Văn hóa tặng quà cưới

04/01/2010 10:44 GMT+7

(TNTT>) Nhân đọc "Chuyện dài về đám cưới", TNTT>, 3.1.2010 Bàn về đám cưới không thể không nhắc đến chuyện "phong bì". Đây là vấn đề khá nhạy cảm. Đối với một số người nó là chuyện tình cảm bình thường, với một số người khác nó là món nợ, đối với một số khác nữa nó là sự ngao ngán...

Nên tặng gì?

Tôi thấy chuyện mừng cưới bằng phong bì cũng hợp lý, thuận tiện. Thử tưởng tượng nếu mấy trăm khách tham dự mà ai cũng đem theo một món quà, làm sao cô dâu chú rể đem về nổi. Tôi là ví dụ cụ thể đây, có lần đi mua sắm thấy một bộ chén đĩa sứ của Minh Long đẹp quá, lại là loại cao cấp nữa nên tính mua về làm quà cưới cho đứa cháu.

Không ngờ bị cản quá trời, ai cũng bảo thôi đi phong bì cho tiện, tặng đồ sứ lỡ bể thì xui lắm. Vậy là dập tắt ý định. Còn chuyện tại sao phong bì mừng cưới lại trở thành gánh nặng không cần thiết cho nhiều người, tôi thấy cái chính là do chủ tiệc tham khách quá, quen biết thân sơ cũng mời, cốt là để “bù vốn” cho bằng được, dẫn đến các khách mời cũng ngao ngán khi được nhận một tấm thiệp cưới từ người mình không thân thiết.

Sao không tổ chức gọn nhẹ với những thân hữu thôi? Vừa rồi tôi dự đám cưới diễn viên Ngọc Trinh mà thấy rất thích, tiệc cưới sang trọng nhưng rất ít người, chỉ chừng 20 bàn nên không khí ấm áp, thoải mái vô cùng._ Kim Xuân (nghệ sĩ)

Tôi thì không có ý kiến gì về chuyện phong bì mừng đám cưới, vì thấy nó quá quen thuộc rồi. Ai sao thì mình vậy. Ngay từ nhỏ ăn đám cưới của các cô dì chú bác trong gia đình, chuyện phong bì đã trở nên phổ biến, nên tôi thấy cũng bình thường. Không phải chỉ người thường mà cả văn nghệ sĩ cũng vậy, khi đi đám cưới, chúc mừng nhau bằng hiện kim sẽ là hợp lý nhất._Vĩnh Thụy (người mẫu)

Ở Mỹ, cô dâu chú rể thường lên một danh sách những thứ họ cần, để khách tham dự có thể mua tặng. Còn ở Việt Nam, cô dâu chú rể hiếm khi thực hiện việc này nên tôi thấy việc mừng phong bì là chuyện bình thường, để nhân vật chính muốn mua gì thì mua theo ý họ._ Phan An (nhà văn)

Tập quán của các nước

Tặng quà cho các đôi tân lang tân nương là truyền thống ở hầu hết các nước trên thế giới từ xưa đến nay. Ngày xưa, khi đồng tiền chưa thể hiện quyền lực của nó như bây giờ, người ta mừng cưới bằng các hiện vật thiết thực. Ví dụ, ở vùng Trung Á, người ta tặng gia súc; tại các nước đạo Hồi, người ta tặng vải vóc...

Trung Quốc: Không bao giờ tặng đồng hồ

Trước đây, người dân Trung Quốc thường tặng quà mỗi khi đi ăn cưới nhưng hiện tại, người ta thích tặng bao lì xì hơn vì vừa gọn nhẹ, vừa thực tế. Song, dù là tiền hay quà thì người Trung Quốc cũng rất chú trọng đến con số. Cụ thể là, mọi người tránh tặng những món quà liên quan đến số 4, mà chỉ tặng những món quà theo bộ 8. Nguyên nhân là vì số 4 phát âm giống như chữ “tử” hoặc “thất” của “thất bại”, trong khi số 8 có âm đọc gần với chữ “phát” của “phát tài, phát lộc”. Ngay cả lúc mừng bằng tiền trong bao lì xì, người ta cũng bỏ 88 USD, hoặc 880 USD chứ không bao giờ bỏ 44 USD, hoặc 440 USD.

