Bí mật của chồng - Truyện ngắn của Kiều Bích Hậu

Vợ chồng tôi cưới nhau được gần một năm. “Rổ rá cạp lại” nhưng chúng tôi sống khá hạnh phúc. Hiến là một người bố tốt và nghiêm khắc với con trai riêng của tôi.

Trong mắt tôi, Hiến là người chồng tuyệt vời, ngoại trừ một việc mà tôi đã phải chấp nhận giao kèo với anh trước khi cưới. Đó là không được động chạm đến một “bí mật của chồng”.
Bí mật đó có từ trong quá khứ, và nó chẳng liên quan gì đến tôi. Để lấy anh, tôi đã cam kết không động chạm. Anh chỉ cho tôi biết, rằng anh từng ly hôn một lần. Lý do ly hôn, hậu quả và câu chuyện của nó, thì anh sẽ không bao giờ để tôi biết.
Là một phụ nữ hiện đại, tôi cũng xác định, tôi yêu chồng tôi của ngày nay. Tôi chẳng việc gì phải lo đến quá khứ của anh làm gì cho mệt. Tình yêu thương, chúng tôi tập trung cho nhau hôm nay, mới là thông thái.
Nhưng rồi, tôi cũng không thể kiên nhẫn thêm với “bí mật của chồng”. Suốt gần năm qua, cứ đến chiều thứ bảy là anh “xách ba lô lên và đi” đến tối muộn chủ nhật mới về nhà. Anh đi đâu, với ai, làm gì, ngủ giường nào? Biết bao câu hỏi vang lên trong đầu tôi, nhưng tôi câm nín. Tôi chưa muốn phạm vào cam kết của tôi với chồng từ trước khi cưới. Anh không hé răng giải thích, nhưng mỗi khi tôi gọi điện thoại khi anh đi vắng, anh vẫn nghe chứ không tắt hay bỏ máy. Đôi khi, tôi nghe trong điện thoại có tiếng trẻ con hờn dỗi, la hét, tiếng người lớn quát. Tôi đồ rằng anh đang ở chỗ đông người, và có trẻ con. Đêm thứ bảy, thì khi nghe điện thoại, giọng chồng tôi luôn hạ thấp nhất, nhưng cũng có khi anh thì thào như vậy, mà bên anh lại nổi lên tiếng trẻ la hét, tiếng người lớn đe nẹt.
Bằng linh cảm, tôi cho rằng chồng tôi không làm chuyện bậy khi luôn biến mất vào cuối tuần. Nhưng nếu đó là việc tử tế, thì tại sao anh lại bí mật như vậy? Và còn một điều nữa khiến tôi không bằng lòng, đó là tôi muốn vợ chồng tôi sinh con, nhưng anh lại không muốn. Anh đơn giản nói, chúng ta đã có cu Thóc là đủ rồi, anh yêu thương con như con đẻ của anh. Không cần có thêm con nữa.
Kỳ quặc, có người đàn ông nào như anh, lấy vợ mà lại không muốn sinh con của chính mình? Khi anh thực lòng yêu thương con riêng của tôi, tôi phục chồng mình vì sự rộng lượng và cao thượng của anh. Nhưng vẫn có góc khuất nào đó trong anh mà tôi không hiểu nổi.
Thuê thám tử để theo dõi chồng? Tôi không muốn. Ép anh nói ra bí mật? Như vậy thì rõ ràng tôi vi phạm cam kết và chúng tôi phải chia tay nhau. Chồng tôi đặt điều kiện rõ ràng, nếu em muốn bí mật của anh, thì chúng ta chia tay. Lúc chưa cưới, tôi thấy rằng mình có thể chấp nhận được điều bí mật ấy. Nhưng giờ thì tôi hiểu, lắm khi mình cũng không thể tin được chính mình. Càng ngày, tôi càng khó chịu khi chồng biến mất vào cuối tuần.
Tôi phải nghĩ ra cách gì chứ!
Nghĩ nát nước, tôi quyết định nhìn thẳng vào sự thật.
Chiều thứ bảy, khi Hiến đang xếp đồ vào ba lô, tôi giữ tay chồng lại:
- Anh có tin em không?
- Có chuyện gì vậy? Tại sao em hỏi thế?
- Phải có niềm tin thì mới sống hạnh phúc với nhau được - Tôi bình tĩnh nói - Em cảm thấy mình bất lực. Em đã rất cố gắng nhưng chỉ tình yêu thôi thì có lẽ chưa đủ. Em phải làm gì để anh tin em?
