Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt: Tặc-zăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng !

10/12/2021 06:20 GMT+7

Đạo học ngày nay đã chán rồi, Mười người đi học, chín người thôi. Cô hàng bán sách lim dim ngủ, Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi.

Ấy là câu thơ của ông Tú Xương viết trong hoàn cảnh chữ Quốc ngữ trên đà thắng thế; chữ Hán, chữ Nôm đang dần dần kết thúc “vai trò lịch sử” trong hệ thống nước Nam. Thời ấy, mẫu tự Z đã xuất hiện trong bảng chữ cái chưa? Khó trả lời quá nhỉ. Thôi thì, xin hỏi câu này, này bạn ơi, có phải niềm hạnh phúc, sung sướng nhất của lũ chúng ta “Được ăn được ngủ là tiên”? (…) Nhưng rồi nếu đêm hôm khuya khoắt, đang ngủ ngon lành sau một ngày mệt nhọc, nếu có ai quấy rầy thì sao? Ắt bực bội lắm đây. Cau có lắm đây. Vậy mà, nào dám bực bội, nào dám cau có khi nghe bé nhóc cất tiếng óe òe oe. Lại còn tự an ủi bằng cách nhìn ở góc độ tích cực cho nhẹ lòng, đại khái tiếng khóc ấy cũng vui tai, chẳng khác gì giai điệu nhộn nhàng đã nghe, đã hát - nhại theo giai điệu ca khúc Ce n’est qu’un au revoir từ thời thò lò mũi xanh: “Tò te cây me đánh đu/Tặc-zăng nhảy dù/Zô-rô bắn súng/Chết cha con ma nào đây/Thằng Tây hết hồn/Thằn lằn cụt đuôi”.

Trong Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của A.de Rhodes mẫu tự Z chưa xuất hiện

TƯ LIỆU

Vậy, tự lúc nào, Z hiên ngang đi vào từ điển tiếng Việt?

Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam (NXB Hiện Tại - 1959) của L.M Nguyễn Hồng cho biết năm 1651, với Từ điển Việt-Bồ-La A.de Rhodes (Đắc Lộ) đã có đóng góp: “Lần đầu tiên tiếng Việt được đem ra học hỏi theo lối văn phạm và so sánh với nhiều ngôn ngữ Á Đông và Tây phương, 23 mẫu tự La ngữ được dùng để phiên âm tiếng Việt, trừ những chữ Z, J, F được thay thế bằng GI, D, PH. Về tử âm cha Đắc Lộ đã sáng kiến ra hai mẫu tự mới β và Đ. Chữ β đọc giữa chữ B và V. Còn chữ Đ thì hoàn toàn là một sáng kiến mới, còn giữ mãi cho đến ngày nay. Về mẫu âm, cha đã đặt ra những chữ Ă, Â, Ô, Ơ, Ư” (tr.287). Rõ ràng, trong tiếng Việt thế kỷ 17, Z chưa hề xuất hiện.

(…) Như đã biết, trong tiếng Việt chỉ có 29 chữ cái, bắt đầu từ A và kết thúc Y. Thế nhưng người Việt đã mượn Z - con chữ cuối cùng của bảng chữ cái Latin, nhằm phiên âm tiếng nước ngoài và ghi ký hiệu có tính quốc tế. Đại từ điển tiếng Việt (1999) của Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam chỉ ghi nhận: zê-rô (zero), zê-ta (zeta), zích-zắc (ziczac) và Zn - ký hiệu hóa học của nguyên tố kẽm (zinc).

Sự lý thú của câu cửa miệng “Từ A đến Z” là bắt nguồn từ bảng ký hiệu của chữ cái. Một khi nghe ai sử dụng cụm từ đó, ta có thể hiểu là sự việc đó sẽ được diễn ra theo trình tự - từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Chẳng hạn, một chàng trai “thả thính”: “Yên tâm đi, lúc nào em đám cưới, anh giúp cho em từ A đến Z” - tức giúp tất tần tật, không thiếu thứ gì, từ “Giúp em một thúng xôi vò/Một con lợn béo, một vò rượu tăm/Giúp em đôi chiếu em nằm/Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo”; đến cả “Giúp em quan tám tiền cheo/Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau”. Giúp như vậy “trọn gói”, không chê vào đâu được. Có phải chàng trai trong ca dao hào phóng, có nhã ý giúp cho cô nàng? Không, chỉ là một cách “khoe hàng”, ngụ ý nếu đám cưới với anh ta thì việc chuẩn bị lễ cưới đâu vào đó, đầy đủ “từ A đến Z”, không gì phải lăn tăn.

