Văn hóa trong gia đình

27/06/2013 05:00 GMT+7

Bây giờ, nhiều người lớn tuổi hay chép miệng khi nói về đề tài này: “Hồi xưa, làm gì có chuyện bình bầu “Gia đình văn hóa mới” rồi cấp bằng chứng nhận đâu, mà sao nhiều gia đình sống chung tới “tứ đại đồng đường” vẫn hòa thuận vui vẻ, kính trên nhường dưới?”.

Gia đình, trong nhiều xã hội trước đây, là một thiết chế khá bền vững. Nhiều khi nó như một “pháo đài” cố thủ chống lại những đổi thay bên ngoài xã hội hay những biến thiên chính trị. Với nhiều người, gia đình là chỗ dựa cuối cùng của họ trước tất cả những bất ổn từ bên ngoài và bên trong. Bởi trong gia đình, người ta có thể tin tưởng nhau. Niềm tin vào nhau khiến con người tìm được chỗ dựa trong cuộc sống.

“Cha mẹ là lá chắn/Che chở suốt đời con” (lời trong một bài hát của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu). Mà muốn là “lá chắn” thì cha mẹ phải sống thế nào, phải lao động và lương thiện ra sao để con cái có thể hoàn toàn yên lòng khi nương dựa vào đó trước khi trưởng thành và tự lập.

Bây giờ, nhiều bậc cha mẹ quan niệm về cái “lá chắn” này một cách khá đơn giản và thực dụng. Lá chắn ấy, theo họ, là tiền bạc, là chức tước, là quan hệ, đủ để con cái mình có thể dựa vào trên con đường tiến thân và thành đạt. Nhiều bậc quan chức đã thể hiện mình là “lá chắn” cho con cái một cách lộ liễu và mạnh mẽ. Khi con còn nhỏ thì chạy trường, chạy điểm, khi con đi làm thì chạy chức, chạy quyền cho con. Những đứa con nhận được “lá chắn” như thế, ta có thể đoán ra ngay “hậu vận” của chúng, cũng như hiểu được những ứng xử nhiều khi kỳ quặc mà chúng thể hiện.

Khi báo chí đưa tin những vụ án, trong đó có những vụ con cái hành xử độc ác, thậm chí sát hại cả cha mẹ, nhiều khi ta chỉ thấy phần tội lỗi ở con cái, mà ít thấy cái căn cốt, có khi lại từ... cha mẹ. Đó là cái giá đau đớn mà cha mẹ phải trả sau những tháng năm hành xử thiếu văn hóa với con cái mình. Văn hóa ở đây không phải được tích hợp do học hành hay bằng cấp. Văn hóa ở đây có cội nguồn từ sự lương thiện, từ lòng nhân ái và khoan dung, những “thiết chế bền vững” của văn hóa ở bất cứ thời đại nào. Sống thiếu lương thiện, sống bất nhân và không biết khoan dung, thì tai vạ sẽ tới. Nhiều khi tai vạ được nuôi dưỡng ở ngay trong nhà mình, ngay từ mình truyền sang cho con cái mình.

Chính trong hoàn cảnh có những bất ổn về đạo đức xã hội như hiện nay, lẽ ra, mỗi gia đình nên cố xây dựng gia đình mình, không phải trở thành một “gia đình văn hóa mới”, mà thành một “pháo đài - gia đình” sống theo những giá trị đạo đức truyền thống của người Việt.

Người Việt có đạo thờ cúng tổ tiên ông bà, cái đạo ấy chỉ nhằm nhắc nhở con cháu sống có thủy có chung, biết kính trên nhường dưới, biết nhớ công ơn tổ tiên ông bà cha mẹ, biết giữ tiếng thơm cho gia đình. “Đói cho sạch, rách cho thơm”, đó chính là nền tảng đạo đức và văn hóa trong gia đình. Dù không ai muốn đói rách. Dù vươn lên một đời sống khá giả, giàu có là khát vọng chính đáng, là động lực phấn đấu của mỗi con người và mỗi gia đình. Nhưng nếu trong khi thực hiện khát vọng ấy ta để tụt mất hai chữ “thơm” và “sạch”, thì sự thành công sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.