Dự án gồm 18 tác phẩm của họa sĩ Trần Thanh Cảnh đã vượt qua 300 dự án khác và sẽ triển lãm vào tháng 9.2019 tại Melbourne (Úc). Huyền thoại Mị Nương còn được ban tổ chức xếp vào danh mục 5 dự án xuất sắc nhất.
5 năm trăn trở đi tìm bản sắc văn hóa
Là người thích tìm hiểu và đam mê lịch sử, họa sĩ Trần Thanh Cảnh nhận ra rằng truyền thống của người Việt được đúc kết qua những câu chuyện truyền từ đời này qua đời khác. “Ở chừng mực nào đó, tôi nhận ra đó là cách thế hệ trước dạy thế hệ sau về ứng xử, quan niệm sống… Với tư cách là một họa sĩ, tôi đặt ra vấn đề cần đưa những điều này vào tác phẩm của mình như thế nào?”, Trần Thanh Cảnh nói.
Anh chia sẻ: "Xem một bức tranh sẽ giải quyết được vấn đề thị giác, nghe một ca khúc thì giải quyết được vấn đề thính giác… Tôi muốn người thưởng lãm khi bước vào không gian triển lãm của mình thì tất cả các giác quan phải được đánh thức và lĩnh hội tác phẩm từ nhiều chiều. Từ những trăn trở ấy, tôi nghĩ: Mình phải làm những tác phẩm vừa có tính truyền thống, vừa có thủ pháp đương đại. Tính truyền thống nằm ở nội dung, thủ pháp đương đại nằm ở hình thức của tác phẩm. Ý tưởng về dự án
Tales of Legends được hình thành và thực hiện trong vòng 5 năm”.
Trong quá trình sáng tác, anh nhận ra các tác phẩm của mình dù có phong cách riêng biệt nhưng vẫn thiếu tính bản sắc. "Tính bản sắc là một yếu tố quan trọng trong một tác phẩm nghệ thuật vì nó cho công chúng biết rằng người nghệ sĩ đó đến từ đâu”, họa sĩ Trần Thanh Cảnh chia sẻ thêm về lý do anh chọn yếu tố văn hóa truyền thống để thực hiện trong dự án
Tales of Legends.
|
Nhận xét về dự án này, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nói: “Tài năng của Trần Thanh Cảnh thể hiện trong lĩnh vực hội họa, thiết kế thời trang, giảng dạy và lý luận. Tôi tin rằng tác giả trẻ này có thể tiến xa hơn nữa trên con đường sáng tạo nghệ thuật vì bản thân và cộng đồng”.
|
|
|
|
18 tác phẩm thuộc dự án được họa sĩ Thanh Cảnh giả định là những vật phẩm được tìm thấy tại hầm mộ của các công chúa 18 đời Vua Hùng như áo choàng, trang phục đính cườm và đồ trang sức. Qua những vật dụng đó, anh phục dựng lại chân dung của các Mị Nương. Anh cho biết hình tượng “Mị Nương” đại diện cho người phụ nữ Việt Nam. Người họa sĩ tư duy bằng hình ảnh nên khi nói đến “Mị Nương” họ sẽ hình dung về một cô gái đẹp thời Việt cổ, còn một người làm thời trang sẽ nghĩ đến trang phục của cô gái vào thời ấy ra sao. Là một nghệ sĩ trẻ với thủ pháp sáng tạo không gò bó nên anh muốn kết hợp những gì mình am hiểu từ nhiều năm qua trong lĩnh vực hội họa, thời trang vào tác phẩm.
Thông thường tranh được thể hiện trên một mặt phẳng như giấy, canvas, gỗ… riêng họa sĩ Trần Thanh Cảnh vẽ... hộp tranh. Anh nói: “Mỗi bức tranh là một cái hộp với lớp ngoài cùng bằng chất liệu lụa, nhưng tôi không vẽ lụa theo lối truyền thống là biểu qua giấy mà để trong để có thể nhìn xuyên thấu qua những lớp sau. Những lớp sau được xử lý bằng họa tiết thêu hoặc đính cườm… sau cùng sẽ là tranh vẽ. Nhìn từ xa sẽ là một bức tranh lụa, nhưng khi đến gần người thưởng lãm sẽ thấy bức tranh lụa nổi lên trên, nhìn sâu vào trong thì có thêm một bức tranh nữa. Thủ pháp này ngụ ý rằng những câu chuyện truyền thống của ông bà ẩn chứa nhiều ý nghĩa khác nhau. Để thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, người ta phải lắng lòng lại và nhìn sâu vào bên trong chứ không thể chỉ nhìn thoáng qua trên bề mặt”.