Và cần chú ý rằng, nếu bạn được mời đến dự đám cưới của một cặp đôi người Trung Quốc nào đó, tốt nhất đừng tặng đồng hồ, vì cách phát âm của chữ “đồng hồ” giống với chữ “tạ thế”. Người Trung Quốc cũng rất ngại mặc áo đen trắng khi dự lễ cưới vì đó là màu tang tóc, và chỉ thường mặc trang phục màu đỏ, màu truyền thống trong ngày cưới của đất nước này. Thậm chí, ngay cả bao lì xì cũng phải dùng màu đỏ chứ không thể dùng bất cứ màu nào khác.

Trần Ka

Bây giờ, tặng quà cưới bằng tiền mặt là phổ biến ở mọi nước. Người Nhật gọi phong bì mừng cưới là Oshugi, nếu là bạn thân của cô dâu hoặc chú rể thì số tiền mừng vào khoảng 30.000 yen (250 USD). Nếu không tặng Oshugi thì có thể là một chậu bonsai đại diện cho sự gắn kết và trường tồn, hoặc búp bê Daruma là biểu tượng của sự may mắn hay các thẻ đi ăn ở các nhà hàng sushi, hibachi nổi tiếng.

Nếu ở Việt Nam ta, đặt thùng đựng phong bì cưới bên ngoài phòng cưới để khách nhét tiền vào một cách tự nhiên, ở Nga, một người đại diện sẽ cầm chiếc khay đi từng bàn nhận tiền mừng cưới. Còn người Ý tinh tế hơn ở chỗ cô dâu chú rể phải tặng khách đến dự cưới những món quà nhỏ trước khi họ ra về. Ví dụ như hộp đựng nữ trang, hộp đựng nến... có in tên và ngày cưới của họ hay một CD nhạc mà cô dâu chú rể tuyển chọn để mỗi lần nhìn lại, mọi người sẽ nhớ đến ngày vui này.

Bên phương Tây, tiền là sự lựa chọn phổ biến. Vì nhiều đôi vợ chồng cưới nhau sau một thời gian đã sống chung nên họ đã có đủ vật dụng phục vụ cuộc sống, không cần những thứ quà tặng như vậy nữa. Có nhiều đôi trẻ muốn tiền vì họ thích góp để mua thứ to tát hơn như nhà hay xe hơi, hoặc trả học phí học nốt đại học hay muốn có một tuần trăng mật hoành tráng.

 

Nếu muốn quà là hiện vật thì cách thức tặng và nhận quà của người phương Tây cũng rất thực dụng. Trước khi cưới, đôi trẻ lên một danh sách những đồ vật cần nhận (chủng loại, số lượng, xuất xứ...) rồi gửi danh sách này cùng với danh sách khách được mời đến dự lễ cưới của họ (tên, địa chỉ, số điện thoại...) cho một công ty chuyên phục vụ lễ cưới.

Công ty này có trách nhiệm liên hệ với các hãng bán lẻ để tìm nguồn hàng, tiếp đó họ sẽ gửi danh sách cùng với giá của các món đồ đến nhà từng vị khách được mời dự tiệc cưới (tất nhiên danh sách này không thể đến cùng ngày với thiệp cưới từ cô dâu chú rể). Công ty sẽ đảm bảo rằng từng món đồ đúng theo yêu cầu của cô dâu chú rể. Nếu số quà trong danh mục hết thì khách sẽ đến dự cưới với phong bì tiền.

Nói chung, ở đâu cũng vậy, tiền mặt vẫn là thứ quà tặng tiện lợi nhất cho cả người tặng lẫn người được tặng. Vấn đề là tặng nhằm mục đích chúc đôi trẻ hạnh phúc hay nhân dịp đó để hối lộ nhau. Đây là vấn đề khá nhức nhối ở các nước châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã coi việc tặng quà trong các dịp hiếu hỉ là một “quốc nạn” của họ. Năm ngoái, riêng tiền bỏ phong bao để đi đám cưới, đám ma ở Hàn Quốc đã lên đến 8.000 tỉ won (khoảng 6,9 tỉ USD)...

Trí Dũng

Ý kiến...