- Anh có tin em - Chồng tôi khẳng định, nhưng mắt không nhìn tôi.
- Nếu thực sự tin, chúng ta hãy bỏ cam kết kia đi - Tôi dấn tới.
- Không được! - Chồng tôi nhăn mặt - Hãy hiểu cho anh, anh giữ điều bí mật ấy, là muốn bảo vệ em thôi. Mình anh chịu đựng là được rồi. Em hãy hiểu một điều này thôi, rằng anh yêu em và không muốn mất em.
- Anh yêu em thì tại sao anh không cho phép em đi đến tận cùng cuộc đời anh, không cho phép em vui sướng, đau khổ, lo lắng cùng anh? Trái tim anh đặt ở nơi nào? Em đâu được biết. Em đã lầm, tưởng rằng em có thể sống hạnh phúc bằng việc bỏ qua điều bí mật của anh nên em đã cam kết thật ngu xuẩn. Giờ thì em hiểu rằng em không sống như thế được. Nếu anh vẫn cứ ra đi như thế này, em cũng sẽ ra đi.
- Huyền, sao em có thể nói với anh như vậy? - Chồng tôi buồn rầu nắm cánh tay tôi. Mắt anh nhìn tôi tuyệt vọng, như mắt một con cún nhỏ cầu cứu. Nhưng nếu tôi buông xuôi, thì tôi sẽ phải chấp nhận một hạnh phúc khuyết tật mãi mãi.
- Hãy cho em biết, dù là bất cứ chuyện gì. Em có thể bỏ đi, hoặc ở lại. Anh cần chấp nhận điều đó. Em không hứa, cũng không cam kết được. Bởi em có quyền biết sự thật. Em có quyền chia sẻ tận cùng cuộc sống với chồng em.
- Người vợ trước của anh, không chấp nhận được sự thật, và đã bỏ anh. Bây giờ em vẫn muốn biết sự thật sao!
Hiến chỉ nói được có vậy, rồi mặt anh âm u, tuyệt vọng đến nỗi tôi không dám vặn hỏi gì thêm. Cảm giác như chỉ cần tôi thốt ra một lời nào đó, là anh sẽ đổ sụp. Tôi muốn ôm lấy anh, hôn anh, để có thể một điều gì đó tràn vỡ. Nhưng tôi lại cứ thế đứng lặng im.
- Em chuẩn bị ít đồ, rồi đi cùng anh, nếu em vẫn quyết liệt muốn biết sự thật! - Cuối cùng, chồng tôi nói.
Tôi vơ quàng quần áo, đồ ăn khô, chút tiền cho vào túi xách. Đột nhiên một nỗi lo sợ khiến tôi tê liệt. Tôi, hay chồng tôi, đã tự đẩy mình vào chọn lựa kinh khủng: tôi có thể mất anh. Mà tôi hoàn toàn không biết rõ sự thật ấy ghê gớm tới mức nào. Nhưng tôi không lùi được nữa. Tôi không thể để nỗi sợ này ngăn cản mình.
Chiếc taxi nảy lên, rồi chạy chậm lại khi đi qua cây cầu nhỏ bắc qua sông Nhuệ. Chồng tôi làm gì ở vùng đồng chiêm trũng này? Ven sông, cỏ dại mọc lơ phơ trước gió, từng đàn vịt nhởn nhơ bơi lội. Tôi liếc sang Hiến, chồng tôi ngồi dịch ra xa tôi, cách hẳn một ghế giữa trên xe. Từ lúc đó trở đi, anh bỗng trở nên xa cách lạ lùng. Lẽ nào đây là người đàn ông đầu gối tay ấp cùng tôi bao đêm?
Taxi dừng lại trước cánh cổng gỗ rất lớn, rất cao, hoành tráng như một khu resort đồng quê. Cửa mở, một cậu bé rất béo, chừng mười lăm, mười sáu tuổi, cởi trần bước ra đón chúng tôi, nở nụ cười tươi rói:
- Con chào bác Hiến ạ. Con chào cô ạ.
- Đây là cô Huyền, vợ bác - Chồng tôi giới thiệu.
Vượt qua hai chiếc ô tô bảy chỗ choán cả lối đi, chúng tôi bước vào khu trung tâm, tôi chỉ kịp nhìn thấy dãy nhà gạch xây kiểu nhà phong kiến xưa kia, và một hàng cối đá úp ngược, chặn một đầu con đường chính xuyên giữa khu trung tâm. Tôi chợt sững người trước một đoàn trẻ em mặc đồng phục màu cam, đi xe đạp một bánh, tung hứng bóng như đang làm xiếc, tiến nhanh tới dãy cối đá. Vài ba đứa trẻ thấy chúng tôi, vứt xe ném bóng đi, chạy ào tới.
