Bảo tàng đìu hiu vì vắng các dịch vụ bổ trợ

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
12/07/2019 06:36 GMT+7

Sở VH-TT TP.HCM bắt buộc phải chấm dứt mọi dịch vụ bổ trợ với những đối tác liên kết kể từ ngày 1.7 nên việc bán đồ lưu niệm, giải khát, biểu diễn nghệ thuật truyền thống... phục vụ khách tham quan tại các bảo tàng đều đã đóng cửa, đìu hiu.

TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cầm trên tay Thông tư 03/2019 của Bộ Nội vụ được bôi đỏ khoản c, điều 4, tâm tư: “Theo thông tư, các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí chi thường xuyên. Căn cứ vào quy định này, bảo tàng của tôi có 20 người là hợp đồng và tạp vụ, bảo vệ thì chẳng biết lấy đâu để trả lương cho nhân viên, trong khi ngân sách nhà nước cắt hết các hoạt động dịch vụ bổ trợ. Cửa hàng bán các vật phẩm văn hóa phục vụ du khách, một phòng tranh Lý - Thị đối tác hàng tỉ đồng, quán cà phê tấp nập ngay cửa ra vào từng là nơi sinh hoạt đông đúc của Hội Cổ vật TP.HCM, CLB Tem - Tiền cổ, hay chương trình múa rối nước của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam... với nguồn thu gần 2 tỉ đồng/năm, giờ đóng cửa toàn bộ”.
Tại Bảo tàng TP.HCM, việc chấm dứt các hoạt động bổ trợ cũng khiến cho đơn vị mất hẳn nguồn thu khoảng 5 tỉ đồng/năm. Bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, Giám đốc Bảo tàng TP.HCM, kể: “Trước đây, chúng tôi tổ chức nhiều dịch vụ: giải khát, thức ăn nhẹ tại nhà hàng ở phía bên đường Lê Thánh Tôn, rồi cửa hàng thủ công mỹ nghệ, quầy hàng dịch vụ kỹ thuật ảnh... rất thu hút du khách. Tất cả đều phải ngưng chờ triển khai dự án quy hoạch trùng tu tôn tạo cảnh quan sân vườn và nâng cấp bảo tàng”.
Bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cũng cho hay: “Từ ngày 30.6, các hoạt động bổ trợ của chúng tôi cho chấm dứt theo chỉ đạo của Sở VH-TT TP.HCM. Trong khi mỗi ngày có hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan bảo tàng, nhu cầu về các hoạt động bổ trợ phục vụ là rất lớn nhưng đành chịu”.
Được biết, Thông tư 18/2010 của Bộ VH-TT-DL cho phép các bảo tàng tổ chức các hoạt động dịch vụ bổ trợ phục vụ du khách, gồm: Tổ chức dịch vụ ăn, uống, nghỉ ngơi, giải trí, tổ chức phát triển sản phẩm lưu niệm, bán các ấn bản phẩm... Tuy nhiên, với văn bản vừa qua của Sở VH-TT TP.HCM thì những nhu cầu chính đáng này đã bị “đóng băng”. “Ngay cả múa rối nước là “đặc sản” thu hút khách để quảng bá đất nước, con người VN... vừa tạo đất cho anh em nghệ sĩ có chỗ biểu diễn, sau khi trừ hết chi phí vẫn còn tạo nguồn thu mỗi tháng cho bảo tàng 25 triệu đồng chứ có ít đâu. Vậy mà... cấp trên bảo chờ đề án được phê duyệt thì biết đến bao giờ khi không đưa ra thời gian cụ thể’, ông Hoàng Anh Tuấn lo lắng.
Bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền cho rằng: “Ở các nước, trong quy hoạch bảo tàng bao giờ cũng có các dịch vụ khép kín: nhà hàng, phòng chiếu phim, ăn uống, giải khát, các xuất bản phẩm lưu niệm... để thu hút khách. Còn ở ta nếu không nhanh chóng mở lại những dịch vụ cần thiết cho du khách thì hoạt động kinh doanh, tạo ra nguồn thu của bảo tàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.