Có lẽ nhà văn Nguyễn Công Hoan là người trước nhất đem zéro/dê rô vào tác phẩm văn học chăng? Năm 1942, khi viết vở kịch Tấm lòng vàng, ông cho nhân vật Đức có biệt danh “vua zéro” vì thường xuyên không thuộc bài, luôn bị thầy cho điểm 0 (…).

Cùng âm dờ/zờ nên “đôi bạn cùng tiến” Z và D đôi lúc có thể hoán đổi cho nhau, không ai bắt bẻ gì. Một khi viết/nói Tặc-dăng hay Tặc-zăng thậm chí Tặc giăng cũng đặng. Do đó, không phải ngẫu nhiên trong quá trình cải cách chữ Quốc ngữ, đã từng có học giả đề nghị sử dụng Z thay D; không dừng lại đó, có ý kiến “triệt để” hơn đòi thay luôn cả GI, chẳng hạn, “giăng” có thể viết “dăng”, vậy sao không thay quách bằng “zăng” cho nó gọn (!). Có phải tôi bịa ra chi tiết này? Thưa không, nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, xin tìm đọc quyển Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ của Viện Văn học, Ủy ban Khoa học Nhà nước (NXB Văn hóa, 1961) thì rõ.

Đại khái, theo tài liệu của nhà từ điển học Hoàng Phê, trước hết phải kể đến Le Grand de la Liraye, trong quyển Từ điển Việt - Pháp in tại Sài Gòn (1868), ông đề nghị nhiều thay đổi, trong đó “D thay cho Đ, Z”…, tức loại bỏ Z. Rồi một sự kiện đầu tiên quan trọng nhằm cải cách chữ Quốc ngữ có quy mô lớn, đó là Hội nghị quốc tế khảo cứu về Viễn Đông lần thứ nhất, họp tại Hà Nội vào cuối năm 1902. Hội nghị này đã cử ra Tiểu ban Chữ viết ghi âm, gồm 9 người, chỉ có một người Việt là Tổng đốc Hoàng Trọng Phu. Với nhiều cải tiến được đặt trên bàn hội nghị đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa, cuối cùng cũng chẳng nên cơm cháo gì.

Đến năm 1906, vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ lại được nêu ra, đó là các cuộc họp tại Hội đồng cải lương học chính của chính phủ Pháp tại Đông Dương. Đứng đầu tiểu ban là nhà giáo Edmond Nordemann, trong đó lại có kiến nghị: “Dùng D thay cho Đ; Z thay D, và J thay cho GI (gia, viết ja)”… Chưa hết, thân phận mẫu tự Z còn được bàn đi bàn lại chán chê. Chẳng hạn, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuối năm 1946, Ban chuyên môn Bình dân học vụ T.Ư đã soạn thảo văn bản cải cách chữ Quốc ngữ, trong đó, “dùng Z thay cho D và D thay cho Đ”...

Dù bàn luận, cải cách thế nào đi nữa, như một lẽ tự nhiên phù hợp với quy luật vận động ngôn ngữ, đến nay Z cứ vẫn là Z.

Dù vẫn biết, D và Z có thể hoán đổi nhau nhưng lại có lúc cả hai phải “dính chùm” cho bằng được. Khi một người Nam bộ bảo: “Nói dzậy mà hổng phải dzậy” thì mặc nhiên phải viết “dzậy”, chứ nếu viết dậy/zậy thì chưa phản ánh đúng tinh thần nhấn mạnh có tính hài hước, bông lơn của từ “dzậy”. “Dzậy” đúng là/hiểu là “vậy” - nhưng ở đây ghi theo cách phát âm của người Nam bộ, và dần dần được các vùng miền khác chấp nhận. (còn tiếp)

(Trích Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.