20 năm bước tiến Việt - Mỹ - Kỳ 6: Quan hệ VN - Mỹ đã chín muồi

11/07/2015 07:06 GMT+7

Nhà ngoại giao kỳ cựu của VN là bà Tôn Nữ Thị Ninh có những đánh giá thẳng thắn và sắc sảo về quan hệ VN - Mỹ trong 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Nhà ngoại giao kỳ cựu của VN là bà Tôn Nữ Thị Ninh có những đánh giá thẳng thắn và sắc sảo về quan hệ VN - Mỹ trong 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Năm 2005 đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ VN - Mỹ. Ảnh: NV cung cấpNăm 2005 đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ VN - Mỹ. Ảnh: NV cung cấp
Đối với người từng giữ chức Đại sứ của VN tại EU, mỗi thập niên trong 20 năm từ khi bình thường hóa quan hệ VN - Mỹ đều có những mốc sáng, mang ý nghĩa đặc biệt.
Đã thật sự cởi mở và thẳng thắn
Trong giai đoạn 1995 - 2005, ngoài việc thiết lập quan hệ ngoại giao và mở đại sứ quán ở hai nước, bà Ninh cho hay điều đáng chú ý nhất chính là chuyến thăm VN mang tính biểu tượng lớn lao của Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 2000. Kế đến là sự tăng cường hợp tác giữa VN - Mỹ trong việc tìm kiếm hài cốt của lính Mỹ mất tích. Thứ ba, trong giai đoạn này, phía Mỹ cũng nêu tương đối mạnh mẽ những vấn đề về nhân quyền và tự do tôn giáo.
Giai đoạn 10 năm sau được khởi đầu bằng chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải vào năm 2005. Bà Ninh cũng đã tháp tùng đoàn trong chuyến thăm này, cho nên hiểu rất rõ về những chuyển biến và mức độ ảnh hưởng của chuyến thăm đối với quan hệ hai nước. “Đây là cột mốc khởi đầu cho những bước tiến mới”, bà Ninh nhấn mạnh.
Về kinh tế, rất rõ ràng là ngay năm sau (2006), Mỹ đã cấp Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho phía VN vào tháng 12.2006. Chỉ một tháng trước đó, VN đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC, và đón Tổng thống George W.Bush đến VN. Do vậy, giai đoạn 2005 - 2015 có thể nói là thời điểm sung mãn về quan hệ kinh tế - thương mại của hai bên.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cần phải lưu ý một nét mới. Nếu như trong thập niên trước, phía Mỹ cứ liên tục đưa ra những vấn đề của mình và phía VN cứ hợp tác giải quyết, thì thập niên sau, đến lượt VN nêu hậu quả của chất độc da cam dioxin để lại sau chiến tranh khi bà Ninh là đồng chủ tịch nhóm đối thoại VN - Mỹ về chất độc da cam năm 2007 - 2008. “Như vậy điểm mới là phía Mỹ phải chấp nhận đưa vấn đề này vào nội dung các chương trình trao đổi song phương và dần dần tiến tới việc nêu tại quốc hội. Điều này nói lên sự chín muồi trong quan hệ hai nước, vì khi bắt đầu tin cậy nhau hơn, hai bên cảm thấy cần trao đổi thẳng thắn hơn”, bà Ninh nhận định và nói: “Trước kia, Mỹ là phía chủ động nêu lên mong muốn của họ, trong khi VN vẫn cân nhắc bộc lộ những mong muốn của mình”.
Đồng thuận từ lưỡng đảng Mỹ
Bên cạnh kinh tế, nội dung và mức độ đối thoại - hợp tác về an ninh quân sự trong quá trình phát triển quan hệ hai nước đang ngày càng đa dạng hơn, rộng hơn và sâu hơn. Điều này thể hiện qua vai trò ngày càng quan trọng hơn của VN trong khối ASEAN. Vào năm 2010, với vai trò Chủ tịch ASEAN, VN chủ động đề xuất tổ chức Hội nghị bộ trưởng quốc phòng mở rộng (AMM Plus). Theo đó, ngoài các bộ trưởng quốc phòng trong khối, lần đầu tiên hội nghị chào đón các bộ trưởng quốc phòng những nước lớn trong khu vực. Nói cách khác, chính VN chủ động thúc đẩy đối thoại về an ninh khu vực, đồng thời “thu hút” Mỹ, Úc, New Zealand.
Thứ hai, VN có quá trình hội nhập tích cực trong việc đóng góp duy trì và củng cố trật tự đa phương, thể hiện qua quyết định tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Gần đây VN được bầu làm Chủ tịch của Hội đồng Thống đốc của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ở Vienna, Áo, vào năm 2013. “Nói cách khác, mối quan hệ giữa VN - Mỹ đã trở nên đa dạng hơn và sâu hơn về quốc phòng, nhưng đồng thời nó cũng được bao bọc thêm bởi những hoạt động đa phương của VN nhằm xây dựng lòng tin cậy lẫn nhau”, theo bà Ninh nhận định.
Về quan hệ VN - Mỹ trong tương lai, trong bối cảnh nước Mỹ sắp bước vào kỳ bầu cử tổng thống vào năm sau, bà Ninh cho biết rất may là đã có vai trò thúc đẩy bình thường hóa, cải thiện và mở rộng quan hệ của những chính khách từng là cựu chiến binh tại VN. Trong đó, hai cựu chiến binh nổi bật là ông John Kerry và ông John McCain thuộc 2 chính đảng của Mỹ. Cho nên chủ trương thúc đẩy quan hệ là chính sách đồng thuận của cả hai đảng. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình Đông Á và Biển Đông hiện nay, bà Ninh nhận định rằng dù ai trở thành tổng thống Mỹ sắp tới đây, thuộc phe Cộng hòa hay Dân chủ, chính sách về VN vẫn nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.