Biến di sản thành tài sản

14/12/2016 05:49 GMT+7

Khía cạnh này được nhấn mạnh hôm qua (13.12) tại hội thảo quốc tế 'Các nguồn lực văn hóa cho phát triển bền vững', với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, văn hóa, khoa học...

Hội thảo do ĐH KHXH-NV - ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia và Văn phòng UNESCO Hà Nội tổ chức ngày 13 - 14.12 ở Hà Nội.
Bỏ quên nguồn lực lớn
Giáo sư (GS) Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, mở đầu bài phát biểu của mình bằng một câu chuyện với GS nhân học Oscar Salemink, ĐH Copenhagen, Đan Mạch. Khi đó, hai ông đang đứng trên cao nhìn xuống biển người mênh mông của hội Đền Hùng. “Ông Salemink nói với một lễ hội đông đúc như thế này, ở nước ngoài người ta có thể thu được hàng triệu USD chỉ với điều kiện mỗi người mua một cốc nước ngọt”, ông Lý nhớ lại.
Khi nói đến di sản văn hóa truyền thống thì hay nói đến tinh thần là chính thôi. Chúng ta đang chậm chạp trong biến di sản văn hóa thành tài sản kinh tế
GS Lê Hồng Lý
Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa

“Khi nói đến di sản văn hóa truyền thống thì hay nói đến tinh thần là chính thôi. Chúng ta đang chậm chạp trong biến di sản văn hóa thành tài sản kinh tế. Đa phần chúng ta đang khai thác lễ hội ở khía cạnh tâm linh hay mê tín dị đoan chứ chưa biết làm thế nào để khai thác ở khía cạnh kinh tế một cách minh bạch”, GS Lý nói. Trong khi đó, theo ông, đây là một nguồn lực khổng lồ.
GS Ngô Văn Lệ, nguyên Hiệu trưởng ĐH KHXH-NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng nhận thức về nguồn lực văn hóa của chúng ta đang quá chậm chạp.
Một nghiên cứu của TS Fenchette Sylvie (Viện Nghiên cứu phát triển Pháp) cũng đặt ra câu hỏi tại sao các bí quyết nghề thủ công không được xem xét trong phát triển công nghiệp ở VN? Theo bà Sylvie, ngay cả trước khi các làng nghề được hình thành, các nghề thủ công VN đã là một nét văn hóa cổ đáng kể. Chưa kể, những người làm nghề thủ công còn có cộng đồng với kỹ năng chung, quy tắc chung. Họ có những đình tổ nghề để tôn vinh điều đó, có bí quyết chỉ giữ trong làng. Tuy nhiên, những nguồn lực này đang được phát huy rất yếu ớt.
Bà Fenchette Sylvie cũng cảnh báo về những làng nghề đang tự đánh mất văn hóa của mình nên khó có thể làm kinh tế bền vững, lâu dài. “Làng Vạn Phúc khi biến thành làng thương mại đã đem trộn lẫn lụa thật với lụa nhập từ Trung Quốc. Nghệ nhân ở đây sửa nhà cửa thành nơi trọ cho khách du lịch. Đó là mối đe dọa mất đi nghề truyền thống”, bà phân tích. Tương tự, làng nghề Sơn Đồng dù sản phẩm đồ thờ cúng có thị trường khá ổn định trong nước lẫn Đông Âu nhưng lại tự đánh mất mình vì gây ô nhiễm môi trường do lượng sản phẩm làm ra quá lớn.
Cần giữ bản sắc riêng
TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn hóa dân gian VN, cho biết có nhiều kiểu dùng vốn văn hóa làm kinh tế bộc lộ tầm nhìn ngắn hạn, thể hiện tâm lý chụp giật của người khai thác. Chẳng hạn, khi lên Mộc Châu, khách du lịch sẽ gặp hàng loạt nhà sàn làm du lịch kiểu của người Thái. Ở tại ngôi nhà đó, khách cũng sẽ được ăn cơm kiểu người Thái dù thực chất chủ nhà là… người Mông. Những ví dụ như thế, theo ông Sơn, có rất nhiều. “Khách cần gì ta phải đáp ứng. Nhưng đáp ứng thế nào vẫn phải khoe được bản sắc văn hóa của mình ra, tạo được cái riêng của mình. Chứ cả Tây Bắc đều ở nhà sàn, ăn cơm Thái, ngâm chân thuốc nước nóng, uống rượu cần thì rất buồn. Làm du lịch phải có sắc thái riêng”, ông Sơn chia sẻ.
PGS-TS Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu văn hóa) cũng chia sẻ về những mô hình kinh doanh văn hóa với các thực đơn y chang nhau. Chẳng hạn, khách đến làng cổ Đường Lâm thì mâm cơm dường như tập trung chỉ có mấy món: gà luộc, đậu phụ, nem rán, lòng gà xào củ cải… Đáng nói là các món ăn này lại được lên thực đơn theo kiểu Nhật Bản, do chuyên gia người Nhật tư vấn, hướng dẫn. “Khi người ta đến chỗ lạ thường muốn được ăn món địa phương… Còn nấu kiểu người khác thì không nên. Như thế là đang làm kinh tế bằng văn hóa của người khác”, bà Phương nói.
Cũng theo ông Sơn, muốn phát triển bền vững từ nguồn lực văn hóa, điều rất quan trọng là cần quan tâm đến đời sống của người dân bản địa, họ phải được hưởng lợi. Chẳng hạn như ở Hội An, có thể thấy rất rõ từ lãnh đạo cao nhất đến người dân đều quyết tâm biến di sản thành tài sản.
Ông Sơn cũng lấy ví dụ từ việc khai thác văn hóa tại Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) để làm du lịch. Trước đó, các sản phẩm du lịch thường do công ty du lịch hoặc nhà nước bỏ tiền ra làm. Nhưng một dự án mới tại Lào Cai cách đây vài năm đã thay đổi cách thức đó. “Chúng tôi chọn người dân tham gia để làm, kích thích họ tự làm ra sản phẩm và đưa chuyên gia tới tư vấn cho họ”, ông Sơn nói. Thực tế cho thấy ở cách làm này, người dân biết rõ thế mạnh, bản sắc văn hóa của mình nên phát huy rất tốt để thu hút khách du lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.