Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt: Ăn bánh vẽ bạc lê vẽ sứa…

12/12/2021 08:00 GMT+7

Miền Nam thuở xưa có câu ca dao thiệt hay, nhưng lại không dễ hiểu:

Bạc lê vẽ sứa em giận đứa măng tơ

Thằng gì mà nghi ngại bá vơ

Sài thành em dạo cảnh, nó nghi ngờ em bán duyên

Sài thành tức Sài Gòn. “Vẽ sứa” nghĩa là gì? Bèn rị mọ, lật từng trang từ điển đặng tìm hiểu, nhưng rồi cũng đành bí rị bà rì. Thôi thì, ta thử đoán xem. Vẽ là dùng màu sắc nhằm thể hiện những đường nét gì đó trên nhiều thể loại khác nhau như giấy, vải, gỗ, tường… Thế nhưng, vẽ lại còn là từ đồng âm dẫn đến nhiều nghĩa khác. Thí dụ, trong bữa cơm đầu năm mới, người mẹ bảo: “Út, con vẽ cá rẽ xương cho khéo nhá”. Ủa, cả nhà cùng ngồi vào mâm cơm thì còn vẽ vời gì nữa? Đúng thế, vì vẽ trong ngữ cảnh này chính là tẽ, làm cho rời ra, tách ra, lìa ra, xắn ra, tách bạch phần cá ra cá, phần xương ra xương, đâu ra đó, không lẫn lộn nạc và xương, có như thế mới dễ gắp, ăn không sợ xương mắc cổ họng. Rẽ cũng là động tác tương tự:

Trách ai đem khóa rẽ chìa

Vu oan giá họa, mình lìa tôi ra

Rồi trong lúc cùng ngồi ăn, ông bố hỏi: “Út, chuyện tổ chức đám cưới của con thế nào rồi?”. Cậu con trai ngần ngừ một lát rồi thưa: “Dạ, bên đàng gái vẽ khiếp”. A, bố mẹ của người vợ sắp cưới là họa sĩ chăng? Họ hào hứng với cuộc hôn nhân này nên ngày đêm tranh thủ vẽ tranh đặng trang hoàng trong lễ cưới chăng? Không đâu. Vẽ ở đây là bày đặt ra thêm nhiều thứ không cần thiết, chỉ gây phiền toái, nếu không có thêm thì cũng “chẳng chết thằng Tây đen” nào. Vẽ thêm, rách việc, tốn kém lắm.

Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa cho biết: “Họa bính bánh khéo vẽ nên”

Còn khi đọc Lục súc tranh công, ta gặp câu:

Gà không ai chăm sóc vẽ vơi

Cho nên gà mới lỗi lầm bươi móc

Sai morat chăng? Phải vẽ vời mới đúng chứ? Không đâu, “Vẽ vơi: Chỉ biểu, dạy biểu phải làm thế nào”, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích. Nay, vẽ vơi không còn phổ biến nữa, dẫu là trong tự điển.

Với từ vẽ, ta có thể thấy nó xuất hiện trong nhiều câu cửa miệng như “Vẽ cọp giống chó”, “Vẽ hùm thêm cánh”, “Vẽ rắn thêm chân”, “Vẽ mây nẩy trăng”, “Vẽ rắn nên giun”, “Vẽ nhọ bôi hề”… Không chỉ nói về động tác vẽ mà còn sử dụng để hiểu theo nghĩa bóng, chẳng hạn, một người bực bội: “Vẽ mày vẽ mặt cho cậu là một tay tôi, thế mà nay cậu ăn cháo đá bát à?”. Vẽ ở đây không phải trang điểm, dặm phấn tô son trên gương mặt, kẻ lông mày cho ai đó mà bằng quyền lực, vị trí, tài chánh nọ kia đã làm cho ai đó nên danh phận, có tăm có tiếng. Nói cách khác, ai đó đã được người này nâng đỡ, cân nhắc từ vị trí này sang vị trí khác, ngon hơn, dù tài cán không có gì.

