.7 (trùng với ngày ký Hiệp định Genève - 20.7.1954, chia đôi đất nước và cầu Hiền Lương là ranh giới chia cắt), chứ lúc xe đò cà rịch cà tang chạy qua cầu, tôi với Phục đều không để ý là ngày nào.

Đúng ngày 20.7.1975, tôi qua cầu Hiền Lương cùng nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Mãi sau này mới nhớ ra, đó là ngày 20.7 (trùng với ngày ký Hiệp định Genève - 20.7.1954, chia đôi đất nước và cầu Hiền Lương là ranh giới chia cắt), chứ lúc xe đò cà rịch cà tang chạy qua cầu, tôi với Phục đều không để ý là ngày nào.

Chúng tôi xuất phát từ Huế. Trưa 20.7.1975 thì xe đò chở tôi và Phục chạy qua cầu Hiền Lương (tỉnh Quảng Trị). Bây giờ nghĩ lại, mình tình cờ mà có được một khoảnh khắc kỳ lạ như thế, khi đi qua chiếc cầu là biểu tượng chia cắt đất nước mà cũng là biểu tượng cho ngày thống nhất đất nước.
Đứa con lưu lạc trở về
Sở dĩ hai thằng có chuyến đi chung trở ra Bắc là do tôi... không có tiền. Đi lang thang gần như khắp miền Nam sau giải phóng, nhưng túi tôi không tiền. Anh em bạn bè bao cho cả. Ai rủ đi đâu tôi cũng đi. Ai cho ăn gì, nhậu gì, tôi đều hớn hở đón nhận. Vì thế, khi Nguyễn Khắc Phục rủ: “Tao với mày ra Hà Nội đi!” là tôi OK liền.
Đã tới lúc “đứa con lưu lạc” phải trở về mái nhà cha mẹ rồi. Tôi biết, Phục sẽ bao tôi chuyến đi này, từ tiền mua vé xe đò tới tiền ăn dọc đường. Thực ra, vé xe đò cũng rẻ, còn ăn chả bao nhiêu, vì dạo đó dọc đường xuyên Việt ra Bắc có gì đâu mà ăn! Tôi cũng không nhớ hai thằng tôi đã ăn gì trong hai ngày ngồi xe đò, vì tâm trạng lúc ấy rất khó tả.
Nói vậy, dù lang thang, chúng tôi vẫn còn cha mẹ. Nhất là với tôi, cha mẹ già, con một, tôi lại bỏ đi đã 5 năm rồi. Nói không nhớ cha mẹ thì không đúng. Ở rừng, có những lúc thật buồn, tôi đã khóc một mình khi nhớ về thầy má mình. Và tôi biết, ở nơi xa ấy, thầy má tôi cũng đã bao lần khóc trong đêm. “Những giọt nước mắt đời không thấy”. Không ai thấy hết. Suốt chuyến đi, tôi thì bồi hồi, Phục thì sụt sịt. Không phải anh chàng đa cảm khóc than gì, mà vì anh ta cảm, sổ mũi, nhức đầu.
Bị làm khó vì chiếc radio cũ
Lúc xe đò chạy qua cầu Hiền Lương, cái mà tôi nhớ nhất lại là một chuyện hơi phiền. Số là, vào khoảng năm 1974, nhờ có người quen từ Hà Nội vào chiến trường Nam bộ, thầy tôi (cụ thân sinh) mới gửi cho tôi một chiếc radio Nhật hiệu National, loại xách tay chạy bằng pin, để tôi theo dõi tin tức qua đài, phục vụ cho công việc làm “báo nói” của tôi. Sau này khi trở ra Hà Nội tôi mới biết, ông cụ đã mua lại chiếc radio từ một cán bộ ở chiến trường B2 ra an dưỡng, với giá 600 đồng tiền ngân hàng VN. Hồi đó, là một số tiền lớn, trong khi lương thiếu úy của tôi chỉ là 65 đồng! Nghĩa là giá chiếc radio bằng gần một năm lương của tôi. Đó là một “món quà gửi... ngược” vì chả ai gửi radio xách tay từ Bắc vào Nam cả, mà ngược lại. Tôi đã cắc củm giữ chiếc radio này từ năm 1974 tới sau giải phóng, dù lúc về Sài Gòn, gần như tôi không dùng nó nữa. Nhưng tôi vẫn giữ, như một kỷ niệm với cha mẹ mình.
Thế mà khi mang chiếc radio, món “quà” duy nhất qua trạm kiểm soát ở cầu Hiền Lương, tôi đã bị làm khó. Tôi phải giải thích mãi, đây là chiếc radio nghiệp vụ, lại từ Hà Nội gửi vào, nhưng nhân viên trạm kiểm soát cảm thấy rất khó tin, vì họ không thể nghĩ chiếc radio này lại từ... Hà Nội vào Sài Gòn, rồi bây giờ từ Sài Gòn trở ra Hà Nội như một món quà tình cảm, chứ không phải món hàng mua từ các “chợ giời” Sài Gòn sau giải phóng. Tới khi tôi xuất trình giấy tờ chứng minh làm báo tuyên truyền Binh vận, họ mới cho tôi qua.
Ra tới Hà Nội vào buổi chiều, Phục kéo tôi chạy về khu tập thể Kim Liên thăm ông anh ruột. Sau đó đưa tôi tới nhà đạo diễn Đặng Nhật Minh để mượn cho tôi cái xe đạp. Ông Minh vui vẻ cho tôi mượn chiếc xe đạp Phượng Hoàng, và tôi hớn hở đạp xe về Gia Thượng - Ngọc Thụy - Gia Lâm, Trại nghiên cứu tằm tơ của Bộ Nông nghiệp, nơi thầy má tôi ở từ nhiều năm nay.
Khi đạp xe qua cầu Long Biên, có cảm giác như cây cầu già nua đầy thương tích này bật ùa tới đón tôi, một người quen cũ. Đúng là cách 5 năm về trước, tôi là “người quen” của cây cầu Long Biên, khi gần như hằng ngày tôi đều có dịp đi qua cầu.
Khỏi nói, thầy má tôi đã xúc động và hạnh phúc như thế nào khi thấy tôi về, còn nguyên vẹn, chỉ trông hơi nhếch nhác bụi đời. Sau 5 năm. Với bao biến cố trong một cuộc chiến tranh ở cả hai miền Nam - Bắc. Hóa ra, dù ở Hà Nội, thầy má tôi vẫn “được” đội bom B52, y như con mình ở chiến trường. Đó là vào cuối năm 1972, khi Mỹ dốc toàn lực đánh thẳng vào Hà Nội bằng máy bay ném bom chiến lược B52. Trại tằm nơi thầy má tôi ở vẫn còn mấy hố bom B52.
May mà cả trại không có ai bị thương tích vì bom. Bà con hàng xóm, cơ quan má tôi kéo tới thăm hỏi tôi. Má tôi nhanh nhẹn thịt con gà cho buổi tối sum họp. Bây giờ nghĩ lại, trong tôi vẫn tràn ngập cảm giác ấm áp ấy, khi đứa con xa nhà 5 năm được ngồi bên cha mẹ, được ăn uống dưới ánh mắt yêu thương âu yếm của cha mẹ mình. Và đêm đầu tiên, được ngủ trên chiếc giường đơn quen thuộc. Sau 5 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.