Một cậu bé cao lộc ngộc, cao hơn cả tôi, miệng cười nhưng đôi mắt đờ đẫn như ở đâu đó xa xôi, bất ngờ ôm chặt lấy tôi, hôn lên má tôi khiến tôi không kịp phản ứng.
Nó vẫn tiếp tục giữ chặt lấy tôi, định hôn tiếp lên má kia, tôi hoảng hồn đẩy thằng bé ra. Má tôi ướt nhẫy nước miếng của nó. Tôi phải làm thế nào bây giờ, tôi lùi lại, hơi ghê ghê, định đưa tay lau má nhưng kịp dừng, tay tôi lơ lửng trên không một tích tắc rồi rơi xuống bất lực.
- Tôn, Dứa, Cún, chào cô rồi vào tập ngay! - Tiếng một người đàn ông quát lên.
- Cháu chào cô ạ! - Mấy đứa trẻ tranh nhau chào rồi quay lại, cúi nhặt xe và bóng, lại nhoay nhoáy đi xe đạp một bánh và tung hứng bóng như nghệ sĩ xiếc.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, những đứa trẻ thần kinh, hay những diễn viên xiếc?
Khi trên xe đạp một bánh, chúng là những nghệ sĩ xiếc, nhưng nét mặt khi đối diện người lạ thì mỗi đứa một vẻ, lơ ngơ, hau háu, vui mừng quá đà, hoặc thèm khát, thực sự không bình thường, và hành vi giao tiếp thì thật vô lối.
- Xin chào thầy Tâm - Chồng tôi lễ phép - Đây là Huyền, vợ tôi.
- Cam, lại đây mau - Người đàn ông vừa quát khi nãy mà chồng tôi chào là thầy Tâm, không gật đầu chào đáp lại tôi, mà quay ra gọi ai đó.
Một cậu bé trắng trẻo, trông có nét quen quen, chừng 10 tuổi, quăng xe đạp một bánh, chạy vút đến chỗ chúng tôi. Nó ôm chầm lấy Hiến.
- Bố Hiến, bố Hiến! Bố cho con đi chơi Hà Nội nhé - Thằng bé kêu lớn.
Tôi chết sững người, lùi lại. Đây là con trai của chồng tôi? Một thằng bé thần kinh!? Tôi phải làm thế nào bây giờ, chạy trốn ư? Thằng bé sẽ lao vào tôi, ngấu nghiến má tôi… Dòng nước dãi của thằng bé khi nãy vẫn dinh dính trên má tôi dù tôi đã lén lau đi rồi.
- Cam à, nghe bố nói này - Chồng tôi gỡ tay cậu bé ra - Đây là cô Huyền, hôm nay cô vào thăm con. Con chào cô Huyền đi.
Thằng bé ngây ngô nhìn tôi, rồi nó tiến lại, nắm lấy tay trái tôi, lắc lắc:
- Cô Huyền à, cô có phải là mẹ không?
Tôi ngớ người ra, không biết phải trả lời thế nào?
- Sao, cô không dám nhận là mẹ nó à? - Thầy Tâm bước đến bên tôi, nói khẽ, nhưng giọng lại như đe dọa - Sao bây giờ cô mới đến?
Thằng bé chợt buông tay tôi ra, tôi chưa kịp hoàn hồn thì nó chạy vụt tới hàng cối đá, đập bốp đầu vào cối, la thét:
- Không phải mẹ! Không phải mẹ. Con thích mẹ Trang cơ. Mẹ Trang!
Hiến hoảng hốt lao tới túm lấy thằng bé. Đầu nó tóe máu, nhểu xuống má. Tôi suýt ngất đi.
Trong lúc tôi lẩy bẩy rút khăn trong túi, định đưa cho chồng tôi để lau cho con trai anh, thì một cô gái trẻ mặc đồng phục màu cam bỗng xuất hiện. Cô gái như giật thằng bé khỏi tay chồng tôi. Chồng tôi buông con, đờ đẫn nhìn con trai ngoan ngoãn đi theo cô gái trẻ. Thằng bé vừa đi, vừa ngoái lại nhìn Hiến, chỉ vào cô gái bảo:
- Mẹ Trang đây rồi. Mẹ Trang đây rồi.