Cần một kiểu đám cưới đặc thù Việt Nam

Đám cưới là văn hóa, là tập tục truyền thống của người VN nhưng lại đang bị mai một dần đi. Nhìn cái kiểu tổ chức đám cưới như hiện nay, không ai thấy được đặc thù của một đám cưới VN là như thế nào. Cũng như âm nhạc hiện nay, khi nghe cũng không tìm thấy một giai điệu mang đậm phong cách Việt trong đó, anh thì vay mượn của Hàn, kẻ thì trích của Đài, Trung... Tôi nghĩ chúng ta nên có một công thức chung để tổ chức đám cưới thật Việt Nam, lấy đó làm truyền thống của muôn đời._Triều (thaotrieu@gmail.com)

Tôi ghét nhất là đi đám cưới, vì lúc nào cũng phải chờ đợi. Nguyên tắc của tôi là luôn đúng giờ trong mọi việc, nhưng khi đi đám cưới thì áp dụng nguyên tắc đó lại trở thành kẻ lạc hậu. Chuyện giờ giấc cho đám cưới bây giờ chắc cũng giống chuyện... lô cốt rồi, tôi không tin là có thể giải quyết được!_Trường Thịnh (Q.11, TP.HCM)

Nên có cái nhìn công bằng

Tôi thấy cũng nên công bằng với người nổi tiếng một chút. Chẳng hạn mọi người cứ lên án chuyện đời tư của Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân, sao không nhìn xem họ cũng có nhiều đóng góp lớn cho nghệ thuật đó chứ. Hai bộ phim Dòng máu anh hùng và Bẫy rồng mà họ đóng tôi đã xem và thấy rất thích. Tất nhiên không hẳn là hay nhất, nhưng ở mình làm phim vậy cũng là tiến bộ rồi. Cô Thanh Vân chắc cũng biết sở trường của mình không phải ca hát, nên đã chuyển dần sang điện ảnh, rất đáng khen. Còn hơn nhiều người tôi thấy hát rất dở mà vẫn nhất quyết theo đuổi._Phương Thảo (Q.TB, ptphuongthao…@gmail.com)

Tôi có con đang ở tuổi dậy thì nên tư tưởng rất thoáng, nhưng cũng không chịu nổi tình trạng các bạn trẻ “bỗng dưng thành sao” hiện nay, quá nhiều và quá nhảm nhí. Tự chụp hình nóng đăng trên blog cá nhân, tự thu âm vài bài hát… rồi tự cho mình là hot boy – hot girl, thiệt hết biết. Cũng may thằng con tôi cũng rất sáng suốt, không có chạy theo mấy cô cậu này làm gì._Kim Huệ (Q.12, tranngoc…@yahoo.com)

Nói với ca sĩ Thủy Tiên

Tôi đọc phát biểu ý kiến của ca sĩ Thủy Tiên trên TN TT&GT (2.1.2010) mà thấy bức xúc quá. Là một khán giả, tôi thấy Thủy Tiên cũng tạm được xếp vào hàng “người nổi tiếng” nhưng chuyện trở thành ngôi sao thực thụ theo kiểu “ca sĩ đa năng, thần tượng của giới trẻ” thì chắc còn lâu.

Vì tôi chẳng thấy cô ấy có những tài năng, thành quả nào đặc biệt mà chỉ toàn lên báo lùm xùm chuyện đời tư, hết chiêu PR này tới chiêu PR khác. Sau đó lại trách móc dư luận. Thử đếm xem, cô đã từng công khai tình yêu với Quốc Bảo, rồi yêu tiếp Ưng Hoàng Phúc, lúc thì phủ nhận “tôi và Công Vinh không có gì cả”, vài bữa sau lại “tôi yêu đơn phương Công Vinh”.

Và cuối cùng là phủ nhận hoàn toàn những gì mình đã nói bằng cách tuyên bố “tôi cũng xác nhận là chúng tôi đã yêu nhau từ lâu”, làm khán giả yêu mến cô quá sốc! Nếu Thủy Tiên không tự “tám” chuyện riêng của mình thì lấy ai mà soi mói được. Thông tin do chính mình đưa ra, công chúng quan tâm đến điều đó rồi lại cho rằng dư luận phiền phức. Tôi là khán giả trẻ mà còn không chịu nổi cô ca sĩ này. _Minh Dũng (Q.11, dungsaigon…@yahoo.com.vn)

 Đình Phi (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.