'Bỏ vàng mã là quyết định dũng cảm của giáo hội Phật giáo'

23/02/2018 11:38 GMT+7

Theo GS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã rất dũng cảm khi đưa ra văn bản chính thức về việc bỏ đốt vàng mã .

Nhiều người kêu ca, nhưng cũng có những người cho rằng đốt vàng mã là cần thiết. Xin ông cho biết việc đốt vàng mã xưa diễn ra như thế nào?
Đốt vàng mã đúng là một tục mà mình bị ảnh hưởng của Trung Quốc từ lâu rồi. Đốt vàng mã dần dần theo thời gian làm nghề thủ công làm vàng mã, nó nuôi sống nhiều người.
Nhưng cũng phải nói chuyện những phản ứng của xã hội và những người tỉnh táo thì họ cũng thấy dần cái bất hợp lý của nó. Trước 1945, cũng có những cuộc đấu tranh đầu tiên để hạn chế vàng mã, nhưng cuối cùng, cuộc đấu tranh này thất bại, không làm gì được.
Sau năm 1945, do điều kiện kinh tế, tục đốt vàng mã khá đơn giản, in những lá vàng rất đơn giản. Từ một tập tục từ nước ngoài nhập vào thành một thói quen của mình, của tín ngưỡng tôn giáo mình, rồi có cả một nghề nữa để cung ứng.
Đến những năm tháng gần đây, tập tục này ảnh hưởng quá tới cuộc sống, tới môi trường, tự dưng nó thành bất hợp lý lớn. Không biết là đã bất hợp lý đến điểm cực đại chưa vào thời điểm này.
Người dân tự nguyện tốn kém, đó cũng là một nhu cầu tâm linh. Thế thì khi đánh giá đốt vàng mã là một việc tốn kém, có phải đã vi phạm quyền riêng tư của người dân không?
Điều đó về logic chỉ đúng một nửa thôi. Trong cuộc sống cũng có chuyện không ai cưỡng ép tôi mua vàng mã cả, nhưng nó cũng có sự lôi cuốn của đám đông, dẫn đến quần chúng đông đảo bị lôi cuốn vào cái vòng đó thật và cũng tốn kém thật. Trong gia đình có thể thấy rất rõ. Cách đây 30 năm, nếu đốt vàng mã có thể chỉ mấy hào thôi, nhưng theo logic bị cuốn vào đám đông thì giờ mất chí ít cũng vài chục, vài trăm nghìn đồng. Chưa kể còn có tâm lý tiêu dùng là có những tầng lớp nhiều tiền đến mức đốt cả tiền triệu, trăm triệu. Ở đây phải nói là tốn kém thật ấy chứ, và còn làm môi trường ảnh hưởng.
Tuy đó là quyền cá nhân nhưng cuộc sống lại có xu hướng theo đám đông như thế. Về phía quản lý nhà nước thì phải nhìn nhận điều đó để điều chỉnh tâm lý người dân, không để họ bị kéo đi.
Kết luận lại là trong chuyện này vừa có nhu cầu cá nhân, vừa có cái logic của thực tế lôi cuốn. Nó dẫn đến ý thức hoặc vô thức tham gia đốt mã, rồi dẫn đến tốn kém.
làng nghề làm vàng mã, đó cũng là một ngành kinh tế. Nếu giảm đốt vàng mã, liệu có sợ ngành kinh tế đó bị thất thu? Bí quyết của nghề thủ công đó cũng có thể bị mai một. Ông nhìn nhận sao về chuyện này?
Ở đây có hai khía cạnh. Thứ nhất, nếu ta hạn chế và ngăn cấm đốt mã thì có ảnh hưởng kinh tế và văn hóa không. Trên thực tế, có thể thấy nghề thủ công tồn tại do điều kiện xã hội. Có những nghề chả có tội gì nhưng cũng mai một, như dệt lụa chẳng hạn. Nhu cầu sản xuất và cuộc sống quyết định như thế. Đó là một khía cạnh. Thứ hai, nếu một nghề gây tốn kém và ảnh hưởng tới môi trường, xã hội thì bản thân người làm nghề cũng ý thức được cái đó và chuyển sang sản xuất khác. Như đốt hương nhé, là cái thậm chí còn nhu cầu bắt buộc hơn vàng mã, thì bây giờ người ta cũng đã phải tính làm sao để sản xuất hương ít hóa chất, chứ không hại người quá.
Cứ thử nhìn xem, chỉ xung quanh, chúng ta đã thấy rất nhiều vàng mã được đốt. Giấy thì toàn hóa chất…
Đã từng có cuộc vận động không đốt vàng mã trước 1945. Ông có thể nói kỹ hơn về điều này?
Đó là trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Từ những năm 1937 - 1938, theo xu hướng cải cách tôn giáo Phật giáo, trong đó bàn cãi rất nhiều về việc có nên bỏ đốt vàng mã hay không. Và, họ bàn làm thế nào để xóa bỏ việc đốt vàng mã. Cũng tranh cãi nhiều. Song, sau đó việc này cũng không thành công. Những người tân tiến khi đó đòi xóa bỏ vàng mã đi, song họ cũng chưa đủ sức thắng được thực tế.
Vậy, ông đánh giá thế nào về công văn của Hội Phật giáo ở thời điểm này?
Tôi mừng vì hai nhẽ. Một là phải có quyết tâm khi công khai có một văn bản chính thức như thế, hai là nó sẽ tạo thành sức mạnh của xã hội. Tôi đã tìm hiểu hai chục năm nay về vấn đề này. Nhiều cao tăng có tâm tư là việc đốt vàng mã này không có liên quan gì đến nghi thức nghi lễ của Phật giáo cả, nhưng nó lại rất gắn bó vì nhà Phật thấy đó là cách để thỏa hiệp với tín ngưỡng này để giữ tín đồ của mình, thậm chí là tăng tín đồ của mình. Nhưng bây giờ, đến giai đoạn bất hợp lý thì họ đã dũng cảm đi đến ý kiến tập thể là thay đổi. Chủ thể giáo hội đã công khai thái độ rất dũng cảm, rất tốt.
Trong chùa ta đốt vàng mã nhưng không đốt nhiều. Đền, phủ mới đốt nhiều. Với tín ngưỡng thờ Mẫu, có những lễ mà theo ghi chép có hình nhân thế mạng. Thế thì liệu có thuyết phục được họ không, có vi phạm tự do tôn giáo không, thưa ông?
Cho dù với Phật giáo hay với Đạo mẫu thì cũng không sao. Nhà nước không cấm đốt vàng mã mà chỉ vận động họ giảm đốt. Còn đây, một tổ chức tôn giáo lớn là Phật giáo công khai thái độ, điều đó rất tốt. Lực lượng lớn những người theo đạo Phật mà quyết tâm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn. Chắc chắn vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.