|
Đầu năm 1970, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu mỹ thuật trong nước được tiếp cận với tranh quý. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - khi ấy là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN - đã cùng các chuyên gia phòng nghiên cứu như Thái Hanh, Nguyễn Thiện, Nguyễn Đức Năng, Thái Bá Vân… đến xem tranh. “Toàn bộ bức tranh toát lên cuộc sống dè dặt của một thầy đồ bất đắc chí. Bức tranh vẽ dang dở, phần bên trái mới đi nét chưa phủ màu. Nhưng chính cái dang dở này đã làm sáng rõ một phương pháp sáng tác với cách dựng hình cân đối cổ điển. Vẽ màu dầu nhưng mặt tranh bóng như lụa, không gợn một vệt bút lông”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nhớ lại. Theo bà Nguyễn Hải Yến, bức Bình văn có thể được coi là bức tranh sơn dầu đầu tiên của VN.
|
Người giữ bức tranh không đề tên tác giả này là cụ Nguyễn Đình Chữ và con trai Nguyễn Mạnh Quân (giảng viên Khoa Điêu khắc Trường CĐ Mỹ thuật công nghiệp) cùng cho biết đây là tranh do họa sĩ Lê Văn Miến vẽ. Các nhà nghiên cứu cũng nhận định bức tranh được vẽ từ cách đây hơn một thế kỷ, ứng với thời điểm họa sĩ Lê Văn Miến từ Pháp trở về VN sau khi kết thúc khóa học tại Trường Mỹ thuật Paris (École des Beaux Arts de Paris). Căn cứ vào thời gian bức tranh được vẽ, nhiều nhà nghiên cứu khi đó nhìn nhận chỉ có họa sĩ Lê Văn Miến là người tiếp nhận phong cách hội họa nước ngoài, trùng với phong cách vẽ của bức Bình văn. Bởi vậy, Bảo tàng Mỹ thuật VN đã mua lại bức tranh với giá 650 đồng và đề tên tác giả Lê Văn Miến (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, lương của bà lúc đó khoảng 74 đồng/tháng).
Bức tranh minh họa của họa sĩ người Pháp ?
Hiện có giả thiết cho rằng tác giả của bức tranh không phải là họa sĩ Lê Văn Miến. Tranh luận bắt đầu từ khi bức ảnh giống y bức tranh Bình văn xuất hiện tại cuộc triển lãm trưng bày một phần bộ sưu tập ảnh của toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1895 - 1896 là Armand Rousseau tại Thư viện Quốc gia VN (Hà Nội) vào đầu tháng 5 vừa qua. Bức ảnh này do ký giả người Anh có tên Alfred Cunningham chụp trong chuyến đi tới Hà Nội vào những năm 1900. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì người ta hoàn toàn có thể cho rằng họa sĩ Lê Văn Miến đã vẽ theo bức ảnh, giống như cách ông đã thực hiện ở nhiều tác phẩm khác. Tuy nhiên, giả thiết càng thêm cơ sở khi người ta phát hiện ra một bức tranh minh họa cũng được vẽ theo bức ảnh chụp của Alfred Cunningham nhưng do họa sĩ người Pháp thực hiện. “Đó là bức tranh minh họa trường học người An Nam của họa sĩ Pháp Albert Cézard, người chuyên minh họa cho báo chí ở Đông Dương cuối thế kỷ 19 và cùng làm ở nhà in Schneider với họa sĩ Lê Văn Miến”, họa sĩ - nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông cho biết. Bên cạnh đó, ông Thông đưa ra một số tác phẩm của Albert Cézard cũng được vẽ theo ảnh chụp.
|
Mặt khác, bức Bình văn có kỹ thuật vẽ hoàn toàn khác với những tác phẩm như bức chân dung cụ Lê Hy và Tú Mền đã tìm thấy của Lê Văn Miến. Cụ thể, bức Bình văn có xuất xứ rất mù mờ, bên cạnh đó kỹ thuật và phong cách vẽ bức chân dung cụ Lê Hy và chân dung cụ Tú Mền là kỹ thuật và phong cách vẽ trực tiếp, khác hẳn kỹ thuật và phong cách vẽ nhiều lớp trong bức Bình văn. Bình văn chỉ là một bức vẽ lót còn dang dở, màu dùng để chặn các mảng rất mỏng, ranh giới giữa các màu cục bộ rõ và sắc, hoàn toàn khác các mảng impasto (vẽ đặc), và các contour (đường viền) hòa vào nền trong chân dung hai cụ nói trên. Các nét can hình được gò theo đúng lỗ châm kim, về hình họa không bằng hai bức cụ Tú Mến và cụ Lê Hy. Cách giải quyết sáng tối cũng khác. “Tôi cho rằng chưa đủ cơ sở chắc chắn 100% bức Bình văn là của họa sĩ Lê Văn Miến”, nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông nhìn nhận. Cùng với việc cho rằng Bình văn được vẽ theo một tấm ảnh, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cũng bày tỏ rất khó để đoán định tác giả của bức tranh này.
Về giả thuyết này, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến nói: “Cần đặt bức tranh vào bối cảnh lịch sử để thấy khó có thể ai khác ngoài Lê Văn Miến đã vẽ. Bức tranh được vẽ theo phong cách cổ điển mẫu mực, cân xứng theo tỷ lệ hội họa phương Tây thế kỷ 19. Ngoài ra, gần 30 năm nay tôi thắc mắc vì sao trong tranh tấm phản nhóm học trò ngồi có màu trắng dày dặn như bê tông. Hóa ra đó là hai tấm chiếu trắng trải ngang che hết thành phản, họa sĩ đã vẽ như thực. Đó là cái tài đặc biệt của họa sĩ Lê Văn Miến mà ta có thể thấy trong nhiều tác phẩm khác”.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp, cháu của họa sĩ Lê Văn Miến, thì cho rằng: “Rõ ràng bức tranh không có chữ ký của họa sĩ Lê Văn Miến. Hiện tại chúng ta cũng chưa xác minh được hoàn toàn có phải là tranh của cụ hay không. Nhưng đến nay cũng chưa có luận cứ khoa học nào có thể bác lại lập luận của ông Thái Bá Vân và ông Nguyễn Đỗ Cung”.
Ngọc An
>> Ông “vua” sơn dầu
>> Đằng sau bức sơn dầu lớn nhất Việt Nam
>> Vẽ tranh sơn dầu trên Desktop với ArtRage
Bình luận (0)