Nhân bàn đến từ vẽ, xin hỏi nhỏ, có ai đã từng được ăn bánh vẽ chưa? Hình thù, mùi vị của nó ra làm sao? Không rõ, chỉ biết Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có ghi nhận:

Họa bính bánh khéo vẽ nên

Sĩ có tài hiền ai chẳng biết tên

Đích thị là bánh vẽ trên giấy. Ăn đi nào.

Hãy xem các tự điển giải thích thế nào về bánh vẽ. “Bánh vẽ: Cuộc dối giả, chữ gọi là họa bính” (Đại Nam quấc âm tự vị). “Họa bính: Cái bánh vẽ, vẽ ra cái bánh để nhìn cho đỡ đói. Chỉ sự hứa hẹn, thiếu thực tế, cốt để lừa dối” (Hán - Việt tân từ điển - Nguyễn Quốc Hùng). Học giả Đào Duy Anh lại dùng từ “bính sung cơ”, bính là “bánh làm bằng bột”, sung cơ có nghĩa là “chất vào ruột cho đỡ đói”; và giải thích: “Bính vẽ để nhìn cho đỡ đói. Có hư danh mà không thực ích”.

Rõ ràng, bánh vẽ chỉ là lời hứa suông, hoặc hứa hẹn vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp, một tấc đến trời nhưng rốt cuộc “Ba voi không được bát nước xáo”; hoặc đưa ra cái gì đó bề ngoài hào nhoáng, tốt đẹp “hết sẩy con bà Bảy” khiến người ta nghe/ xem sướng rêm đến độ ngất trên cành quất nhưng tương lai lại hoàn toàn không có gì sất, chỉ nhằm lừa bịp. Vâng, đó chính là bánh vẽ. Thì đấy, cái bánh đó được vẽ trên giấy. Ăn đi! Ăn có mà… gãy răng.

Vẽ là tiếng Việt chuyển gốc Hán - Việt: vẽ < họa, do đó, đôi lúc, nếu cần, người ta sử dụng từ họa: “Thăng Long Hà Nội đô thành/Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ/Cố đô rồi lại tân đô/Nghìn năm văn vật bây giờ là đây”. Họa đồ là bức tranh vẽ. Ca dao miền Nam có câu này cũng hay quá: “Mảng coi trong giấy thấy hình/ Khen ai khéo họa hai đứa mình đứng chung”. Mảng là chú ý vào một việc gì đó. Tất nhiên, họa còn đồng âm với nhiều nghĩa khác nữa nhưng ta không bàn ở đây.

Trở lại với câu ca dao: “Bạc lê vẽ sứa em giận đứa măng tơ”. Đây là câu có chêm tiếng Pháp, một kiểu nói ba rọi, nửa nạc nửa mỡ ra đời trong buổi giao thời Pháp - Việt, bạc lê - parler: nói; măng tơ - menteur: kẻ nói láo, nói dối. Thế thì, nói “vẽ sứa” cũng na ná như “măng tơ”, tức là láo toét, nói chuyện không hề có, chỉ suy diễn, chẳng chứng cứ gì. Có điều, ta không rõ, sứa ở đây có phải là loại hải sản hay không?

Nếu thế, “vẽ sứa” xuất hiện trong ngữ cảnh này, tương tự như cách nói “Vẽ rồng, vẽ rắn”; “Vẽ chân rắn, giặm lông lươn”… là nói thêm thắt, bịa đặt, dựng chuyện nhằm bôi nhọ ai đó. Lập luận này hợp lý quá đi chứ? Dù nghĩ thế, quả quyết là thế, nhưng có điều tôi vẫn chưa lý giải được vì sao xưa nay vẽ sứa/nói vẽ sứa lại không ghi nhận trong từ điển tiếng Việt? Hoặc giả, đây cũng là từ vay mượn từ tiếng Pháp như bạc lê, măng tơ? (còn tiếp)

(Trích Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.