Mỗi tác phẩm sẽ là một bộ gồm tranh và các hiện vật “chiết xuất” từ hình ảnh trong tranh như một bộ trang phục, trang sức, mũ của các Mị Nương. Như vậy các tác phẩm trong triển lãm vừa giải quyết đuợc vấn đề thị giác vừa đáp ứng cả vấn đề xúc giác cho người thưởng lãm.
Không có chuyện xin - cho vì có tiêu chí rất rõ ràng
Chương trình tài trợ nghệ thuật của thành phố Melbourne (Úc) dành cho mọi nghệ sĩ trên toàn thế giới. Ông Rohan Leppert - Chủ tịch hội đồng Nghệ thuật, Văn hóa và Di sản thành phố Melbourne, Úc cho biết các khoản tài trợ sẽ mang đến một sự thúc đẩy lớn cho các nghệ sĩ để khám phá những ý tưởng sáng tạo và đưa ra những tuyên ngôn mới.
Kể về quá trình đưa dự án của mình đến với chương trình này, họa sĩ Trần Thanh Cảnh cho biết: “BTC có nhiều tiêu chí để đánh giá và chọn lựa, cân nhắc dự án này sao lại hơn được dự án kia, như: tính an toàn trong dự án, bảo vệ môi trường trong chất liệu, giải quyết vấn đề việc làm, vấn đề sắc tộc, bình đẳng giới…. Bên cạnh những tiêu chí về sáng tạo, tính thẩm mỹ trong tác phẩm”.
|
|
Bà Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho biết: “Để xin được tài trợ không phải là điều dễ dàng bởi dự án phải đáp ứng được các tiêu chí mà ban tổ chức của chương trình đề ra. Các tiêu chí của họ rất rõ ràng chứ không hề mơ hồ, nên nếu không đủ yêu cầu thì sẽ chẳng bao giờ họ tài trợ cho mình. Dự án Tales of Legends của Thanh Cảnh rất hay, lại gắn liền với truyền thống văn hóa nên rất đáng để khuyến khích và ủng hộ”.
|
|
|
Ngoài việc đáp ứng được các tiêu chí trên, họa sĩ còn phải trả lời câu hỏi: “Những người được thụ hưởng của dự án này là ai?”. Với một dự án phi lợi nhuận, câu hỏi này có thể có cách trả lời đơn giản hơn một dự án nghệ thuật. “Mình cũng có thể nói rằng người được thụ hưởng là công chúng đến xem triển lãm. Nhưng điều đó thiên về yếu tố tinh thần, vậy còn yếu tố vật chất nằm ở đâu? Bởi khi họ đầu tư cho tôi thì họ phải biết đồng tiền đó đang chảy đi đâu và đồng tiền đó đã và đang giúp được những người nào nữa. Dự án của tôi còn hỗ trợ những nghệ nhân đã về hưu. Như trong tác phẩm sẽ có vài chỗ thêu, một vài chỗ đính kết… được thực hiện bởi những nghệ nhân này. Tôi kể một chi tiết nhỏ để nói rằng trong một dự án nghệ thuật có được tài trợ của các quỹ trên thế giới không đơn thuần là việc xin - cho mà nó là cuộc chiến cân não và nghệ sĩ phải chứng minh được bản lĩnh nghề của mình. Ngoài chuyện sáng tạo, nghệ sĩ còn phải mang sáng tạo của mình tương tác với xã hội”, Trần Thanh Cảnh giải thích.
Họa sĩ Trần Thanh Cảnh
|
Họa sĩ Trần Thanh Cảnh là Thạc sĩ Nghệ thuật, có gần 20 giải thưởng, 3 triển lãm cá nhân, hơn 50 triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Hiện anh là Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật TP.HCM, Chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ và là giảng viên đại học tại TP.HCM.
|
Bình luận (0)