Bánh Trung thu xuất hiện lần đầu tiên ở đâu?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
20/09/2021 15:05 GMT+7

Ở Trung Hoa, vào triều Bắc Tống, người ta làm một loại bánh Trung thu gọi là Cung bính phổ biến trong hoàng cung, về sau này thịnh hành trong dân chúng với tên gọi là Tiểu bính và Nguyệt đoàn.

Chúng ta biết rằng ngày 15 tháng 8 Âm lịch là ngày giữa mùa thu nên được gọi là Trung thu, một ngày trăng thường sáng tỏ hơn ngày khác nên người ta còn gọi là Nguyệt tịch.
Ở Việt Nam, tết Trung thu là một lễ hội có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn gọi là tết Đoàn viên, vì ngày này có tục những người trong gia đình cùng về nhà sum họp với nhau, cùng ăn bánh Trung thu, trò chuyện vui vẻ với nhau.

Tết Trung Thu ở Việt Nam

Ảnh: vietchallenge.com

Theo Lạc Trung Kiến Văn, bánh Trung thu xuất hiện đầu tiên trong triều đại nhà Đường. Đó là một loại bánh tròn, phủ vải đỏ mà Hy Tông hoàng đế dùng để thưởng cho các bậc thức giả trong lễ hội Trung Thu.
Ở Trung Hoa, vào triều Bắc Tống, người ta làm một loại bánh gọi là Cung bính (宮餅) phổ biến trong hoàng cung, về sau thịnh hành trong dân chúng với tên gọi là Tiểu bính (小餅) và Nguyệt đoàn (月團). Vào thời nhà Minh, việc ăn bánh Trung thu đã trở thành một phong tục ẩm thực chung của toàn dân Trung Quốc.

Bánh Hằng Nga hận trong truyện kiếm hiệp

Theo Wikipedia Trung văn, thuật ngữ bánh Trung thu lần đầu được nhìn thấy trong Mộng Lương Lục của Ngô Tự Mục thời Nam Tống với tên gọi là Nguyệt Bính (月餅). Trong Tây Hồ du lãm ký, Điền Nhữ Thành cho biết vào ngày rằm tháng tám, người ta sử dụng bánh Trung thu không chỉ là một món ăn mà còn là quà tặng.
Hiện nay một số nước ở châu Á cũng có lễ hội Trung thu với những loại bánh có cách chế biến và hình thức khác nhau gọi là: Nguyệt Bính (Trung Quốc), Kue bulan (Indonesia), Kuih bulan (Malaysia) hay ขนมไหว้พระจันทร์ (Thái Lan)… Tuy nhiên, ít ai biết trong truyện kiếm hiệp Trung Quốc, có một loại bánh Trung thu rất đặc biệt gọi là Hằng Nga hận (姮娥恨).
Loại bánh này do tiệm bánh Tam Nhật Khai chế biến rất nổi tiếng, xuất hiện trong bộ tiểu thuyết Sở Lưu Hương hệ liệt của nhà văn Cổ Long với nhân vật chính là Sở Lưu Hương, một đạo chích đào hoa, hào hiệp, được giới giang hồ tôn xưng là Đạo soái hay Hương soái. Về sau loại bánh này lại xuất hiện trong bộ Sở Lưu Hương tân truyện cũng của Cổ Long, gồm 4 tập, (do Nhà xuất bản Văn Nghệ Hà Nam ấn hành vào tháng 5 năm 2013).

Nguyệt Bính (月餅) - loại bánh Trung thu ở Trung Quốc

Ảnh: greenpeace.org

Bánh Kue bulan (Indonesia)

Ảnh: tribunnewswiki

Trong truyện kiếm hiệp có bánh Hằng Nga hận, còn ngoài đời, hiện nay tại Trung Quốc người ta thấy có những loại bánh Trung thu đặc trưng, với những nguyên liệu chính như sau:
Liên Dong: loại bánh nguyên thủy, đắt tiền nhất, làm từ những hạt sen khô chế biến thành bột với lòng đỏ trứng.
Đậu sa: loại bánh ngọt làm từ bột đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh (tùy theo vùng).
Tảo nê: làm từ những trái táo ta chín, xay thành bột (có màu đỏ sậm).
Ngũ nhân: làm từ năm loại quả hạch và hạt kết hợp với sirô và đường cát trắng. Tùy theo vùng mà công thức và cách chế biến khác nhau, bao gồm: quả óc chó, hạt bí, hạt dưa hấu, đậu phọng, hạt mè hoặc hạnh nhân trộn với hỗn hợp dưa tây ướp đường, đùi lợn sấy khô của thành phố Kim Hoa (tỉnh Chiết Giang) và đường thỏi để làm tăng thêm hương vị cho bánh Trung thu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.