Bài hát 'Nối vòng tay lớn' đã có trong sách giáo khoa

12/04/2017 06:21 GMT+7

Trước thông tin bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép phổ biến của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch), hầu hết giáo viên dạy nhạc, quản lý ở các trường THCS đều bất ngờ vì bài hát này đã được đưa vào sách giáo khoa môn âm nhạc lớp 9.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên chiều 11.4, bà Nguyễn Vương Thụy Uyên, giáo viên dạy nhạc khối 8 - 9 Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cho hay trước đây chưa bao giờ thấy đề cập tới thông tin bài hát Nối vòng tay lớn chưa được phép phổ biến.
Bà Uyên chia sẻ: “Bài hát này rất phổ biến và được đưa vào chương trình sách giáo khoa nên tôi nghĩ nó phải được phép. Khi nghe thông tin chưa được phép, tôi nghĩ có lẽ chỉ liên quan tới việc biểu diễn chứ không ảnh hưởng tới vấn đề dạy học”.
Cũng theo bà Uyên: “Đây là một bài hát hay và ý nghĩa tạo không khí sôi nổi, đoàn kết giúp học sinh gắn kết khá tốt. Nối vòng tay lớn thường được chọn là bài hát mở đầu cho các chương trình sinh hoạt tập thể và có tác động tích cực tới học sinh. Mặc dù được phân phối trong chương trình hát nhạc lớp 9 nhưng hầu hết học sinh từ tiểu học đã có thể biết, thuộc lời và hát được bài này”.
Sách giáo khoa âm nhạc lớp 9 (tập 1) ghi nhận rất rõ: “Bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là tiếng nói tình cảm của những người VN yêu nước, mong muốn cùng nắm tay, kề vai sát cánh bên nhau để tạo dựng cuộc sống yên vui, thanh bình vươn tới mục tiêu cao cả vì một đất nước VN thống nhất, độc lập, hòa bình, hạnh phúc”.
Bài hát 'Nối vòng tay lớn' đã có trong sách giáo khoa1
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn Ảnh: Ngọc Hải
Nói về vấn đề này, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ý kiến: “Sách giáo khoa là do Bộ GD-ĐT ban hành và đã được hội đồng thẩm định quốc gia thông qua. Vì vậy, Sở có trách nhiệm phải triển khai chương trình tới học sinh”.
Bài hát phổ biến trong các sinh hoạt tập thể
Anh Nguyễn Tấn Đạt, Phó bí thư Tỉnh đoàn kiêm Phó chủ tịch Hội LHTN tỉnh Bình Dương, cho biết bài hát này hoàn toàn phù hợp với thanh niên và người dân cả nước, rất phù hợp với tiêu chí, chức năng và nhiệm vụ của tổ chức Hội LHTN VN. “Tôi hoàn toàn ủng hộ và mong rằng bài hát được phép phổ biến để lưu truyền trong thanh niên cũng như người dân cả nước được sử dụng một cách chính thống”, anh Đạt bày tỏ.
Vũ Nguyễn Minh Trí, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho rằng bài hát rất phù hợp với hoạt động phong trào sinh viên. Minh Trí đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu vì sao bài hát rất phổ biến và nó đã tồn tại với giới trẻ qua nhiều năm tháng như thế lại chưa được cấp phép phổ biến?”.
Vì sao 4 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép ?
4 ca khúc Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Ca dao mẹ và Đêm thấy ta là thác đổ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều chưa được cấp phép lưu hành.
Ngày 11.4, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) - giải thích do chưa có cá nhân hay đơn vị nào xin cấp phép 4 ca khúc trên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nên Cục NTBD chưa có cơ sở để cấp phép phổ biến rộng rãi các ca khúc này. Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế vừa gửi hồ sơ tới Cục NTBD xin cấp phép lưu hành ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông Chương cho hay ông đã nhận được hồ sơ nhưng chưa thể cấp phép ca khúc, đồng thời cho biết Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế cần phải xin xác nhận của chủ sở hữu hoặc đại diện của chủ sở hữu tác phẩm thì Cục NTBD mới xem xét cấp phép được.
Ông Chương cho biết sau khi Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5.10.2012 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu được ban hành từ ngày 15.3.2016, việc cấp phép lưu hành ca khúc còn cần phải có sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu tác phẩm.
Ngọc An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.