- Muốn làm mẹ thằng bé, đâu có dễ! - Thầy Tâm gằn giọng nói với tôi - Cô lấy chồng mà chẳng hiểu gì về chồng mình! Nhìn cô là tôi biết không thể làm mẹ được đâu, cô xuống thăm con chồng, mà mặc váy lùng tùng xòe, đi giày cao gót thế kia, tôi thực sự không hiểu.
Nói rồi ông ta quay gót, đi về phía con đường xuyên giữa trung tâm, giữa những đứa trẻ đạp xe loằng ngoằng.
Tôi rơm rớm nước mắt. Tôi tức giận, tôi tủi thân, tôi bị sốc, hay là tôi ân hận? Tôi không biết mình nên ứng xử ra sao trước cú đòn bất ngờ này.
- Cam là con trai anh - Chồng tôi nói, giọng nằng nặng - Nó bị tự kỷ. Ở nhà, nó thường đập đầu vào bất cứ thứ gì khi xúc động mạnh, hoặc muốn đòi hỏi gì đó. Nó cũng đập vỡ tất cả những gì trước mặt. Nó thích nghe tiếng đồ bị vỡ, nhất là đồ sứ, thủy tinh. Ban đêm nó không bao giờ ngủ mà chỉ la hét. Nhà trường bình thường không nhận nó. Mẹ đẻ nó cũng không chấp nhận bệnh của nó, và bỏ đi… Anh đã một mình nuôi nó ba năm, và đưa nó đến trung tâm này, sau khi quyết định cưới em.
Tôi không biết nên thương, hay giận anh. Mọi thứ ập vào đầu tôi cùng lúc. “Cô không làm mẹ được đâu”. Câu nói của thầy Tâm vang lên nhói buốt óc. Tại sao lại quy chụp cho tôi như thế! Tôi đã không được chuẩn bị gì trước một điều quá kinh khủng thế này.
- Tại sao ông thầy ấy lại nói về em như thế? - Tôi thốt lên - Ông ấy có biết rằng em hoàn toàn bị động?
- Em đừng nghĩ sai cho thầy. Đó thực sự là một vị thánh sống đấy. Chỉ là ông thử tâm lý em thôi - Chồng tôi giải thích - Cuộc đời của những đứa trẻ như bé Cam, tưởng chừng là bỏ đi, là thảm họa cho cả gia đình, thì được thầy cứu vớt. Em kiên nhẫn một chút, ở lại đây lâu hơn, em sẽ hiểu thầy đã thay đổi số phận của các con như thế nào.
Tôi im lặng, cố tiêu hóa những câu từ của chồng. Tôi cần quyết định ngay lúc này. Tôi sẽ bỏ đi như người đàn bà trước của Hiến, hay tôi sẽ ở lại. Chỉ một tích tắc thôi, tôi cần lựa chọn, và lựa chọn ấy sẽ biến đổi hoàn toàn, biến đổi vĩnh viễn cuộc đời tôi. Không có một sự chuẩn bị nào cả, không có một hình dung nào cả. Cũng không cả thời gian cho tính toán, cân nhắc. Tất cả là linh cảm.
Tôi tuột giày cao gót ra khỏi chân. Thay bộ váy bằng bộ quần áo thể thao thoải mái. Hít một hơi thật dài, tôi bắt tay vào công việc. Tôi dọn dẹp nhà ở, nhà vệ sinh, khu phòng ngủ của các cháu tự kỷ. Có những cháu phóng uế xong thì lén trét phân vào khe cửa. Tôi cứ thế lau, quét, kỳ cọ đến toát mồ hôi, bụng sôi réo cồn cào.
Tại sao tôi phải làm việc này? Tại sao tôi lại ở đây? Những nỗ lực của tôi, của chồng tôi, của thầy Tâm, và cô gái trẻ tự nguyện làm “mẹ Trang” kia, liệu mang lại điều gì cho những đứa trẻ tự kỷ, chúng sẽ trở thành gì trong cuộc đời này? Nếu cu Thóc của tôi cũng là một trong những đứa trẻ kia, thì sao? Nếu tôi và Hiến sinh một đứa con nữa, thì nó sẽ giống cu Thóc, hay cu Cam? Nghĩ đến đó, nước mắt tôi trào khỏi bờ mi, tôi thực sự xót xa cho tôi, cho chồng.
Tôi không biết. Tôi sẽ học để biết, tại đây, với bài học đầu tiên là lau dọn bằng tay không tất cả những dơ dáy này. Tôi không có một chút hành trang nào cả. Đây mới là bài học đầu tiên của tôi, bài học về tình yêu thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.